GS.Hoàng Tụy: Đạo đức tối thiểu còn hiếm, trách gì vô cảm...

11/06/2013 09:21
Phương Vũ/Đất Việt
(GDVN) -"Không nói gì đến những nghĩa cử hy sinh cao đẹp như của Nam, nếu chỉ cái đạo đức tối thiểu bình thường mà vẫn hiếm ở nhiều kẻ có trách nhiệm, thì không thể trách nhiều người dân vô cảm" - GS Hoàng Tụy chia sẻ.

GS Hoàng Tụy
GS Hoàng Tụy

PV:-
Thưa giáo sư, trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 môn Ngữ văn, có câu hỏi yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của mình về hành động dũng cảm của người học sinh Nguyễn Văn Nam: khi nghe tiếng kêu cứu của một nhóm năm em nhỏ đang chới với dưới sông Nam đã lập tức nhảy xuống cứu các em và sau khi đẩy được em cuối cùng vào bờ thì kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi. Ông đánh giá thế nào đề văn này?

GS Hoàng Tụy:- Tôi đồng ý với nhiều người coi đây là một đề văn hay, cũng giống như đề văn năm ngoái về bình luận thói giả dối trong xã hội ta. Còn việc trong xã hội có nhiều suy nghĩ rất khác nhau trước hành động dũng cảm của Nam, thậm chí có ý kiến mà theo một quan điểm nào đó có thể cho là tiêu cực – đó cũng là thường tình.

Mọi người đã không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình, sự thẳng thắn đó là điều tốt, chứng tỏ đã xa rồi cái thời mà ai nói ra điều gì cũng sợ bị phê phán mất lập trường, cả xã hội bị ép sống trong cái vỏ đạo đực giả, từ trên xuống dưới nói thì rất hay, nhưng làm thì thường ngược lại.

PV:- Trên báo chí đã có nhiều ý kiến bình luận sôi nổi về vấn đề này. Tuy ai cũng cảm phục hành động quên mình cứu người của Nam nhưng cũng có không ít ý kiến không tán thành khuyến khích con em mình noi gương Nam, vì cho rằng phải nghĩ đến gia đình, người thân và bản thân mình... Theo ông hiện tượng đó phản ánh điều gì trong xã hội ta hiện nay?  

GS Hoàng Tụy:- Nếu học sinh hiểu đúng thì sẽ thấy khi Nam nhảy xuống dòng nước cứu người bản thân em không thể ý thức được rằng em sẽ chết. Có thể em biết chắc chắn mình sẽ gặp nguy hiểm, nhưng không thể lường trước được nguy hiểm tới mức sẽ mất đi mạng sống.

Tuy nhiên, hành động của em là đáng quý, bởi lẽ dù em biết cứu người có thể em sẽ gặp nguy hiểm nhưng em vẫn lao xuống, vẫn cứu người. Và cứu đến tận người cuối cùng em mới bị kiệt sức rồi bị nước cuốn trôi.

Đó là hình ảnh đẹp để mọi người phải suy nghĩ. Tại sao lại như vậy?

PV: - Vậy thì thưa giáo sư, phải làm thế nào để những trường hợp đó không xảy ra?

GS Hoàng Tụy: -Thật ra cái đề thi văn này tuy là đề ra cho thí sinh là thanh niên nhưng tôi coi nó cũng là một đề ra cho mọi người lớn suy nghĩ, không chỉ những người lớn về tuổi tác mà trước hết là những người lớn về địa vị, về trách nhiệm trong xã hội. Đa số ý kiến người dân dù phát biểu theo hướng nào cũng đều có liên hệ đến tình trạng xã hội hiện nay, mà ai cũng thấy đầy rẫy gian trá, lừa đảo, độc ác, vô nhân.

Sống trong một xã hội nhiễu nhương như vậy, con người không trở nên ích kỷ mới là chuyện lạ. Trong xã hội đó những hành động dũng cảm như Nam lại càng nổi bật đáng quý, là tấm gương giáo dục trước hết cho người lớn rồi mới đến kẻ thường dân.

Không nói gì đến những nghĩa cử hy sinh cao đẹp như của Nam, nếu chỉ cái đạo đức tối thiểu bình thường mà vẫn hiếm ở nhiều người lớn, thì không thể trách nhiều người dân vô cảm.

Xin cảm ơn giáo sư!

Phương Vũ/Đất Việt