Hóa giải mâu thuẫn gia đình về việc nuôi dạy con

24/11/2012 15:44
Trần Quốc Tuấn
(GDVN) - Cha mẹ nên có sự chủ động tìm sự thống nhất với mọi người trong gia đình trong việc nuôi dạy trẻ. Cùng tham gia các buổi hội thảo, khóa học, nghiên cứu sách báo, xem các chương trình tư vấn nuôi dạy trẻ là cách giúp mọi người có thể trao đổi cởi mở và dễ dàng tìm được điểm chung.
Quan điểm nuôi dạy trẻ khác biệt – điều khó tránh

“Ngày xưa tao nuôi chồng mày thế đấy, mà giờ nó có thua ai đâu”. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng thì Vy lại nghe mẹ ca điệp khúc ngày xưa. Chị Vy muốn nuôi dạy con theo hướng hiện đại nhưng thường gặp phải sự phản đối của mẹ chồng. Chị tâm sự với chồng thì anh chỉ bảo: Mẹ lớn tuổi rồi nên hơi bảo thủ, em nhường nhịn mẹ một chút. Dù biết phận làm dâu phải nhẫn nhịn, nhưng căng thẳng cứ dồn nén vì chị lo lắng con trẻ sẽ ra sao khi trong một gia đình mà có hai cách dạy. Cuối cùng, anh chị đã quyết định ra ở riêng để tránh mâu thuẫn. 

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Các cụ thường nuôi dạy con theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về môi trường xã hội, sự tiến bộ của khoa học… nhiều kinh nghiệm trước đó đã không còn phù hợp. Vợ chồng chịu ảnh hưởng từ hai môi trường khác nhau nên quan điểm sai khác cũng là điều dễ nhận thấy. Cùng xuất phát từ sự quan tâm, tình thương yêu nhưng mâu thuẫn trong quan điểm nuôi dạy con trẻ rất dễ dẫn đến bất hòa trong gia đình.
Trẻ em là người lãnh hậu quả 

Chị Vy muốn rèn cho con tính tự lập từ nhỏ nên tập cho bé tự xúc cơm ăn. Bà nội thấy cháu làm cơm rơi vãi, tội nghiệp cháu lại la: “Cháu nó bé thế tự ăn cơm thế nào được”. Thế là bé mếu máo, bỏ muỗng không ăn nữa. Chị Vy có nói thế nào nó cũng đòi bà đút cho ăn. Mẹ chồng, nàng dâu lại tranh cãi rồi xảy ra chiến tranh lạnh. 

Trẻ em rất giỏi trong việc nhận biết ai là đồng minh của nó. Khi có người bênh vực là lập tức bé nhõng nhẽo và không còn nghe lời người khác. Khi có nhiều cách dạy khác nhau trong gia đình, trẻ sẽ không biết phải nghe ai. Lúc thì mẹ đúng, lúc thì bà đúng rồi mẹ và bà tranh cãi làm giảm niềm tin và sự tôn trọng của trẻ dành cho người lớn. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ ỷ lại vì có người bênh vực để làm việc trái ý người khác. Sự bất hòa trong gia đình sẽ để lại tổn thương, làm lệch lạc sự phát triển nhân cách của đứa trẻ. 
Cần sự nhất quán trong gia đình

Cha mẹ, ông bà ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cháu. Mặc dù vậy, mỗi người do ảnh hưởng môi trường sống, và điều kiện giáo dục khác nhau nên cách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc trẻ cũng khác nhau. Các bậc cha mẹ nên chuẩn bị sẵn tâm lý cho sự khác biệt này để không có phản ứng thiếu kiềm chế. Và, chỉ có sự giáo dục nhất quán mới mang lại giúp đứa trẻ hình thành nhân cách tốt nhất. Để thay đổi quan điểm của một người cần sự khéo léo tránh chạm lòng tự ái, kiên trì giải thích, nhẫn nại chịu đựng và nhiều sự hỗ trợ, tác động khác. Khi thấy cách nuôi dạy trẻ của người khác không phù hợp cha mẹ không nên phản ứng thái quá trước mặt trẻ. Điều đó chỉ làm cho người khác thấy nổi tự ái, và phản tác dụng với trẻ. Hãy bình tĩnh và trao đổi, thống nhất cách nuôi dạy khi trẻ không có mặt. Không nên để trẻ phải chứng kiến những bất đồng trong cách giáo dục của người lớn.
Cha mẹ nên có sự chủ động tìm sự thống nhất với mọi người trong gia đình trong việc nuôi dạy trẻ. Cùng tham gia các buổi hội thảo, khóa học, nghiên cứu sách báo, xem các chương trình tư vấn nuôi dạy trẻ là cách giúp mọi người có thể trao đổi cởi mở và dễ dàng tìm được điểm chung. Nuôi dạy trẻ cần phải thống nhất từ tinh thần của việc chăm sóc giáo dục là để làm gì. Trẻ cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng chứ không phải trẻ thích gì cho ăn nấy, cần được dạy tính tự lập chứ không phải ỷ lại…Khi tinh thần chung đã được các bên ủng hộ, thì từng việc cụ thể sẽ được hướng theo đó mà làm theo, việc hóa giải sự khác biệt đã có tiêu chuẩn để xem xét. 

Sự khéo léo là hết sức cần thiết. Khi muốn góp ý cho bà tránh nói: “Bà sai rồi, làm thế chỉ tập hư cho con bé” mà nên nói: “Con biết bà rất thương cháu, nhưng cách làm đó sẽ làm cháu ỷ lại, không rèn được tính tự lập. Cháu càng ỷ lại thì bà càng thêm vất vả. Làm sao có thời gian nghỉ ngơi.” 

Luôn luôn nhớ mục đích tốt đẹp của người khác. Chỉ nói hậu quả của hành động chứ không nên phê phán người khác sẽ tránh chạm vào lòng tự ái. Sau cùng, hãy cho người khác thấy mình góp ý cũng là mong điều tốt đẹp cho con và người khác mà thôi.

Trong những trường hợp bất đồng khó hòa hợp, chúng ta nên nhờ một người có uy tín có cùng quan điểm tác động và người đó. Người đó có thể là chuyên gia tư vấn, là người họ hàng được kính trọng…Để thuyết phục người khác, cũng có thể thông qua kết quả của những đứa trẻ đã được nuôi dạy theo điều chúng ta muốn. 

Bên cạnh đó việc chúng ta hãy cố gắng dành nhiều thời gian cùng với cha, mẹ hay vợ, chồng tham gia chơi đùa, dạy dỗ bé. Khi đó, hãy phát hiện những điểm tiến bộ của bé và khen ngợi công sức của những thành viên khác trong gia đình. Tất cả những điều đó sẽ tăng thêm sự gắn bó khăng khít hòa thuận trong gia đình giúp cho trẻ phát triển nhân cách hoàn thiện.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Lời kể của một thầy giáo nhiều lần... "bị ném đá"

Nguyên Bộ trưởng GD: "Làm Bộ trưởng khổ lắm"

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

Chùm ảnh: Trẻ lại “oằn lưng” vác cặp đến trường

Vụ "canh gà Thọ Xương" và "HS nhập vai cám": Hai cái kết buồn!

PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Phải thích nghi đào tạo với chi phí thấp"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Trần Quốc Tuấn