GS.Đào Trọng Thi: Cao đẳng thành Đại học chỉ để... trang trí

15/04/2012 10:30
Theo Tiền Phong
(GDVN) - Mấy năm trở lại đây, hiện tượng các địa phương nâng cấp trường cao đẳng (CĐ), đặc biệt từ trường CĐ sư phạm địa phương lên trường đại học (ĐH) là một xu hướng không tốt làm dư luận xã hội rất lo ngại. Câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục “nâng cấp”?
Làm như thế sẽ có được một trường ĐH tầm thường, chưa nói là kém, nhưng lại mất đi một trường CĐ có thể có chất lượng trong khi Việt Nam đâu chỉ cần đào tạo mỗi trình độ đại học! Việc phát triển từ một trường CĐ sư phạm thành một trường ĐH đa ngành không đơn giản. Thường các trường loại này chỉ có kinh nghiệm đào tạo giáo viên thôi. Tôi chưa thấy trường ĐH địa phương nào có chất lượng mà thường chỉ nằm ở tốp cuối.
Trong khi Việt Nam đang cần cơ sở giáo dục có chất lượng, không cần quá nhiều số lượng thì, nói thực, nhiều tỉnh “đẻ” ra trường ĐH loại đó nhưng quy mô đào tạo lại chủ yếu là CĐ và trung cấp; số lượng đào tạo ĐH của các trường này rất nhỏ và mang tính trang trí nhiều hơn vì chất lượng không đáp ứng được nhu cầu.
Chất lượng đào tạo ĐH rất cần được chấn chỉnh và nâng cao tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Chất lượng đào tạo ĐH rất cần được chấn chỉnh và nâng cao tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Báo cáo giám sát của UB Thường vụ Quốc hội phê phán rất mạnh mẽ về xu thế trên và hoàn toàn không tán thành chủ trương nâng cấp kiểu này.
Tuy nhiên, đa số các địa phương, kể cả Bộ GD&ĐT nhận thức nâng cấp là con đường ngắn nhất và dễ nhất để có trường ĐH: Cơ sở có sẵn một chút, giáo viên có sẵn một chút, bổ sung thêm một chút nữa là có thể đáp ứng yêu cầu tối thiểu của một trường ĐH.
Sự dễ dãi này dẫn đến một hiện thực là các giảng viên khó mà phát triển thành đội ngũ của một trường ĐH có chất lượng; cơ sở vật chất phát triển cũng chỉ là chắp vá, có thể đáp ứng được yêu cầu trước mắt nhưng để phục vụ cho phát triển lâu dài thì lại kém.
Điều nguy hiểm hơn là các tỉnh không còn trường CĐ nữa trong khi trách nhiệm đào tạo giáo viên từ trung học cơ sở xuống là trách nhiệm của địa phương. Khi đã “lột xác” thành trường ĐH, các ĐH lại phải đào tạo trình độ ĐH là chủ yếu, hạn chế đào tạo CĐ và không được đào tạo trung cấp như lệnh mới đây của Bộ GD&ĐT. Ngoài việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và năng lực đào tạo việc này còn làm mất cân đối nghiêm trọng tỷ lệ nguồn nhân lực - Đại học nhiều, CĐ ít và Trung cấp gần như triệt tiêu.
Đó là lý do cần phải chấm dứt ngay hiện tượng tiếp tục nâng cấp từ CĐ lên ĐH mặc dù đã là quá muộn vì các địa phương đã… làm gần hết (có tỉnh đã còn nhập mấy trường CĐ thành một trường ĐH).
Trở lại vấn đề của Hà Nội. Thủ đô đã chuẩn bị từ nhiều năm nay để nâng cấp CĐ sư phạm HN thành ĐH Thủ đô. Bộ GD&ĐT không nhất trí cũng có lý do của Bộ. Hà Nội và TPHCM là hai thành phố lớn, xứng đáng để có trường ĐH của mình nhưng việc đã có rất nhiều trường ĐH trung ương đóng trên hai địa bàn này rồi thì việc Hà Nội nâng cấp CĐ sư phạm thành ĐH là có nên hay không? Câu hỏi này cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Nếu muốn có một trường ĐH, phải có hẳn một kế hoạch đầu tư mang tính chiến lược để xây dựng một trường ĐH chất lượng, còn ở đây mới là một ý tưởng, thì phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng.
Điều cần làm hiện nay để giải quyết hậu quả của sự nâng cấp tràn lan là rút kinh nghiệm và chữa cháy. Đã thành lập rồi thì không dễ gì giải thể. Không giải thể được thì phải đặt vấn đề đầu tư cho những trường này để đáp ứng được yêu cầu của trường ĐH. Phải có chính sách phù hợp để các trường này tiếp tục đào tạo hệ CĐ phục vụ nhu cầu nhân lực của địa phương. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT không nên bắt buộc các trường địa phương chỉ đào tạo ĐH, hạn chế CĐ hoặc không cho đào tạo trung cấp, vì như thế càng làm mất cân đối thêm nguồn nhân lực của địa phương. Trong trường hợp này, Bộ GD&ĐT đã trót nới lỏng để sinh ra quá nhiều trường ĐH thì chính Bộ phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn thôi.
Theo Tiền Phong