Học sinh không biết cách tự học dẫn đến chán học, viện lý do F1 để trốn học

06/03/2022 07:01
Lâm Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có tình trạng học sinh lười nhác, giả vờ F1 nghỉ học khiến giáo viên phải dạy trực tiếp kết hợp tuyến rất mệt mỏi.

Tuần học vừa qua, bản thân tôi và nhiều giáo viên dạy bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, có tình trạng học sinh giả vờ F1 nghỉ học khiến thầy cô vừa dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến đến rã rời.

Khi học sinh F1 "ăn theo" F0

Theo ghi nhận của tôi, vào thời điểm tháng 2/2022, sau kì nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đi học khá nghiêm túc, đầy đủ. Vào thời gian này, số lượng học sinh F0 còn ít nên các trường học ít gặp khó khăn khi dạy học trực tiếp.

Tuy vậy, đến đầu tháng 3/2022 thì số lượng học sinh F0 xuất hiện ngày càng nhiều làm cho việc dạy học gặp rất nhiều trở ngại. Tôi có tham gia dạy thỉnh giảng cho một trường phổ thông tư thục thì nhận thấy, có một số lớp học sinh phải nghỉ học từ 1 đến 2 tuần vì hầu như các em đều nhiễm virus Covid-19.

Học sinh nhiễm bệnh là trường hợp bất khả kháng, phải nghỉ học để chăm sóc, điều trị theo quy định của ngành y tế. Nhưng đáng buồn thay, vẫn còn đó những học sinh lười nhác, "ăn theo" F0 nghỉ học khiến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn rất vất vả trong khâu quản lí, dạy học.

Tôi vào một số lớp thì thấy rằng, lớp trưởng điểm danh trên bảng chỉ có vài ba học sinh F0 nhưng số lượng F1 có khi lên đến mấy chục em. Điều bất ngờ là, với những lớp học tốt thì rất ít học sinh F1 nghỉ học và ngược lại, lớp yếu có buổi chỉ còn lại vài ba em đi học.

Tôi tìm hiểu thực trạng học sinh F1 nghỉ học thì được biết, bên cạnh các em nghỉ học vì tiếp xúc gần với F0, vẫn nhiều em viện cớ F1 để khỏi đến lớp. Việc xác định người tiếp xúc gần (F1) được thực hiện theo quy định tại Công văn số 11042/BYT-DP về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19.

Theo đó, người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau: người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.

Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Nhiều trường đề ra nguyên tắc xác định học sinh diện F1 đó là, khi người nhà các em bị F0 (phụ huynh xác nhận) hoặc các em tiếp xúc gần với bạn học ngồi cạnh chỗ, chung bàn (nhà trường xác nhận).

Thế nhưng cũng không ít học sinh viện lí do tiếp xúc với F0 ở lớp khác, nơi khác (quán ăn, quán cà phê...) để nghỉ học cho bằng được. Cá biệt, có lớp học sinh lôi kéo nhau nghỉ học theo diện F1 những mong giáo viên dạy trực tuyến.

Giáo viên vất vả vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến. (Ảnh mang tính minh hoạ: Laodong.vn)

Giáo viên vất vả vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến. (Ảnh mang tính minh hoạ: Laodong.vn)

Theo quy định, học sinh diện F1 được nghỉ học ở nhà theo dõi sức khỏe 5 ngày, sau đó xét nghiệm nếu âm tính thì đi học lại bình thường. Thế là không còn cách nào khác, giáo viên bộ môn phải quay video bài giảng gửi cho các em hoặc vừa dạy trực tiếp trên lớp vừa livestream (phát trực tiếp) để học sinh không bị gián đoạn việc học.

Rồi hàng ngày giáo viên chủ nhiệm phải điểm danh, liên hệ với phụ huynh học sinh xem tình hình các em thế nào để báo cáo với lãnh đạo. Cuối tuần, thầy cô bộ môn còn thu thập thông tin việc học bài, làm bài của học sinh đến mệt mỏi.

Giáo viên lo lắng nhất là học sinh cuối cấp - lớp 9, lớp 12, nghỉ học quá nhiều. Thầy cô ăn không ngon ngủ không yên phần vì gắn trách nhiệm, nghĩa vụ với các em đã đành, phần khác lại sợ học sinh thi cử có kết quả thấp, bị lãnh đạo phê bình, đánh giá thi đua.

Vì sao nhiều học sinh ngán học?

Khách quan mà nói, học sinh học trực tuyến thời gian quá dài khiến nhiều em chây lười khi phải học trực tiếp. Học sinh yếu, nhiều em chỉ muốn học trực tuyến vì dễ bề đối phó việc học, không bị cha mẹ, thầy cô la rầy như lúc học trên lớp.

Bên cạnh đó, qua trò chuyện với một vài học sinh lớp 12 trường phổ thông tư thục (Thành phố Hồ Chí Minh), tôi được các em trải lòng, do quá áp lực học hành thi cử nên nhiều lúc chán học.

Được biết, thời gian biểu của học sinh lớp 12 (trường tư thục) như sau: 5 giờ 45 thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng; 6 giờ 30 lên lớp truy bài (giáo viên chủ nhiệm kiểm tra việc làm bài tập ở nhà, khảo bài cũ, dặn dò công việc liên quan); 7 giờ 15 học tiết 1 cho đến 11 giờ 15 kết thúc buổi học, sau đó ăn trưa, nghỉ trưa.

Buổi chiều học sinh vào lớp lúc 13 giờ 30 đến 16 giờ 50 thì kết thúc buổi học. Các em tắm rửa, ăn tối, nghỉ ngơi đến 18 giờ 30 thì vào lớp (có giáo viên bộ môn dạy, kèm riêng). Việc học kết thúc vào lúc 21 giờ 30 khiến nhiều em rã rời, kiệt sức.

Chiều thứ Bảy, sáng Chủ nhật, học sinh còn phải làm bài kiểm tra định kì luân phiên các môn thi tốt nghiệp (theo kiểu thi thử), các em không còn thời gian vui chơi, giải trí. Học sinh nào kiểm tra có điểm dưới trung bình còn bị giáo viên chủ nhiệm la rầy, cha mẹ trách mắng.

Còn trường công lập, vào thời điểm này học sinh được tăng tiết với những môn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp. Các em phải học thêm hàng loạt môn như: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, tổ hợp Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội, chiếm hết thời gian nghỉ ngơi.

Tôi đã thực hiện một đề tài khoa học về việc học trực tuyến của học sinh bậc trung học phổ thông (Thành phố Hồ Chí Minh) thì rất ngỡ ngàng, bởi kết quả khảo sát cho thấy, có 64% học sinh không biết cách tự học - là lí do khiến các em phải đi học thêm, dẫn đến sợ học.

Chuyện học sinh F1 cố tình "ăn theo" F0 để nghỉ học là rất đáng trách, giáo viên sẽ phải tìm cách chấn chỉnh, xử lí. Thế nhưng, thực trạng này cũng cho thấy, việc học của học sinh hiện nay là quá tải, rất áp lực. Học sinh học tập chủ yếu nhằm mục đích kiểm tra, thi cử, đặt ra bài toán cho ngành giáo dục cần sớm tháo gỡ bất cập này.

Tài liệu tham khảo:

https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/nhung-ieu-f1-can-biet-the-nao-la-f1-cach-ly-ra-sao-

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lâm Ly