Hà Nội dự kiến cho học sinh nhiều khối lớp học trực tiếp sau Tết Nguyên đán

20/01/2022 07:14
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện tại, tỉnh Bắc Giang có 543 trường tổ chức dạy học trực tiếp. Trong khi đó, Thành phố Hà Nội dự kiến ngày 7-8/2 sẽ cho học sinh nhiều khối lớp trở lại trường.

6 bài học kinh nghiệm mở cửa trường học của tỉnh Bắc Giang

Tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch từ tháng 5/2021. Có thời điểm 372/760 trường học tại Bắc Giang đóng cửa, trưng dụng làm cơ sở cách ly và điều trị F0. Hàng trăm cán bộ giáo viên là F0, gần 9.000 học sinh, giáo viên thuộc diện F1, gần 20 nghìn học sinh và giáo viên trở thành F2 phải cách ly y tế.

Cho đến hiện tại, toàn tỉnh vẫn còn 362 học sinh và 20 giáo viên là F0, nhưng do triển khai thích ứng linh hoạt nên tỉnh Bắc Giang đã có 543 trường dạy học trực tiếp, chỉ còn 17 trường tổ chức dạy học trực tuyến và 189 trường dạy học kết hợp, còn 11 trường mầm non cho trẻ nghỉ học.

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục ngày 19/1, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho rằng: "Thực tế, Covid-19 không quá nguy hiểm đối với học sinh, nó chỉ nguy hiểm khi các em mắc Covid-19 và trở về sinh hoạt tại nhà vô tình lây cho ông bà và những người có bệnh nền".

Tuy nhiên, để duy trì hoạt động giáo dục trong bối cảnh “sống chung an toàn” với dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, từ thực tiễn chỉ đạo công tác phòng chống dịch 2 năm qua, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm, cụ thể:

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và quán triệt triển khai theo phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là “tạm dừng đến trường, song không dừng việc học”; kiên trì thực hiện "mục tiêu kép" dù cho bất kỳ tình huống nào cũng phải khẩn trương mở cửa lại trường học; duy trì hoạt động giáo dục an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục.

Từng cơ sở giáo dục phải thường xuyên rà soát, củng cố, bổ sung, cập nhật phương án phòng chống dịch, kịch bản phù hợp với từng thời điểm để tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục nhằm ứng phó với các cấp độ dịch, không để bị động.

Thứ hai, phải kiểm soát tốt phòng chống dịch tại trường học. Các nhà trường xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức xét nghiệm tầm soát và xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ theo quy định cho cán bộ giáo viên, người lao động, học sinh trong trường.

Thứ ba, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại địa phương và xử lý nghiêm những trường học vi phạm, lơ là, chủ quan.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các bậc phụ huynh phải đảm bảo an toàn cho con em mình trước khi đến lớp.

Thứ năm, thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm vaccine, ưu tiên cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine cho giáo viên, học sinh tại tỉnh Bắc Giang đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Theo đó, 97,72% giáo viên tiêm mũi 2; 76% giáo viên tiêm mũi 3. 99% học sinh từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 1; trên 86 % học sinh nhóm này đã tiêm mũi 2.

Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục thông qua việc xây dựng kho học liệu điện tử, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên trong giảng dạy trực tuyến, đồng thời hướng dẫn học sinh cách học trực tuyến sao cho hiệu quả. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của xã hội và thế giới nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

70% phụ huynh tại Hà Nội mong muốn cho học sinh đi học trực tiếp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện nay tỉ lệ tiêm vaccine cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại thành phố đạt 99,6% mũi 1 và 99,2% mũi 2. Học sinh phổ thông đạt 99, 6% mũi 1; 97% mũi 2. Học sinh trung học cơ sở (khối lớp 7,8,9) đạt 99,5% mũi 1; 97,3% mũi 2.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và số ca mắc vẫn tăng cao, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đối với khối giáo dục mầm non, 100% nhà trường đã xây dựng kế hoạch lựa chọn và hướng dẫn cho phụ huynh tổ chức các hoạt động giáo dục tại nhà phù hợp để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Với giáo dục phổ thông, theo báo cáo nhanh của các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố thì học sinh tham gia học trực tuyến đạt tỉ lệ tương đối cao. Cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt 99%, riêng trung học phổ thông đạt gần 100%.

Tuy nhiên từ ngày 8/11, Hà Nội đã cho phép học sinh khối lớp 9 của các huyện Ba Vì và 18 huyện, thị xã tiến hành học trực tiếp. Riêng đối với khối lớp 12 có 30 quận, huyện, thị xã tổ chức học trực tiếp trong suốt thời gian qua. Hiện tại, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành kiểm tra học kỳ trực tiếp đối với những trường đi học trực tiếp, kiểm tra trực tuyến với những trường học trực tuyến.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, qua khảo sát trên các phương tiện truyền thông, 70% phụ huynh mong muốn cho học sinh đã tiêm mũi 2 được đi học trực tiếp.

"Nếu tình hình dịch bệnh thuyên giảm, tỉ lệ vaccine tiêm đảm bảo an toàn, thành phố dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khoảng ngày 7/2-8/2 sẽ cho học sinh trung học cơ sở (khối lớp 7,8,9) và học sinh trung học phổ thông đến trường học trực tiếp. Thành phố đã chuẩn bị phương án, kịch bản đảm bảo sự an toàn cho các em khi trở lại trường", Ông Trần Thế Cương cho biết.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến đội ngũ nhân viên y tế trong trường học tại các địa phương. Bên cạnh đó, cần sớm tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi để học sinh từ khối mầm non đến trung học phổ thông được đi học trong điều kiện an toàn.

Ngọc Ánh