GS.Mạch Quang Thắng: Con đường làm khoa học chân chính không bao giờ bằng phẳng

05/07/2022 06:58
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn lại chặng đường gần 50 năm nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng nhận thấy: “Con đường làm khoa học chân chính không bao giờ bằng phẳng”.

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng là nhà khoa học ngành Sử học, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông chủ trì hàng chục đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ, viết hàng trăm cuốn sách, bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành như: Tạp chí Lý luận chính trị; Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Cộng sản… Đối với ông, điều quan trọng nhất khi làm khoa học phải có đam mê, nhiệt huyết bởi con đường làm khoa học chân chính không bao giờ bằng phẳng.

Đến với chân trời mới

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng sinh năm 1953 ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An trong một gia đình nhiều đời làm nghề đi biển đánh cá.

Năm 1970, Mạch Quang Thắng tốt nghiệp trường cấp III Quỳnh Lưu rồi đăng ký thi vào khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau 5 năm miệt mài học tập, sinh viên Mạch Quang Thắng tốt nghiệp đại học và được phân về công tác ở Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (nay là Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng (ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng (ảnh: NVCC)

Khi đó, Mạch Quang Thắng được phân vào tổ Xã hội chủ nghĩa. Ông bắt đầu tham gia nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng như: văn kiện Ðảng 1930-1945, 1945-1954; các công trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Ðảng...

Tháng 10/1982, ông được cơ quan cử đi làm nghiên cứu sinh ở Viện Lịch sử Đảng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Bungari. Đây là cơ hội hiếm có, một chân trời mới mở ra đối với ông khi được ra nước ngoài học tập.

Theo Giáo sư Mạch Quang Thắng: “Đất nước Bungari có nền nông nghiệp tuyệt vời được thiên nhiên ưu đãi, truyền thống làm nông nghiệp lâu đời và trình độ quản lý tốt. Những nông trang tập thể rộng hàng trăm, hàng nghìn hecta như đại công trường cho phép Bungari áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất”.

Với dân số 9 triệu dân mà diện tích đất nước hơn 100.000 km2 nên nông nghiệp Bungari rất phát triển và xuất khẩu nhu yếu phẩm ra bên ngoài.

Nhận thấy đất nước Bungari có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nên ông chọn làm đề tài: Đảng Cộng sản Bungari lãnh đạo công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, liên hệ với Việt Nam do Giáo sư Minka Trifonova hướng dẫn. Sau 4 năm học tập và nghiên cứu, cuối tháng 12/1986, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ).

Con đường vào khoa học

Tháng 1/1987, Phó Tiến sĩ Mạch Quang Thắng trở về nước và công tác ở Viện Lịch sử Đảng, thuộc Viện Mác - Lênin (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Bằng kiến thức đã học và năng lực của mình, ông được Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Nguyễn Việt Chiến xin về làm Trưởng ban Nghiên cứu lý luận của Viện.

Năm 1991, Viện Mác - Lênin chỉ có 3 người được phong học hàm, trong đó có hai Giáo sư là Viện trưởng Đặng Xuân Kỳ và Viện phó Trần Nhâm, còn ông là Phó Giáo sư.

Thầy Thắng cho biết: “Lúc tôi là Phó Giáo sư và đề bạt làm Viện phó Viện Xây dựng Đảng khi mới 38 tuổi, thời đó là rất trẻ. Đến năm 2005, tôi được phong hàm Giáo sư ngành Sử học khi 52 tuổi”.

Năm 1991, ông bắt đầu được tham gia chương trình cấp Nhà nước KX 02 về tư tưởng Hồ Chí Minh (1991-1995) do Giáo sư Đặng Xuân Kỳ làm Chủ nhiệm. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, năm 1999, ông được đề bạt làm Vụ phó Vụ Quản lý khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, rồi Vụ trưởng (2004-2013).

Nhìn lại chặng đường gần 50 năm làm công tác nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng đi sâu vào nghiên cứu ba hướng chính: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ đó, ông đã chủ trì hàng chục đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ tiêu biểu như: Chương trình cấp nhà nước KX.03 “Xây dựng Đảng trong điều kiện mới” (Phó Chủ nhiệm), 2001-2005; Đề tài cấp Bộ, “Nhân cách Hồ Chí Minh” (Chủ nhiệm), 2010; Đề tài cấp Bộ “Từ điển Hồ Chí Minh học” (Chủ nhiệm), 2014…

Ông cũng là tác giả của rất nhiều công trình, tiêu biểu như: Đảng Cộng sản Việt Nam – Những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng, Nhà xuất bản Lao động, 2007; Hồ Chí Minh - con người của sự sống, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2010... Với ông, mỗi một công trình nghiên cứu là một dấu ấn trên con đường khoa học.

Đối với Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng: “Mỗi công trình khoa học tôi viết ra là sự dồn nén một quá trình trăn trở, suy tư và tâm huyết. Con đường nghiên cứu khoa học không bao giờ bằng phẳng, mà chông gai đòi hỏi sự kiên trì, đam mê”.

Trong đó, ông rất tâm đắc nhất là cuốn sách “Hồ Chí Minh - con người của sự sống” được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác. Để có được công trình này, ông phải trăn trở, chuẩn bị tư liệu hơn 10 năm.

Trải qua gần 50 năm nghiên cứu và công tác với nhiều cương vị khác nhau nhưng Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng vẫn luôn sống và làm việc hết mình với niềm đam mê, trách nhiệm dù biết con đường khoa học không bao giờ dễ dàng.

Với ông, công việc giảng dạy và nghiên cứu đã thấm vào máu, vào hơi thở cuộc sống hàng ngày. Cũng nhờ điều đó mà giúp ông thành công trên con đường nghiên cứu về Sử học như hiện nay.

Ngô Hiển