'Hiệp hội sẽ sớm làm việc với Bộ GD&ĐT theo chỉ đạo của Thủ tướng'

23/02/2013 07:53
Xuân Trung
(GDVN) - Vấn đề chủ yếu vẫn là cách xác định mức điểm sàn hiện nay của Bộ GD&ĐT là sai, dẫn đến các trường NCL không có nguồn tuyển.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Văn phòng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập cho biết đã nhận được Công văn từ Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội. Sau khi nhận được Công văn này, Hiệp hội đã thống nhất sẽ có buổi làm việc chính thức trực tiếp với Bộ GD&ĐT vào thời gian gần nhất, nội dung làm việc sẽ giải quyết những vấn đề liên quan tới các trường ĐH, CĐ ngoài công lập mà lâu nay chưa tìm được tiếng nói chung, khiến nhiều trường đứng trước nguy cơ giải thể.

Theo Văn phòng Hiệp hội, ngoài việc thảo luận nội dung liên quan có thể sẽ bàn thêm một số vấn đề khác, vấn đề nào thống nhất được giữa Hiệp hội và Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất, những vấn đề nào chưa thống nhất được sẽ bàn thảo thêm để tìm tiếng nói chung.

Nhiều trường ĐH, CĐ đứng trước nguy cơ tan rã do cách tiến hành tuyển sinh hiện nay bất hợp lý. Ảnh minh họa.
Nhiều trường ĐH, CĐ đứng trước nguy cơ tan rã do cách tiến hành tuyển sinh hiện nay bất hợp lý. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, Hiệp hội nhấn mạnh đến vấn đề tuyển sinh lâu nay được Bộ GD&ĐT duy trì là thi “ba chung” khiến nguồn tuyển của các trường ĐH, CĐ NCL luôn ở trong tình trạng thiếu trầm trọng. Tuyển sinh là một trong những khâu quan trọng, quyết định sự tồn tại của các trường, nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ hình thức tuyển sinh như hiện nay (nhất là cách tính điểm sàn) thì việc các trường ĐH, CĐ NCL đóng cửa là chuyện đang dần thành hiện thực. 

Nhắc lại vấn đề về nguyên nhân khiến các trường ĐH, CĐ không có nguồn tuyển như hiện nay, Văn phòng Hiệp hội cho rằng: “Nếu theo Bộ GD&ĐT các trường không tuyển được là do chất lượng kém thì thử xem lại các trường công trong những năm qua đã mở rộng quá chỉ tiêu như thế nào. Xã hội vốn luôn tồn tại suy nghĩ phân biệt sinh viên trường tư và trường công, không tuyển sinh viên tại chức hay dân lập vào làm việc, cộng thêm thời buổi kinh tế khó khăn, nên nhiều gia đình khó khăn lại càng ưu tiên cho con vào trường công lập, kể cả trường công lập ở "tốp dưới" vì học phí rất thấp. Nhưng những nguyên nhân trên chỉ là thứ yếu, vấn đề chủ yếu vẫn là cách xác định mức điểm sàn hiện nay của Bộ GD&ĐT là sai, dẫn đến các trường NCL không có nguồn tuyển”.
Thực tế Bộ GD&ĐT luôn nhìn nhận các trường ĐH, CĐ NCL với suy nghĩ chất lượng kém, chưa có thương hiệu nên việc khó tuyển sinh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng, hiện nay không ít trường như ĐH DL Hải Phòng, ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ… không phải lo về tuyển sinh và được xã hội thừa nhận là những trường có chất lượng đào tạo cao. Nói như GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng thì 15 năm nay vấn đề tuyển sinh nhà trường luôn “ung dung”, không sợ thiếu sinh viên. Vậy mà năm vừa qua, khâu tuyển sinh cũng khiến nhà trường lo lắng nhất. Vậy đây có phải do chất lượng các trường?

Đóng góp của các trường ĐH, CĐ NCL làm cho bức tranh giáo dục Việt Nam có diện mạo mới

GS Trần Hồng Quân đã từng nói, sự góp mặt của loại hình trường ĐH, CĐ NCL vào bức tranh tổng thể giáo dục đại học Việt Nam hơn 20 năm qua đã tạo nên diện mạo mới cho giáo dục - đào tạo Việt Nam, năng động, sáng tạo, thu hút nguồn lực to lớn từ xã hội đầu tư cho giáo dục, tạo thêm cơ hội được học tập và tạo việc làm cho hàng chục vạn người. Đây là kết quả của việc thực hiện đường lối đa dạng hóa, xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Đến năm 2012 cả nước có 81 trường đại học cao đẳng ngoài công lập, dù đã và đang “gồng” mình lên vượt khó khăn để đào tạo nhưng hàng năm mới chỉ đạt 14% số sinh viên cả nước. Điều hệ trọng cấp bách hiện nay là nếu không có những thay đổi kịp thời thì trong vài năm tới chắc chắn một loạt trường ngoài công lập phải đóng cửa, hoặc phá sản; làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư đang hoặc sẽ có ý định tham gia hoạt động giáo dục đào tạo.

GS Quân cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó nguyên nhân trực tiếp là trong vài năm gần đây chủ trương tuyển sinh tạo những trở ngại làm cho các trường ngoài công lập khó tuyển đủ chỉ tiêu. (Nhiều trường công lập ở địa phương, một số ngành như sư phạm, khoa học xã hội trong nhiều trường công lập khác cũng khó tuyển sinh nhưng các trường này không phá sản vì là trường công có ngân sách Nhà nước rót xuống).
Xuân Trung