Hoàn cảnh éo le của cô giáo dạy Văn 17 năm phải chuyển sang làm bảo vệ

13/07/2021 06:41
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chồng mắc ung thư, một nách 3 đứa con nhỏ, đồng thời phải chuyển sang làm bảo vệ, chị L.T.L cố gắng bươn chải để vượt qua tất cả.

Một mình nuôi 3 con nhỏ

Căn nhà một tầng một tum có lớp vôi ve đã bạc màu, bong tróc, lớp tôn cánh cửa cổng bung mối hàn là nơi gia đình chị L. có 5 thành viên đang ở. Chị L. trước năm 2016 là giáo viên dạy Văn tại huyện Thường Tín (Hà Nội). Chị L. gắn bó với nghề giáo từ năm 1997, tính đến khi chuyển sang làm bảo vệ, chị đã có gần 20 năm gắn bó với bục giảng.

Chị L. hiện đang nuôi ba đứa con cùng đứa cháu ngoại. Người con lớn của chị đã lập gia đình có một đứa con nhưng hôn nhân tan vỡ sau một năm chung sống.

Để nuôi 5 miệng ăn, ngoài mức lương ít ỏi từ bảo vệ trường học, chị còn phải xoay làm cộng tác viên bán hàng gia dụng trên mạng xã hội. Vừa lo toan cuộc sống, chị vừa phải tích cóp để trả nốt khoản nợ hàng trăm triệu đồng vay mượn để mua xe làm ăn và thuốc men cho chồng mắc bệnh hiểm nghèo năm xưa.

Người phụ nữ ngoài 40 tuổi kể, khi xưa chị dạy hợp đồng môn Văn cho một trường Trung học cơ sở ở gần nhà, còn chồng chị làm lái xe thuê cho công ty nhưng lương ít ỏi, anh bỏ ra ngoài làm. Sau đó, hai vợ chồng quyết định vay mượn để mua xe ô tô tải chở hàng thuê. Ban đầu, công việc ổn định nhưng sau thì bấp bênh, chồng chị phải bán xe, quay trở lại công việc lái thuê.

Năm 2014, người chồng phát hiện bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, chị được nhà trường tạo điều kiện để có thời gian chăm lo cho chồng và các con nhỏ.

Kinh tế khó khăn, chị cấy lại vài sào ruộng từng cho người ta mượn, rồi chị vay mượn để kinh doanh nhưng không thành. Người phụ này đành đi làm thuê các công việc như chạy bàn, bán hàng thuê... bởi chị có biết làm thêm nghề gì ngoài việc đứng lớp đâu.

Cũng trong năm 2014, trong cuộc họp của 37 giáo viên hợp đồng với huyện, chị L. không cầm được nước mắt khi nghe tin mình sẽ chuyển sang làm bảo vệ kể từ năm 2016.

“Khi đó, tôi khóc như mưa. Tôi cảm thấy mình bơ vơ, không biết bấu víu vào đâu và chưa thể hình dung ra công việc bảo vê là làm như nào. Trong cuộc họp đó, chúng tôi van xin để họ thấu hiểu cho hoàn cảnh của bọn tôi nhưng không được”, chị L. nhớ lại.

Chị L. nhớ lại quãng thời gian gần 17 năm dạy Văn cho các em học sinh Trung học cơ sở với nhiều kỉ niệm cô - trò, và những nuối tiếc khi mai đây sẽ không còn được đứng trên bục giảng mà thay vào đó là vọng gác bảo vệ.

Năm 2015, chồng chị L. mất, gánh nặng gia đình đè nên vai người phụ này. Năm 2016, chị chấp nhận kí Hợp đồng 68 để chuyển sang làm bảo vệ sau nhiều lần cùng các giáo viên khác khiếu nại không được.

Éo le khi chuyển sang làm bảo vệ

Khác với đồng nghiệp là họ có chỗ dựa từ người chồng hay kinh tế gia đình ổn định, chị L. không biết bấu víu vào đâu, chị trốn tránh sự thật phũ phàng và không muốn cho mọi người biết mình làm bảo vệ.

Ngày đầu tiên đi làm bảo vệ, chị L. làm thêm công việc tạp vụ taị trường. Tuy nhiên, do ái ngại với đồng nghiệp, học sinh nên chị đợi khi mọi người ra về hết thì chị mới cầm chổi đi quét lớp học.

Những ngày sau đó, học sinh vẫn trông thấy cô giáo ở phòng bảo vệ, chúng hỏi: “Cô ơi, tại sao cô không dạy chúng em”. Đáp lời, chị L. nói dối: “Nhà cô đang có việc nên chưa thể đi dạy được”.

Câu trả lời trên của chị L. cũng dành cho những câu hỏi tương tự của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, điều này vẫn không thỏa đáng khi thời gian trôi qua một năm, hai năm… thì chị L. vẫn làm bảo vệ.

Không chỉ bản thân chị L. gặp áp lực, mà ngay cả các con của chị cũng bị nhiều người dò hỏi: “Mẹ mày bị cắt hợp đồng à” hay “Mẹ mày bị đuổi việc à…”.

Thấy người ta hỏi vậy, đứa con út của chị dù chưa hiểu sự tình nhưng hình tượng người mẹ là giáo viên khiến nó tự hào bỗng tan biến bằng tiếng khóc nấc: “Con không muốn mẹ làm bảo vệ đâu, con muốn mẹ làm cô giáo cơ”.

Đau khổ, tủi hờn là cảm giác chung của những giáo viên hợp đồng chuyển sang làm bảo vệ. Bởi vậy, mỗi khi chị L. gặp lại đồng nghiệp thì họ ôm nhau khóc nức nở, như để giải tỏa nỗi bức bí trong lòng.

Chia sẻ với phóng viên, chị L. cho biết thời điểm huyện Thường Tín xét tuyển cho 37 giáo viên hợp đồng làm bảo vệ theo Hợp đồng 68, thì tại các huyện khác như Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức … nhiều giáo viên hợp đồng bị cắt hợp đồng giảng dạy.

Trong khi đó, huyện Thường Tín chưa hoàn toàn cắt hẳn hợp đồng, họ tìm ra giải pháp là chuyển giáo viên hợp đồng sang Hợp đồng 68 làm bảo vệ.

“Họ nói, chúng tôi là thế hệ tồn đọng của những lớp trước, nên việc chuyển chúng tôi sang làm công việc khác là tính nhân văn của huyện. Tuy nhiên những từ ngữ họ sử dụng khiến chúng tôi rất là đau đớn”, chị L. nói.

Chị L. cho hay, trong số 37 giáo viên hợp đồng thì có 7 người nhất quyết không chịu chuyển sang làm bảo vệ. Sự “lì lợm” đó đã đem lại may mắn cho họ, khi vào năm 2020 Thành phố Hà Nội xét duyệt đặc cách cho những giáo viên này.

“Khi đó tôi và những giáo viên làm bảo vệ cảm thấy thật xót xa, thua bạn kém bè. Chúng tôi rủ nhau làm đơn gửi lên Thành phố nhưng không thành vì nhiều người đã buông bỏ”, chị L. chia sẻ.

Nguyễn Nhất