Học sinh giỏi chưa dám thi vào sư phạm vì nhìn các chị, các cô đang...ế

03/01/2018 06:41
Tùng Sơn
(GDVN) - Không biết, nhìn những cảnh nghề ế ẩm đó, học sinh giỏi có dám thi tuyển để các trường sư phạm có những sinh viên ưu tú nhất hay không?

LTS: Trong những năm trở lại đây, năm nào cũng có hàng nghìn sinh viên sư phạm ra trường nhưng không xin được việc làm. 

Trước thực trạng nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp sư phạm đã quyết định gác lại tấm bằng sau bao năm đèn sách để đi làm công nhân, tác giả Tùng Sơn đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tại hội nghị hiệu trưởng các trường sư phạm 27/12 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục nêu quyết tâm tuyển những sinh viên ưu tú nhất vào sư phạm.

Nghe thì tưởng làm được ngay nhưng việc này là tiến trình dài tập. Các em học sinh giỏi vẫn đang hãi sư phạm vì các em nhìn gương các chị đang dở khóc dở cười với nghề nghiệp của mình.

Thực trạng sinh viên ra trường hiện nay. Ảnh minh họa (Ảnh: Internet).
Thực trạng sinh viên ra trường hiện nay. Ảnh minh họa (Ảnh: Internet).

10 năm hợp đồng là chuyện thường ngày ở huyện

Sao nghe hai tiếng “hợp đồng” mà lòng tê tái. Đó là tâm sự của rất nhiều thầy cô giáo trong các trường phổ thông hiện nay.

Mấy năm trước, mới hợp đồng vài năm thì còn chứa chan hi vọng. Số giáo viên hợp đồng đông dần lên. Năm 2015 ngành giáo dục tổ chức xét tuyển, năm 2016 tổ chức thi tuyển. Nhưng số giáo viên hợp đồng vẫn còn nhiều, nhất là giáo viên tiểu học và các môn Ngữ văn, Toán ở trung học cơ sở.

Đến nay có người vào nghề đã hơn chục năm. Mỗi lần họp nghe câu “Các đồng chí giáo viên hợp đồng” mà lại gợn bao suy nghĩ đắng cay.

Biên chế và hợp đồng, hai cụm từ nói về hai thân phận khác nhau. Các thầy cô chưa được biên chế chỉ còn biết động viên nhau bằng câu nói: “Hợp đồng giờ đây là chuyện thường ngày ở huyện”.

Tốt nghiệp, ra trường, đi làm may công nghiệp cũng là chuyện thường

Những năm trước, mỗi sinh viên ra trường với tấm bằng sư phạm là một niềm vui lớn cho gia đình. Các ông bố bà mẹ bằng mọi giá xin việc cho con. Giờ đây, sự thể đã khác. Các phụ huynh phải cân nhắc, nhìn trước, nhìn sau.

Một số cô giáo chờ biên chế lâu quá đã bỏ nghề. Năm trước có cô giáo sinh gác bằng sư phạm đi làm công nghiệp giờ đây lại ổn, lương tháng suýt soát chục triệu. Có cô ra trường chuyển sang đi học tiếng Hàn, tiếng Trung, chuyển nghề, bây giờ cũng khá…

Học sinh giỏi chưa dám thi vào sư phạm vì nhìn các chị, các cô đang...ế ảnh 2Vì sao cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày càng nhiều?

Sự xa lánh nghề dạy học của một số cựu giáo sinh khiến các tân giáo sinh vô cùng đắn đo cho sự nghiệp cuộc đời gõ đầu trẻ của mình.

Bố mẹ vẫn nói “Tùy các con”, tuy nhiên, suy đi tính lại, đi làm may công nghiệp có lẽ vẫn là quyết sách đúng nhất cho cuộc đời mình.

Gác bằng sư phạm đi làm may công nghiệp trước mắt được nhiều đường: Có ngay lương cao; được đóng bảo hiểm xã hội; bố mẹ không phải nhờ vả ai; tư duy thông thoáng;…

Cũng lại nói mấy năm trước, ai xếp bằng sư phạm lại đi làm công nghiệp sẽ khiến làng xóm xôn xao. Nay chuyện đó, lại là chuyện thường ngày ở huyện.

Nhìn cảnh nghề ế ẩm, học sinh giỏi có dám thi sư phạm không?

Chỉ đơn giản là hai câu chuyện bây giờ trở thành thường ngày nói trên (hợp đồng chục năm chưa thấy biên chế và gác bằng đi làm may) nhưng đã làm cho chúng ta nản lòng khi tính chuyện thi vào sư phạm cho con em.

Quyết tâm của Bộ trưởng là quyết tâm ai cũng mong mỏi. Tuy nhiên, để học sinh giỏi viết hai chữ sư phạm vào hồ sơ đăng kí tuyển sinh là cả một vấn đề.

Cả nước ta hiện nay, nhất là các vùng nông thôn, cái nôi của nghề giáo, số giáo viên hợp đồng đông đảo vô cùng.

Họ có cuộc sống rất trôi nổi. Có giáo viên thì hợp đồng ăn lương ngân sách. Có giáo viên thì hợp đồng theo số tiết. Nhưng dù là hợp đồng ở loại hình nào thì cũng có điểm giống nhau là lương không đủ sống.

Các chị, các cô còn đang khó khăn chất chồng lên đó. Mỗi xóm, mỗi làng đều có giáo viên hợp đồng sống bần hàn và giáo sinh gác bằng đi làm may. Nghề giáo thật ế ẩm.

Không biết, nhìn những cảnh nghề ế ẩm đó, học sinh giỏi có dám thi tuyển để các trường sư phạm có những sinh viên ưu tú nhất hay không? Có lẽ, sau chưa biết. Nhưng nay thì không.

Tùng Sơn