Hiệu trưởng, hiệu phó không nhàn hạ, "chỉ tay năm ngón" như nhiều người nghĩ

05/01/2022 06:32
NGỌC GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, ở các đơn vị trường học đang có rất nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng gương mẫu, họ xây dựng được hình ảnh đẹp trước đồng nghiệp và học trò.

Khi nghĩ về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các nhà trường phổ thông thì một số người vẫn thường nhận xét về đội ngũ quản lí nhà trường là những người gia trưởng, độc đoán và có phần tham lam. Họ chẳng làm gì nhưng lại nói rất hay, rất giỏi và thường xuyên hạch sách công việc của giáo viên trong trường.

Những người như vậy cũng có chứ không phải là không có bởi báo chí cũng đã điểm mặt, chỉ tên trong thời gian qua. Nhưng đó chỉ là thiểu số, và nếu như trong giai đoạn hiện nay mà có những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như vậy thì họ rất khó có cơ hội được bổ nhiệm lại sau khi hết nhiệm kỳ.

Làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bây giờ cũng không hề đơn giản như hàng chục năm về trước. Nếu như họ không được lòng giáo viên, không có thực tài, không khéo léo trong ứng xử thì dễ dàng “bay ghế” như chơi.

Vì thế, nhiều vị lãnh đạo nhà trường bây giờ thường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để làm tốt các công việc quản lý ở các nhà trường.

Nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đang là điểm tựa vững chắc trong trường học (Ảnh minh họa: Haiphong.edu.vn)

Nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đang là điểm tựa vững chắc trong trường học

(Ảnh minh họa: Haiphong.edu.vn)

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường không đơn thuần là những người chỉ biết “chỉ tay năm ngón”

Nếu không quan sát kĩ thì sẽ có giáo viên nghĩ đơn thuần là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường là những người rất nhàn hạ bởi công việc của từng năm học quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chừng ấy thôi. Nhưng thực tế không hề đơn giản như vậy.

Hiện nay, vẫn có tình trạng những lãnh đạo nhà trường không đi lên bằng năng lực của mình nhưng số này thường rất ít. Bởi, trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo nhà trường thì những nhà giáo này đều phải trải qua quá trình đứng lớp nhiều năm.

Những giáo viên được quy hoạch lãnh đạo nhà trường đa phần đang là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hoặc chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn trường… chứ chẳng mấy ai lại đi quy hoạch giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ trong nhà trường.

Điều này cho thấy, trước khi trở thành lãnh đạo nhà trường thì phần lớn các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng đã phải trải qua quá trình giảng dạy và kiêm nhiệm một vài chức vụ đoàn thể hoặc quản lý tổ chuyên môn.

Khi được quy hoạch thì nhà trường mới cử đi học lớp trung cấp chính trị, lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Có được các chứng chỉ này thì khi khuyết lãnh đạo nhà trường hoặc cần bổ nhiệm mới thì lãnh đạo phòng, sở, ủy ban nhân dân huyện, tỉnh mới làm công tác bổ nhiệm.

Chính vì vậy, dù thích hay không thích lãnh đạo nhà trường thì mọi người cũng không thể phủ nhận được việc những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trước khi được bổ nhiệm thì phần nhiều- họ là những nhà giáo tích cực, xông xáo và cơ bản là chuyên môn tốt mới được tín nhiệm của cấp trên và đồng nghiệp.

Việc bổ nhiệm lãnh đạo các nhà trường phổ thông hiện nay đang thực hiện qua rất nhiều quy trình, nhiều lớp học khác nhau chứ không đơn giản là cấp trên thích ai là bổ nhiệm người đó.

Khi đã là quản lý nhà trường thì công việc của họ cũng khá nhiều chứ không đơn thuần là những việc giáo viên trong trường thường thấy hàng ngày.

Họ cũng phải dạy lớp theo số tiết đã được quy định. Người nào không dạy mà hưởng tiền phụ cấp đứng lớp thì dễ dàng bị tố cáo như chơi vì bảng lương hàng tháng giáo viên trong trường đều biết cả.

Những công việc không tên của lãnh đạo nhà trường cũng nhiều vô kể. Lúc họp hội đồng sư phạm, họp chi bộ, họp bên sở, phòng, lúc họp bên đảng ủy xã (phường)…

Trong trường, tổ chuyên môn nào có việc không giải quyết được cũng chạy lên ban giám hiệu nhờ giải quyết, học sinh vi phạm, đánh nhau thì phụ huynh cũng ban giám hiệu nhà trường chủ trì….

Việc giáo viên phổ thông đang tập huấn trực tuyến các module trong thời gian qua thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng phải tập huấn các module tương ứng về quản lý. Và, tất nhiên là còn phải nắm thêm bên chuyên môn thì mới có thể chỉ đạo nhà trường làm tốt các công việc chung của đơn vị.

Chính vì thế, nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm hết chức năng, đúng nhiệm vụ thì hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng nhà trường cũng không hề nhàn chút nào.

Quản lý hàng mấy chục con người với nhiều cá tính khác nhau không hề đơn giản

Thực tế cho thấy, nếu trong một đơn vị trường học mà phát triển, đoàn kết, gắn bó với nhau thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các tổ trưởng chuyên môn phải là những người gương mẫu, làm tốt công việc của mình.

Trong đó, có cả việc làm sao để có thể làm hài hòa được các mối quan hệ trong trường học, trong các tổ chuyên môn. Trường nhỏ bây giờ cũng vài chục con người, trường lớn lên đến trên dưới cả trăm người.

Trong số đó, có những thầy cô giáo giỏi chuyên môn nhưng cũng có những người chưa giỏi, các công việc thực hiện chậm trễ. Có những thầy cô nói năng mang tính xây dựng đơn vị nhưng cũng có thầy cô thường nhìn lãnh đạo nhà trường bằng con mắt không thiện cảm…

Chính vì thế, lãnh đạo nhà trường không chỉ lo phát triển chuyên môn trong đơn vị mà phải lo xây dựng đoàn kết nội bộ. Tất nhiên, không có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nào có thể làm hài lòng được tất cả giáo viên, nhân viên trong trường mỗi người mỗi ý.

Vậy nên, dù có làm tốt công việc đến đâu thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường vẫn không thể làm vừa lòng được tất cả.

Bên cạnh đó, thời gian qua có một số hiệu trưởng chưa làm tốt công việc quản lý của mình mà lại còn tham lam công quỹ, thậm chí có người còn trù dập giáo viên khi có những ý kiến trái chiều dẫn đến hình ảnh những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường trên cả nước cũng bị ảnh hưởng theo.

Song, có một điều mà nhiều người không thể phủ nhận được là hiện nay đang có rất nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng gương mẫu, họ xây dựng được hình ảnh đẹp của mình ở trong đơn vị nhà trường.

Và, tất nhiên là họ đang là điểm tựa vững chắc cho đồng nghiệp và tạo được niềm tin yêu đối với học sinh, phụ huynh trong nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGỌC GIANG