Theo lộ trình, năm học 2022-2023 sẽ đưa vào triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Cho đến thời điểm này, việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường trung học phổ thông của tỉnh Hòa Bình vẫn chưa tìm được “lời giải”, nhất là đối với các trường ở miền núi, vùng sâu vùng xa.
Năm học cận kề nhưng vẫn thiếu giáo viên nhóm môn nghệ thuật
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lại Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lạc Thuỷ (huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) cho biết, thực hiện hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình, sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, nhà trường đã tập trung chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.
“Nhà trường đang triển khai các công đoạn kế tiếp để hoàn thiện chương trình giảng dạy. Trước đó, để tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ do học sinh chọn tổ hợp môn theo hiệu ứng đám đông, nhà trường chủ động xây dựng tổ hợp môn không chỉ dựa trên nguyện vọng của học sinh mà còn căn cứ vào số lượng giáo viên hiện có.
Trước khi học sinh chọn tổ hợp, nhà trường thông báo để phụ huynh và học sinh thống nhất nên không xảy ra tình trạng học sinh chọn tổ hợp môn nằm ngoài khả năng của trường”, thầy Trung chia sẻ.
Ảnh minh hoạ: Doãn Nhàn |
Cũng theo thầy Trung, dựa vào số tổng lượng học sinh lớp 10 nhập học, nhà trường dự kiến xây dựng mô hình 6 lớp học.
Bên cạnh đó, vị hiệu trưởng này nhấn mạnh, năm học 2022-2023 đối với các môn nhóm nghệ thuật, trường sẽ chỉ dạy môn Tin học và Công nghệ, không tổ chức dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật do chưa có giáo viên và không đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy.
“Trong quá trình xây dựng kế hoạch, dù rất muốn đưa vào giảng dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật theo kế hoạch của Bộ nhưng nhà trường gặp khó vì không có giáo viên”, thầy Trung nói.
Tương tự, năm học 2022-2023, Trường Trung học phổ thông Yên Thuỷ B (huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) cũng gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các môn học lựa chọn.
Trao đổi với phóng viên, thầy Bùi Huy Tùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Thuỷ B cho biết, khi nhận hướng dẫn của Sở, nhà trường thiết kế 4 tổ hợp môn để học sinh lớp 10 đăng ký.
Trường bố trí mô hình gồm 6 lớp theo định hướng 1 lớp thiên về Khoa học tự nhiên; 1 lớp thiên về Khoa học xã hội, còn lại là các lớp phù hợp với đối tượng học sinh trung bình, mục tiêu thi tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển đại học.
“Mục đích của mô hình lớp được định hướng rõ ràng nhằm để tạo điều kiện cho học sinh được học và sử dụng tổ hợp môn xét tuyển đại học. Đây được coi là sự chủ động của nhà trường về lâu dài trong kế hoạch giảng dạy cho học sinh.
Trường không thiếu giáo viên ở các môn truyền thống mà chủ yếu thiếu giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật nên không thể tổ chức dạy trong năm học. Điều này cũng là thiệt thòi đối với những em học sinh có nguyện vọng phát triển năng khiếu của bản thân.
Hiện tại, trường rất mong có hướng dẫn của Sở cho vấn đề này để tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai trong năm học mới”, thầy Tùng chia sẻ.
Có thể thấy, đội ngũ giáo viên tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục môn nghệ thuật trong nhà trường. Và mục tiêu đưa Âm nhạc, Mỹ thuật vào chương trình giáo dục phổ thông mới có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên.
Tính đến việc cho giáo viên dạy liên trường
Dưới góc độ cán bộ quản lý và có hơn 16 năm kinh nghiệm công tác trong ngành giáo dục, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình cho hay, trong quá trình đưa vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở luôn hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các trường trên địa bàn toàn tỉnh.
“Sở yêu cầu trường báo cáo, chủ động tham mưu để có hướng giải quyết, sẵn sàng cho năm học mới. Năm học 2022-2023, các trường không có tình trạng thừa, thiếu giáo viên môn truyền thống (như Ngữ văn, Lịch sử, Toán…). Đây là điều rất đáng mừng, phản ánh sự nỗ lực chung của các trường trong sắp xếp, xây dựng kế hoạch giáo dục đào tạo.
Về hướng giải quyết cho tình trạng thiếu giáo viên các môn lựa chọn, ông Nguyễn Quang Minh cho biết, biện pháp trước mắt là các trường có thể tính đến việc cho giáo viên môn nghệ thuật dạy liên trường (tức là giáo viên trường này có thể dạy ở các trường khác) từ 2 đến 3 trường khác nhau.
“Song, để thuận lợi cho giáo viên thì các trường tính toán sao cho quãng đường di chuyển giữa các trường không cách xa nhau, có thể dưới 10km. Hoặc, trường chỉ nên xếp lịch dạy cho giáo viên 1 buổi/ngày/trường, không dạy theo số tiết/ngày để giáo viên, học sinh hạn chế di chuyển, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn và ảnh hưởng chất lượng giáo dục”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình gợi ý.
So với các khu vực thành thị, ngoài thiếu giáo viên, việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới tại các cơ sở giáo dục ở vùng cao của tỉnh Hòa Bình còn gặp khó khăn như: thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị dạy học…
“Trong năm học này, các trường ở thành phố nếu không kịp tổ chức dạy Âm nhạc, Mỹ thuật thì vẫn triển khai được môn Tin học và Công nghệ vì có giáo viên, đủ trang thiết bị. Còn các trường ở miền núi không đáp ứng được yêu cầu các môn này để giảng dạy, kể cả có giáo viên thì cũng không đủ cơ sở vật chất, thiết bị.
Phải thừa nhận rằng, đây là thiệt thòi rất lớn đối với thầy và trò ở khu vực khó khăn của tỉnh Hoà Bình”, ông Nguyễn Quang Minh chia sẻ.