Hoàn cảnh nghiệt ngã không cản bước nam sinh lọt vào tuyển Quốc gia Toán

19/04/2021 06:01
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bố mắc bệnh tâm thần, mẹ bị bệnh động kinh, nỗi khó khăn mà Phạm Văn Thông gặp phải không cản bước em ghi tên mình vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Toán.

Nhận tin vui bất ngờ, cậu con trai Phạm Văn Thông được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia, trong khi mẹ mừng rơi nước mắt, thì bố lại “thờ ơ”, chẳng biết đó là gì. Cậu trò nghèo nuôi ước mơ bác sĩ để chăm sóc cho bố mẹ.

Học sinh lớp 11 Phạm Văn Thông. Ảnh: Ngân Chi
Học sinh lớp 11 Phạm Văn Thông. Ảnh: Ngân Chi

Vượt lên nghịch cảnh

Những ngày tháng Tư, cái nắng đầu mùa như nhuộm vàng giữa khoảng trời nơi làng quê Bắc Bộ bình dị. Đã quá giờ trưa, một cậu học trò dáng người mảnh khảnh đang hối hả đạp xe một mình giữa con đường vắng để trở về gian nhà nhỏ tại thôn Chế Chì (xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), cả gia đình đang chờ cơm. Chiếc xe đạp điện có lẽ đã gặp trục trặc giữa đường, nên gương mặt cậu mới mướt mải mồ hôi đến vậy.

Đó là cậu học trò lớp 11 Phạm Văn Thông (trường Trung học phổ thông chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), mà giờ đây, khi nhắc đến thì cả làng trên xóm dưới, ai cũng biết tiếng và tấm tắc khen. Người ta trầm trồ về Thông, không chỉ bởi, năm học vừa qua, cậu vinh dự lọt vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Toán, mà còn bởi, cậu học trò chăm ngoan đã vượt nghịch cảnh của gia đình để hướng đến tương lai đầy ánh sáng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố bị tâm thần phân liệt, mẹ mắc chứng động kinh từ ngày còn đi học, thuở Thông mới lọt lòng, ai cũng lo cậu sẽ bị di truyền bệnh từ bố mẹ. Nhưng không, cả Thông và cô em gái hiện đang học lớp 6 đều rất sáng dạ, thậm chí, có thành tích học tập đáng nể.

Bữa cơm đạm bạc của gia đình 4 người. Ảnh: Ngân Chi

Bữa cơm đạm bạc của gia đình 4 người. Ảnh: Ngân Chi

Ngay từ nhỏ, Thông đã có thành tích nổi bật về môn Toán. Biết gia đình khó khăn, bố mẹ lại mang nhiều bệnh tật, cậu chưa từng xin mẹ đi học thêm, thậm chí, mẹ có ngỏ lời khuyên đi học thêm, nam sinh vẫn nhất quyết từ chối. Để nuôi đam mê với Toán học, Thông luôn tận dụng tối đa thời gian dành cho học tập, tranh thủ tìm tòi và trao đổi thêm kiến thức với thầy cô, bạn bè sau giờ học; còn lại, dựa vào sự chủ động và kiên trì của bản thân để chinh phục những nội dung khó.

Cứ như vậy, năm lớp 7, Phạm Văn Thông đạt giải Ba cấp huyện môn Toán, đến năm lớp 9, đạt giải Khuyến khích cấp huyện môn Toán. Trong kỳ thi vào lớp 10, nam sinh đã xuất sắc đỗ vào lớp chuyên Toán của trường Trung học phổ thông chuyên Hưng Yên, đứng thứ 4 toàn trường. Đặc biệt, đến đầu năm lớp 11 (tháng 8/2020), Thông vinh dự là 1 trong 6 học sinh chuyên Toán vào đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia.

Ngày nhận thư chúc mừng của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên khi Thông được vào đội tuyển học sinh giỏi Toán Quốc gia, người mẹ mừng rơi nước mắt vì con trai có thành tích cao trong học tập, còn bố vẫn “thờ ơ” vì không biết đó là gì.

Mặc dù sau đó, buồn bã khi biết tin mình không trúng tuyển, nhưng với tinh thần lạc quan, “không chùn bước”, Thông quả quyết: “Do bản thân em vẫn chưa nỗ lực hết sức, năm nay, em đang tập trung ôn luyện cho lần thử sức tiếp theo”.

Sau giờ học, Thông thường xuyên phụ bố mẹ việc nhà. Ảnh: Ngân Chi

Sau giờ học, Thông thường xuyên phụ bố mẹ việc nhà. Ảnh: Ngân Chi

Tình yêu có lúc ngờ nghệch, nhưng luôn đáng trân quý

Bố mẹ của Thông - chị Hoàng Thị Quy (44 tuổi) và anh Phạm Văn Hinh (50 tuổi, được người làng hay gọi là “Hinh tồ”) đã lấy nhau ngót nghét cũng 19 năm. Tổ ấm của họ từ hai mảnh ghép được mai mối, vốn không có tình yêu, nhưng lại trở thành hạnh phúc. Chị Quy từ người con gái bị xem là “quá lứa lỡ thì” vì mặc cảm bệnh tật không dám yêu ai, đã tìm được một gia đình. Anh Hinh từ một người đàn ông ngờ nghệch, “chẳng biết làm chuyện gì, chẳng chịu nghe ai nói”, sau khi có vợ, lại bắt đầu “hiểu chuyện”. Chị Quy kiên nhẫn chỉ cho anh từ việc đồng áng đến việc nhà, tất cả đều bắt đầu từ con số “không”.

Sau giờ cơm, em gái cùng bố cho gà ăn. Ảnh: Ngân Chi

Sau giờ cơm, em gái cùng bố cho gà ăn. Ảnh: Ngân Chi

Dần dà, anh cũng biết việc. “Hồi đầu anh chẳng biết làm gì cả, tôi toàn phải đi cùng để chỉ tận tay. Ban đầu, anh nhổ mạ thì nhổ cả cỏ, sau, vợ chỉ cách phân biệt mạ với cỏ, khi cấy phải dúi mạ ra sao, đứng tát nước sao cho đúng. Người thường mỗi ngày cuốc được 5 miếng ruộng thì anh chỉ được 1 miếng.

Người thường mỗi ngày nhổ được 100 bó mạ thì anh chỉ được 30 bó mạ. Người thường mỗi ngày gặt được cả sào thì anh chỉ được 2 miếng, nhưng còn hơn anh chẳng giúp được gì. Rồi đến việc nhà như nấu cơm, tôi cũng phải chỉ anh cách đo mực nước bằng đốt ngón tay, bữa thì nhão nhoét, bữa sượng sống nhưng dần cũng quen” - chị chia sẻ.

Cứ như vậy, ngôi nhà nhỏ mỗi ngày lại thêm một phần hạnh phúc. Người ngoài nói chưa chắc anh Hinh đã nghe, nhưng vợ bảo thì lại răm rắp.

Anh Phạm Văn Hinh và chị Hoàng Thị Quy. Ảnh: Ngân ChiAnh Phạm Văn Hinh và chị Hoàng Thị Quy. Ảnh: Ngân Chi

Vài năm trở lại đây, “Hinh tồ” ngày nào đã mau miệng hơn, thậm chí còn biết khoe con học giỏi với hàng xóm, họ hàng, trong bữa ăn đã biết nhường đồ ăn ngon cho con, đến giờ là về lo cơm nước cho vợ, thậm chí, còn tự ký được tên mình do vợ dạy dù không biết chữ... Duy chỉ việc chưa thể đếm quá 10 con số và không biết tiêu tiền.

Người đàn ông vừa hái nắm rau muống từ ruộng về, bắt đầu chuẩn bị bữa cơm trưa, miệng vẫn không ngừng khoe “có thằng con trai lớn học giỏi lắm, nhiều bằng khen nhưng chẳng rõ là môn gì, ai khen”… Kể hết con trai, anh lại nhắc đến con gái “nó học không bằng anh trai, nhưng cũng khá lắm” - nói xong anh lại cười hề hề.

Cơm vừa chín, chị Quy cũng lái chiếc xe Cup 82 về đến sân. Hiện tại, cả gia đình trông vào tiền công đi làm phụ hồ, 200.000 đồng/ngày công của chị. Sức khỏe yếu, lại không quen với việc nặng, vừa dựng xe, người phụ nữ vội ngồi sụp xuống bậc thềm, thở không ra hơi. Chị bảo: “Bản thân bệnh tật nhưng mấy năm nay cũng thuyên giảm, còn bệnh tình của anh vẫn vậy, tôi cố gắng chắt bóp mua thêm bảo hiểm y tế cho hai vợ chồng để phòng xa, số còn lại thì đầu tư hết cho con…”.

Chờ hai con đi học về, cả gia đình quây quần bên mâm cơm đạm bạc trong căn nhà cấp 4 với bữa cơm chỉ có đĩa rau muống luộc, bát nước chan cùng vài miếng giò rim. Xong bữa, chị Quy tranh thủ chợp mắt rồi còn đi làm. Anh Hinh và cô con gái cho gà ăn, còn cậu con trai cũng nhanh nhẹn thu dọn chén đĩa.

Không chỉ học giỏi, Thông và em gái đều là những người con ngoan, sau mỗi giờ học trên trường, khi về nhà, hai anh em lại giúp bố mẹ quán xuyến việc nhà, chẳng mấy khi ra ngoài chơi. Nhà cách trường hơn 10 km, thời gian đầu Thông xin mẹ đạp xe đi, nhưng nghĩ đường xa, con đi học vất vả, họ hàng lại giúp đỡ mua cho cậu chiếc xe đạp điện. Nhà xa, lắm hôm học ca chiều, Thông lại xách theo một cặp lồng cơm đến trường ăn, đến tối mới về.

Là con trai nhưng Thông chẳng nề hà việc gì, sau giờ học cậu lại ra ao giúp mẹ rửa rau, phần vì muốn canh sợ mẹ ngã, lắm khi không có rau thì giúp mẹ làm mành, chọc tâm sen... Từ bé đến lớn, cả hai anh em chưa từng đòi hỏi bố mẹ phải mua đồ đạc hay sắm quần áo mới.

Thư chúc mừng của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Ngân Chi

Thư chúc mừng của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Ngân Chi

Nhắc đến “chuyện bố mẹ bị bệnh em có ngại với bạn bè không”, Thông khẳng khái nói: “Em chưa từng xấu hổ về bố mẹ mình. Có bố mẹ mới có em của ngày hôm nay. Em tự hào về gia đình mình. Em thương bố mẹ lắm, sau này khi lớn lên, em sẽ chăm sóc bố mẹ”.

Hễ ai hỏi ước mơ của của bản thân, cậu học trò Phạm Văn Thông liền nói sẽ “làm bác sĩ” để có thể chăm sóc được cho bố mẹ. Và trước mắt, Thông mong mình sẽ thi đỗ vào Học viện Quân y vì có thể giảm tải gánh nặng học phí chi trả cho gia đình.

Cuộc đời đã gắn kết hai con người tuy không hoàn hảo, nhưng đã tạo nên một gia đình trọn vẹn và hạnh phúc. Mặc dù không biết tình yêu là gì, nhưng 19 năm qua, anh chị đối đãi với nhau bằng thứ tình cảm chân thành và sâu đậm nhất. Cái kết đẹp của chuyện tình, chính là những đứa con ngoan ngoãn và học giỏi. Người mẹ mong ước con trai thi đỗ đại học, theo đuổi được nghề yêu thích để thoát khỏi lũy tre làng - điều mà trước giờ vợ chồng chị chưa từng dám nghĩ tới.

Ngân Chi