Học sinh Hà Nội muốn vào 4 trường chuyên phải qua sơ tuyển và thi tuyển

19/04/2021 06:14
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh tham gia tuyển sinh vào 4 trường chuyên sẽ trải qua 2 vòng, đó là sơ tuyển và thi tuyển.

Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của Hà Nội đã quy định rõ phương thức tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh của 4 trường trung học phổ thông chuyên: Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ, Trung học phổ thông Chu Văn An và Trung học phổ thông Sơn Tây;

Theo đó, 4 trường chuyên sẽ tổ chức tuyển sinh qua 2 vòng. Vòng 1: tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển. Vòng 2: tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.

Trong đó, vòng sơ tuyển được đánh giá bằng điểm số căn cứ vào các tiêu chí sau:

Kết quả dự thi chọn học sinh giỏi, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực một số nước hoặc quốc tế. Điểm cho mỗi giải được tính như sau: giải Nhất 5,0 điểm, giải Nhì 4,0 điểm, giải Ba 3,0 điểm, giải Khuyến khích 2,0 điểm;

Điểm sơ tuyển = Điểm thi học sinh giỏi, tài năng + Điểm xếp loại học lực 4 năm cấp trung học cơ sở + Điểm kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở

Kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp trung học cơ sở: tính theo kết quả từng năm học, xếp loại học lực giỏi 3,0 điểm, học lực khá 2,0 điểm;

Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở: tốt nghiệp loại giỏi 3,0 điểm, loại khá 2,0 điểm.

Những học sinh có tổng điểm sơ tuyển từ 10 điểm trở lên sẽ được tham gia thi tuyển ở vòng 2.

Vòng 2: Thi tuyển

Môn thi và hình thức thi:

- Môn thi: tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1. Học sinh phải tham gia dự thi các môn không chuyên (còn gọi là các môn điều kiện chuyên) là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn chuyên, trong đó ba môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cùng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022.

Ảnh minh họa: Thu Trang

Ảnh minh họa: Thu Trang

Những học sinh chỉ có nguyện vọng đăng ký thi vào lớp chuyên (không có nguyện vọng học hệ không chuyên) vẫn phải tham gia dự thi đủ 3 môn không chuyên (Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ), có thể không cần dự thi môn Lịch sử.

- Hình thức thi: các môn chuyên thi theo hình thức tự luận; môn Ngoại ngữ chuyên thi theo hình thức kết hợp tự luận và trắc nghiệm để đánh giá kỹ năng nghe, đọc, viết.

Thang điểm và hệ số điểm bài thi:

- Điểm bài thi tính theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn điểm đến 2 chữ số thập phân. Nếu chấm bài theo thang điểm khác thì kết quả điểm các bài thi sẽ quy đổi ra thang điểm 10.

- Hệ số điểm bài thi: điểm thi các môn không chuyên tính hệ số 1, điểm thi môn chuyên tính hệ số 2.

Thời gian làm bài thi:

- Các bài thi không chuyên: môn Ngữ Văn và môn Toán 120 phút/bài thi, môn Ngoại ngữ 60 phút/bài thi;

- Các bài thi môn chuyên: môn Hóa học và môn Ngoại ngữ 120 phút/bài thi, các môn khác 150 phút/bài thi.

- Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng số điểm các bài thi không chuyên, điểm bài thi môn chuyên tương ứng với lớp chuyên (đã tính hệ số);

ĐXT = Tổng điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) + Điểm bài thi chuyên (hệ số 2)

Nguyên tắc xét tuyển:

- Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong kỳ thi tuyển sinh đến mức hủy kết quả thi và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2,0;

- Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng lớp chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: có điểm thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn;

- Các lớp chuyên được xét tuyển độc lập nhau. Học sinh được quyền lựa chọn học một lớp chuyên theo nguyện vọng trúng tuyển (trường hợp học sinh trúng tuyển nhiều lớp chuyên).

Thùy Linh