Hiệu trưởng tham nhũng - sự tha hóa nhân cách của một số nhà giáo quyền lực

27/05/2021 06:14
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường là nơi dạy người chứ đâu phải là nơi để cho một vài cá nhân cơ hội, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình kiếm chác, làm nhơ nhớp môi trường giáo dục.

Trong các trường học hiện nay, những người có thể tham nhũng được chỉ tính trên đầu ngón tay bởi ngay cả Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng không được quyền quản lý về tài chính, thậm chí Hiệu trưởng mua bán gì thì họ cũng có thể không được tham gia, bàn bạc.

Ngân sách cấp về hàng năm cho mỗi đơn vị trường học dù không phải là nhiều nhưng bên cạnh những khoản chi thường xuyên thì có nhiều khoản chi không thường xuyên, một số dịch vụ của nhà trường, tiền xã hội hóa…đang là những khoản tiền đầy cám dỗ với bất cứ Hiệu trưởng nào nếu không giữ được thiên lương của mình.

Và, trường hợp bà Trần Thị Liên (sinh năm 1971), Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) vừa bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội tham ô tài sản là một ví dụ điển hình về những sai phạm trong quản lý tài chính ở trường học.

Bị can Trần Thị Liên (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Bị can Trần Thị Liên (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Khi người đứng đầu nhà trường bị bắt giam

Có thể nói, sự việc bà Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc vừa bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng là một sự việc đáng xấu hổ của một nhà giáo, một quản lý trường học đã có thời gian 30 công tác trong ngành.

Việc bà Liên sai phạm, bị khởi tố, bị bắt giam là lẽ đương nhiên nhưng sự việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục địa phương, làm giảm niềm tin của phụ huynh đối với Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.

Không giảm niềm tin sao được, khi mà chỉ trong vòng có 2 năm học thì bà Trần Thị Liên đã tham ô hơn 1,78 tỷ đồng.

Báo Nhân dân, ngày 25/5/2021 đưa tin: “Năm học 2019-2020, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc mở 13 lớp bán trú với tổng số 505 học sinh. Thu tiền phí phục vụ 150.000 đồng/tháng/học sinh và tiền ăn 27.000 đồng/suất ăn/học sinh đối với các học sinh học bán trú.

Đến năm học 2020-2021, trường mở 15 lớp bán trú với tổng số 629 học sinh, nhà trường thu tiền phí phục vụ 250.000 đồng/tháng/học sinh và tiền ăn 30.000 đồng/suất ăn/học sinh…

…Trong các tháng 1, 9, 10 và 11-2020, thông qua việc tự quản lý tiền bán trú thu được, bà Liên đã có hành vi chiếm đoạt tiền, bao gồm tiền ăn và tiền trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động bán trú, với tổng số tiền trên 1,35 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm học 2020-2021, bà Liên còn chiếm đoạt số tiền gần 435 triệu đồng, tiền bán đồng phục học sinh”.

Rõ ràng, nếu so với mức lương một giáo viên tiểu học, hay tính trên các suất ăn của học trò thì số tiền này quả là rất lớn, cũng vì nó quá lớn nên việc cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam bà Trần Thị Liên là điều dễ hiểu.

Rồi đây, bà Trần Thị Liên sẽ được cơ quan chức năng xử lý, xét xử nhưng vết nhơ này không dễ gì xóa được trong ngày một, ngày hai.

Và, nếu ngược lại thời gian thì chúng ta thấy đâu chỉ mình bà Trần Thị Liên ở Kiên Giang bị bắt giam vì tội tham ô tài sản mà trước đây đã có những nhà quản lý giáo dục ở một số trường học cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như bà Liên.

Phần lớn những Hiệu trưởng đã từng bị khởi tố, bắt giam, ra tòa và chịu án tù có liên quan đến việc quản lý tài chính của nhà trường. Trong đó, có nhiều Hiệu trưởng liên quan trực tiếp đến suất ăn của học trò bán trú.

Một khi mà Hiệu trưởng đã ăn vào miếng ăn của học trò thì việc bị phụ huynh phát giác, giáo viên trong trường tố cáo cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, cho dù chưa bị phát giác, bị tố cáo hoặc bị bắt giam thì chuyện ăn vào miếng ăn của học trò cũng là một việc làm thất đức, đáng trách vô cùng.

“Ghế” Hiệu trưởng đầy quyền uy, cám dỗ, nếu không biết điểm dừng sẽ có người trượt dài

Trong trường học, người có thể tham ô tài sản đương nhiên không thể là giáo viên đứng lớp, ngay cả các Phó Hiệu trưởng nhà trường thì cũng chỉ phụ trách các mảng hoạt động được Hiệu trưởng phân công như chuyên môn, phổ cập, ngoài giờ lên lớp…mà thôi.

Hiệu trưởng nhà trường là thủ trưởng đơn vị- người nắm mọi quyền hành và quản lý về tất cả các hoạt động trong nhà trường, trong đó có quản lý tài chính của đơn vị mình. Và, mảng tài chính thường là khó nhất- dù bên cạnh Hiệu trưởng luôn có Kế toán nhà trường tham mưu, làm các kế hoạch thu-chi, quyết toán.

Tuy nhiên, có những khoản mà Kế toán nhà trường cũng không thể “lấp” nổi như chuyện những suất ăn của học trò nó hiện hữu cụ thể qua suất cơm của các em học sinh.

Nếu như Hiệu trưởng nào đó mà “ăn” vừa phải thì còn có thể lấp liếm được nhưng “ăn” một cách tham lam, lộ liễu quá thì rất khó tránh khỏi những điều tiếng, thị phi, thậm chí còn phải trả giá.

Nhưng, trường học đâu chỉ có mình chuyện suất ăn của học trò mà còn có nhiều khoản cũng “hấp dẫn” không kém như đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa nhỏ cơ sở hạ tầng hàng năm, tiền xã hội hóa giáo dục, tiền dạy thêm, học thêm.

Rồi, các dịch vụ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền đồng phục, các dịch vụ văn phòng phẩm, tin nhắn điện tử, chi cho các hội thi, cuộc thi, tiền chế độ của giáo viên…

Giá như họ biết đến đâu là đủ, đâu là điểm dừng cần thiết thì có lẽ một số Hiệu trưởng không phải trả giá bằng những tháng ngày trong chốn lao tù, mất đi quyền công dân, danh dự của một nhà giáo đã có hàng chục năm công tác trong ngành.

Án tù có thể trả xong nhưng án lương tâm của một nhà giáo sau khi thụ án có lẽ nó sẽ còn dai dẳng, ám ảnh mãi cho đến hết cuộc đời. Chỉ tiếc, phải đến khi tra tay vào còng thì có lẽ họ mới nhận ra những tội lỗi mà mình gây ra nhưng tất cả đã muộn màng.

Nhà trường là nơi dạy người chứ đâu phải là nơi để cho một vài cá nhân cơ hội, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình kiếm chác, làm nhơ nhớp môi trường giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/khoi-to-bat-tam-giam-nu-hieu-truong-tham-o-tai-san-o-kien-giang-647704/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY