GS Nguyễn Minh Thuyết kể về thầy - NGND Đoàn Thiện Thuật

20/11/2012 06:02
GS Nguyễn Minh Thuyết
(GDVN) - Người xưa bảo: “Ăn lưng cơm, uống miếng trà với nhau cũng có duyên tiền định”. Nói như vậy thì tôi có rất nhiều duyên với Nhà giáo nhân dân (NGND) Đoàn Thiện Thuật.
Năm nay, GS.TS.NGND Đoàn Thiện Thuật tròn 80 tuổi. Thầy dạy sinh viên Khoa Ngữ văn chúng tôi phần "Dẫn luận ngữ âm học" ngay từ đầu năm thứ nhất. Rồi năm 1976, thầy lại là người hướng dẫn anh chị em chúng tôi ôn tập môn Ngữ âm học để tham dự kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh. Ngữ âm học khô và khó. Nhưng giờ dạy của thầy lúc nào cũng nhẹ nhàng, thú vị. Bằng một giọng mũi mà người ta cho là rất có lợi thế khi nói tiếng Pháp và cách nói rủ rỉ rù rì, với những câu chuyện dí dỏm đôi lúc có vẻ con cà con kê, thầy dẫn dắt chúng tôi đi vào mảng kiến thức trừu tượng, khô khan này một cách hết sức dung dị và sinh động.

Có lẽ chính vì thế và vì được thực hành nhiều, những kiến thức ngữ âm học mà thầy (và cuối năm thứ nhất là Thầy Nguyễn Phan Cảnh) dạy sau gần nửa thế kỷ vẫn in sâu trong trí óc tôi, dù từ sau ngày ra trường, tôi không mấy khi phải dùng đến những kiến thức ấy do hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn khác. 

GS.TS.NGND Đoàn Thiện Thuật
GS.TS.NGND Đoàn Thiện Thuật 

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Toàn bộ thời sinh viên của tôi diễn ra trong chiến tranh. Lúc ấy, trường phải sơ tán lên huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Khoa Ngữ văn ở xã Vạn Thọ, kéo dài từ dãy núi đất Tràng Dương đến tận bờ Suối Đôi. Đã có bao nhiêu hồi ức của sinh viên kể về những năm tháng gian khó mà nên thơ ấy. Có chuyện thật, có chuyện thêm mắm, thêm muối cho thi vị. Có cả những câu chuyện tếu táo truyền miệng theo kiểu tiểu thuyết chương hồi, trong đó nhân vật chính là các thầy. Nhưng theo trí nhớ của tôi thì không có nhân vật thầy Thuật trong những câu chuyện mang màu sắc Lương Sơn Bạc ấy. Chỉ có vài chuyện vui về tính cẩn thận của Thầy do các thầy tổ Ngôn ngữ học thời đó thêu dệt nhưng ở cương vị học trò, tôi nhường các thầy kể lại thì đúng hơn. 

Thời gian tôi sống gần thầy Thuật nhất là sáu tháng trời ở thôn Hoá Thượng, xã Dân Chủ, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Chẳng hiểu sao sinh viên ngôn ngữ năm thứ 4 chúng tôi phải về đấy để viết luận văn tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của Thầy. Lúc ấy tổ Ngôn ngữ lớp tôi có tới 2 nàng Bạch Tuyết mà chỉ có 4, chứ không phải 7 X 2 = 14 chú lùn. Hai cô bạn xinh đẹp đều đã có ý trung nhân là Nguyễn Cẩm Dung (sau trở thành giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) và Bùi Tuyết Mai (sau là tiến sĩ ngữ văn, công tác ở tạp chí Khoa học xã hội). Còn 4 anh tồ (chưa phải anh tài) là Cao Văn Định (tổ trưởng, sau trở thành Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Phú Thọ), Đoàn Mạnh Tiến (sau là giảng viên Trường Đại học Vinh), Nguyễn Công Trác (sau về Viện Ngôn ngữ học rồi sang làm từ điển quân sự bên Bộ Quốc phòng, mang lon Thượng tá) và tôi. 

Các bạn nữ ở riêng, dĩ nhiên. Còn 5 thầy trò chúng tôi trọ ở nhà ông Tiến, một lão nông có hiểu biết rộng và rất thích đàm đạo chuyện đời. Ông Tiến có 4 con. Anh con cả đi B, vợ ở nhà với bố mẹ chồng. Tiếp theo là một cậu con trai, một cô con gái và cậu con út, cả ba còn đang đi học. Các con ông, nhất là cô con gái lớp 7 chăm chỉ, hay tranh thủ hỏi bài mấy anh sinh viên trọ học. Bọn chúng tôi mới rời ghế nhà trường phổ thông có 4 năm, kiến thức toán lý hoá vẫn nhớ nhiều, các em hỏi đến đâu giảng bài vanh vách đến đấy. Còn môn Văn thì miễn chê. Nhất là Đoàn Mạnh Tiến, anh bạn này có một trí nhớ tuyệt vời, đến mức có thể nhắc lại với bất kỳ ai trong lớp ngày này năm ngoái, năm kia, năm kìa họ đứng ngồi ở đâu, làm gì, nói câu gì. Đối với anh, đọc thuộc lòng các hằng đẳng thức, quy tắc tính toán, công thức hoá học, thậm chí toàn bộ tập Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, trọn bộ các chương hồi Tam quốc, Thuỷ hử, Tây du là chuyện quá bình thường. 
Hồi ấy, chúng tôi đều 21, 22 tuổi, đã có người yêu; Đoàn Mạnh Tiến thì đang xây đắp kế hoạch chinh phục em vợ một thầy trong Khoa. Chỉ bảo cho em gái nhỏ, lòng ai cũng trong sáng, vô tư. Nhưng thấy mấy sinh viên cứ anh anh em em ngọt ngào với con gái ông chủ, một lần thầy Thuật nghiêm giọng bảo chúng tôi: “Các cậu đừng có anh em như thế. Xưng là tôi với cô cho nó đàng hoàng.” Sợ phép thầy, chúng tôi liền đổi cách xưng hô. Chẳng biết ông chủ có yên tâm vì thấy thầy dạy trò rất nghiêm không, nhưng cô bé lớp 7 thì ngơ ngác vì các anh gọi cô cứ như… người nhớn.

Nhà chủ đông người, lại có con dâu, con gái ở buồng riêng nên chỉ còn một cái phản rộng ở gian kế với gian giữa làm chỗ nghỉ cho 5 thầy trò. Đêm nằm, mấy cậu bạn cứ đùn tôi vào nằm sát với thầy. Lúc đầu thì bảo mỗi đứa thử vài hôm. Sau, bảo cậu nằm đó thầy không kêu ca gì, chúng tớ tín nhiệm cậu. Lâu dần chỗ sát với Thầy thành chỗ cố định của tôi. Tôi ngại nhất là đêm ngủ say lỡ gác chân lên thầy hay đạp vào thầy thì… chết. Thành ra suốt mấy tháng trời, trừ những lần thầy về Hà Nội họp hay thăm nhà, tôi cứ phải nằm cứng đơ, oán bạn sợ thầy mà không nói được. 

Thực ra thì thầy Thuật nghiêm nhưng tính tình cởi mở, rất hay chuyện. Chuyện của thầy con cà con kê, rủ rỉ rù rì nhưng vui lắm. Nhiều buổi, thầy trò ra giếng kéo nước cùng tắm. Chỉ có cái buồng tắm nho nhỏ để thay quần áo nên thầy trò cùng tắm lộ thiên (nhưng không … lộ hàng), vừa tắm vừa chuyện trò vui vẻ. Có lúc trêu chọc Cao Văn Định về chuyện con gái quê anh tắm giếng còn chìa tay sang xin miếng xà phòng. Có lúc thầy Thuật bảo: “Các cậu chưa kỳ đã xoa xà phòng là dốt. Xoa xà phòng rồi, làm sao ghét nó ra được nữa?” Chẳng hiểu Thầy lấy đâu ra bài học ấy nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn tin lời thầy mà chưa hề kiểm tra lại xem đúng sai thế nào. Học trò ngoan như vậy kể cũng không có nhiều. 

Sau này, về khoa công tác, lúc thầy làm Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, tôi trở thành trợ lý đào tạo của thầy, hai thầy trò rất tâm đầu ý hợp. Quyển sách đầu tiên tôi viết chung với thầy là cuốn Dẫn luận ngôn ngữ học (1994) do GS.TS Nguyễn Thiện Giáp làm chủ biên. Cuốn sách đến nay đã in tới 18 lần, được sử dụng rộng rãi trong các trường đại học của cả nước. Năm 2006, khi tôi được Dự án Hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Chính phủ chỉ định làm chủ biên bộ sách Tiếng Việt dành cho thanh thiếu niên, thầy lại nhận lời giúp tôi. Bộ sách gồm 18 cuốn, được cộng đồng kiều bào ta ở Mỹ, Pháp, các nước Đông Âu và một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan rất hoan nghênh. 

Tính từ ngày lớp sinh viên chúng tôi bỡ ngỡ bước chân vào Trường Đại học Tổng hợp tới nay, đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Bản thân tôi đã trải nhiều môi trường, nhiều cương vị công tác và cũng đã vào lứa U70 rồi. Nhưng thời sinh viên cùng với thời làm nghiên cứu sinh sau này vẫn là những thời kỳ đáng nhớ nhất. Tôi luôn cảm ơn số phận đã cho mình được gặp những người thầy, những nhân cách lớn như GS Đoàn Thiện Thuật, GS Nguyễn Tài Cẩn, GS N.V. Stankêvich, GS V.S. Panfilov và nhiều thầy cô khác từ bậc tiểu học đến sau đại học. Nghiệm ra, mỗi thành công của tôi trong cuộc đời đều có công rất lớn của các thầy cô.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2012 và mừng thầy tròn 80 tuổi, tôi xin gửi đến thầy lòng biết ơn sâu sắc nhất.
GS Nguyễn Minh Thuyết