Hiệu trưởng họ biết rõ, vận động thu tiền nhanh và đủ chỉ có giáo viên chủ nhiệm

25/08/2021 06:36
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thu tiền nhanh, thu đủ cũng như vận động phụ huynh đóng góp các khoản tiền ủng hộ cho nhà trường thì không ai có thể làm tốt hơn giáo viên chủ nhiệm.

Lướt một vòng trên các diễn đàn giáo dục, người viết dễ dàng bắt gặp hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận của bạn đọc sau khi đọc bài viết “Làm giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi sợ nhất là phải thu tiền” của tác giả Ngân Hoa đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 24/8.

Giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh không được trực tiếp thu, chi các khoản tiền (ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn)Giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh không được trực tiếp thu, chi các khoản tiền (ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn)

Nhiều thầy cô giáo đã bày tỏ sự đồng tình với những phản ánh của tác giả và cho biết bản thân mình ngoài công việc giảng dạy thì bao năm nay vẫn đang kiêm luôn việc “đòi nợ” không công ở trường.

Mỗi một bình luận là tiếng lòng của những nhà giáo. Khi thì nghe buồn phiền, chán nản, lúc lại cảm thấy thổn thức, xót xa, rồi bất bình nhưng rồi ai cũng cùng tâm trạng phục tùng và cam chịu.

Những chia sẻ từ người trong cuộc

Bạn Nguyễn Hiếu cho biết: “26 năm trong ngành, mình cũng đau trong chuyện này, nhất là học sinh nghèo thấy tội lắm”. Còn theo bạn Lê Huy: “Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của giáo viên chủ nhiệm, không thu được tiền thì bảo chủ nhiệm không sâu sát, thu được mất đi sự kính trọng của học sinh”.

Bạn Trần Bí Mạnh thì: “Mình cũng sợ, cũng ghét chuyện thu tiền. Thu đã cực mà cuối năm chuyên phải bù nợ cho đủ chỉ tiêu”, trong khi bạn Nguyễn Thúy chua xót: “Có bạn cho biết, học sinh nó bảo sợ nhất là nhìn thấy mặt cô, vì lúc nào cô cũng nhắc đến tiền”.

Bạn Quý Trinh cho biết: “Mình trải qua rất nhiều, bù tiền đến hàng chục triệu, đóng quên sơ sẩy mất tiền như chơi. Phụ huynh thì khất lên khất xuống, lên tận nhà xin, 2 năm rồi chưa đóng.

Bây giờ tiền nộp gần 6 triệu không biết đòi kiểu gì. Nhiều khi phải đến tận nhà thu tiền như dân đi đòi nợ. Nhiều phụ huynh trây ra không đóng”.

Bạn Nguyễn Đăng Trọng: “Giáo viên chủ nhiệm khổ nhất là món thu tiền. Nhà trường giao nhiệm vụ vận động phụ huynh như kiểu đi xin. Nếu vận động thất thu, họp đưa lên đặt xuống nói khó nghe lắm, biết là học sinh mỗi em mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi lớp cũng thế cứ phải bắt giáo viên nhìn vô lớp này lớp kia để làm theo”.

Bạn Hà Thu thì: “Ôm quyển thu tiền từ đầu năm đến cuối năm học. Những năm học có em chưa ngoan, bố mẹ cho tiền đóng học đi mua điện thoại mà không nộp, cứ nói nộp rồi mà cô không ghi. Lại điều tra, nhờ các bên vào cuộc, âu sầu vì học trò!”.

Huệ Dương: “Mình đang lo mất 3 triệu đây. Đóng hộ học sinh bây giờ em ý không đi học nữa mặc dù cô đã đến nhà vận động rất nhiều lần, ngày nào cũng gọi điện thoại”.

Nỗi khổ của giáo viên chủ nhiệm khi phải kiêm thêm nhiệm vụ thu tiền, thử hỏi hiệu trưởng có biết không? Là một giáo viên đang đứng lớp, người viết tin rằng hiệu trưởng chắc chắn biết. Phân công giáo viên chủ nhiệm thu tiền có đúng không? Chắc chắn không đúng và hiệu trưởng vẫn biết mình làm sai. Tuy nhiên vì sao biết sai nhưng một số hiệu trưởng vẫn làm?

Giáo viên thu tiền nhà trường sẽ không bị thất thu

Vì sao trường học nào cũng có kế toán, thủ quỹ, văn thư nhưng hiệu trưởng lại vẫn muốn giáo viên chủ nhiệm thu tiền?

Đơn giản chỉ là, thu tiền nhanh, thu đủ không ai có thể làm tốt hơn giáo viên chủ nhiệm, cũng như vận động phụ huynh đóng góp các khoản tiền ủng hộ cho nhà trường không ai vận động hiệu quả hơn các thầy cô giáo chủ nhiệm.

Đây chính là lý do, dù giáo viên không có nhiệm vụ phải thu tiền thì một số hiệu trưởng vẫn kiên quyết giao nhiệm vụ này cho các thầy cô giáo chủ nhiệm.

Phần vì nể thầy cô giáo, phần không muốn mất lòng giáo viên đang trực tiếp dạy con mình nên không ít phụ huynh có tâm lý đóng tiền sớm để thầy cô yên tâm dạy.

Khi phụ huynh đóng chậm trễ, giáo viên thường nhắc nhở học sinh. Ít có cha mẹ nào khi thấy con nói “cả lớp chỉ còn mình con chưa đóng tiền” hay “con bị thầy cô nhắc chưa nộp tiền trước lớp quê lắm”…lại nỡ để con phải chịu cảnh như vậy.

Bởi thế, khi giáo viên chủ nhiệm lên tiếng, khi con cái về phân trần thì những khoản tiền phải đóng hay ủng hộ sẽ thu được nhanh hơn, nhiều hơn.

Đã có những phụ huynh nói vì thương cô (thầy) nên tôi mới ủng hộ hay mới vay mượn tiền đi đóng cho nhanh.

Rõ ràng, giáo viên đi dạy nhưng suốt ngày bận tâm tới việc thu tiền, khi thu chưa đạt hiệu quả lại phải tìm mọi cách để hoàn thành đã làm hình ảnh thầy cô giáo xấu dần trong mắt phụ huynh và học sinh.

Mong rằng chuyện một số trường học hiện nay vì muốn thu nhanh, thu đủ đã bắt buộc giáo viên phải kiêm nhiệm cả những công việc không có trong nhiệm vụ sẽ sớm được chấm dứt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên