Học ngoại ngữ cần cả quá trình không thể vài ngày mà đạt, bỏ chứng chỉ là đúng

09/02/2021 06:20
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quyết định này của Bộ Giáo dục cũng gián tiếp giúp các trường sàng lọc được đội ngũ giáo viên chuyên môn ngay từ khâu đầu vào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021, đây là một trong những nội dung trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.

Sau khi các thông tư này ban hành, nhiều cơ sở giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng đặc biệt quan tâm, tán thành đồng thời thể hiện sự vui mừng vì Bộ Giáo dục đã có sự sát sao và thấu hiểu.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Trường – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Cao đẳng Xây Dựng Nam Định cho biết: “Thông tin về quyết định này chúng tôi cũng đã nắm được ở các phương tiện truyền thông trong mấy ngày gần đây. Theo tôi, đây là một quyết định đúng đắn và hợp lý của Bộ Giáo dục thể hiện sự quan tâm, sát sao của các Bộ, Ngành với công việc và cuộc sống của đội ngũ giáo viên.

Trong việc này cần phải phân định rõ rằng, khi giáo viên muốn bổ nhiệm vào hạng, thăng hạng lên mức độ nào đó hoặc đầu vào tuyển dụng thì việc bỏ những cái chứng chỉ đó đi là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, đối với những giáo viên có chuyên ngành hoặc những công việc có liên quan buộc dùng đến những chứng chỉ đó thì bắt buộc giáo viên đó phải đầy đủ, thậm chí là cần trình độ cao hơn.

Việc này cũng đặt ra yêu cầu rằng, có trong tay chứng chỉ không đơn thuần là sự chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền với người đó, quan trọng hơn cả là phải làm sao đánh giá được chuyên môn thực sự tương ứng với mức độ xếp hạng trong từng chứng chỉ đó.

Nói dể hiểu đó là, với chuyên môn cần người thật, việc thật chứ không phải có để đối phó.

Điều này cũng có thể hiểu là, trong chức danh nghề nghiệp, với từng vị trí công việc cụ thể thì giáo viên đó cần đạt đến trình độ nhất định.

Bởi thực tế, học ngoại ngữ hoặc tin học cần có lộ trình chứ không thể một vài ngày mà một giáo viên có thể đạt đến được trình độ yêu cầu ngay được”.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Trường – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Cao đẳng Xây Dựng Nam Định. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Trường – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Cao đẳng Xây Dựng Nam Định. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Trường cũng nêu ra những khó khăn, rào cản trước đây khi thực hiện lộ trình về Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030”, khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp không ít lúng túng trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, trên cơ sở quyết sách về bỏ các chứng chỉ không thật sự cần thiết mà Bộ Giáo dục đề ra đã góp phần “gỡ rối” rất tích cực, không chỉ cho giáo viên mà những người làm quản lý cũng rất phấn chấn và dễ dàng hơn trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính.

Đánh giá về những ảnh hưởng sau quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Trường nhận định: “Như tôi đã nói ở trên, việc có được một cái chứng chỉ tin học hoặc ngoại ngữ đối với giáo viên là cả một lộ trình, tốn nhiều thời gian và công sức.

Tuy nhiên, với những lĩnh vực không đúng chuyên môn thì thực sự rất lãng phí cho quá trình “cày cuốc” của các giáo viên để lấy về các chứng chỉ ấy.

Đó là chưa kể đến việc, trong xu thế phát triển của xã hội, của nền giáo dục nước nhà, biết đâu mấy năm sau những hạng B1, B2 của hiện tại chỉ tương đương với hạng A1, A2 của các chứng chỉ sau này.

Lúc đó, nếu muốn đáp ứng yêu cầu thì lại buộc những giáo viên ấy phải đi nâng hạng thêm lần nữa hay sao.

Trong khi thực tế, một số giáo viên trong quá trình giảng dạy hàng ngày họ không dùng đến cái chứng chỉ đó bao giờ.

Tôi thấy quan điểm về yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao” là hoàn toàn hợp lý và bám sát vào tình hình thực tế.

Quyết định này của Bộ Giáo dục cũng gián tiếp giúp các trường sàng lọc được đội ngũ giáo viên chuyên môn ngay từ khâu đầu vào.

Chẳng hạn, với một bộ môn bắt buộc giáo viên đó phải có chuyên môn nhất định về ngoại ngữ, thì trong quá trình tuyển dụng ngoài việc người đó phải có năng lực thực sự thì việc cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ của người đó cũng một phần quan trọng để đơn vị tuyển dụng có căn cứ sàng lọc bố trí người đó vào những vị trí giảng dạy thích hợp ngay từ ban đầu.

Những người làm theo đúng chuyên môn về ngoại ngữ thì chứng chỉ họ cần có là cao hơn chứ không phải là hạng B2 theo yêu cầu chung.

Và đương nhiên, với những người nào trình ra được chứng chỉ ngoại ngữ hạng cao hơn thì người đó chắc chắn được ưu tiên hơn trong quá trình bố trí công tác.

Việc này, là một cách làm trúng được hai mục tiêu, và chắc chắn sẽ tuyển chọn được những giáo viên thực sự xứng tầm.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên được xem nhẹ hoặc hạ thấp, mà các trường cần nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực của giáo viên, đảm bảo được hiệu quả và trong công tác giảng dạy”.

Trung Dũng