Học sinh làm chủ tịch: Quan trọng học sinh có hứng thú hay không?

18/07/2015 07:02
Xuân Trung - Thùy Linh
(GDVN) - Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tên gọi “chủ tịch và phó chủ tịch” thay cho chức danh “lớp trưởng”, liệu thuật ngữ này có biến đổi suy nghĩ của trẻ?

Cô giáo Phạm Thị Yến – hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho rằng, bản Dự thảo lần này ra đời đã phù hợp với điều kiện hiện nay, cũng phù hợp với tinh thần của Thông tư 30 (đánh giá học sinh tiểu học).

Theo cô giáo Yến, thuật ngữ “Chủ tịch hay Phó chủ tịch” như trong Điều 17 của Dự thảo Điều lệ trường tiểu học, dưới góc nhìn của xã hội, của cha mẹ học sinh là rất lạ lẫm. 

Ở đây, cô giáo Phạm Thị Yến phân tích, cách nhìn của trẻ con về thuật ngữ này cũng chưa thể hiểu hết được. Do đó, về quy định này cũng không nên áp dụng một cách quá máy móc.

“Thực tế mô hình này lấy từ Colombia về, định áp dụng cho miền núi, những nơi có ít học sinh, muốn rèn cho học sinh tính tích cực, độc lập, tự chủ…Sau đó, chúng ta có nhân rộng ra. Tôi cũng băn khoăn tại sao nhân rộng ra mà vẫn giữ tên “chủ tịch và phó chủ tịch”, thực ra bản chất là một lớp trưởng, mặc định là như vậy và cảm giác gần gũi hơn.

Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung

Theo tôi không nên lấy một cái tên nó to tát quá, có thể vận dụng linh hoạt về mô hình này cho phù hợp” cô Yến cho biết.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, mô hình có những điểm tích cực, phát huy được tinh tích cực của học sinh, tạo cho học sinh hứng thu học tập, tự chủ, tự quản,  học sinh thể hiện được vai trò của mình. 

Tuy nhiên, cô Yến cho biết, chức danh này nên mềm mại hơn, nên luân chuyển chức danh đối với các thành viên trong lớp để học sinh thể hiện được vai trò của mình.

Cũng theo bản Dự thảo lần này, mục tiêu đề ra cho mỗi lớp học chỉ có 35 học sinh, đây là mong muốn rất lí tưởng. Tuy nhiên, việc áp dụng vào các địa phương cụ thể sẽ rất khó, đặc biệt với các đô thị lớn.

“Số lượng chỉ 35 học sinh/lớp là điều lí tưởng. Tôi cũng đã đi rất nhiều nước, dự giờ cùng lớp học tại các nước thì mô hình này rất lí tưởng. Ấn tượng một điều, đất nước họ phát triển như thế nhưng mỗi vùng miền lại có một mô hình khác nhau để áp dụng cho phù hợp, đặc biệt không ép địa phương. 

Theo tôi, cũng không nên đưa ra một mô hình cứng nhắc để áp đặt cho toàn cả nước, mà áp dụng riêng cho từng miền, vận dụng linh hoạt, sáng tạo sao cho hiệu quả nhất” cô Phạm Thị Yến bày tỏ quan điểm.

Còn gì mới ở Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học, ngoài chức danh 'Chủ tịch'?

Còn gì mới ở Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học, ngoài chức danh "Chủ tịch"?

(GDVN) - Quan điểm trên của nghiên cứu sinh Phạm Hùng Hiệp, hiện đang học tại Đại học Văn hóa Trung Hoa – Đài Loan.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội cho rằng, để có được bản Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới, Bộ GD&ĐT đã thí điểm trước đó trên nhiều trường. Từ việc thí điểm đó, kết quả ban đầu các trường đều hưởng ứng và thích thú.

“Bộ Giáo dục muốn mở rộng mô hình này ra, trước hết cá nhân tôi ủng hộ và mọi người cũng góp ý để cho bản Dự thảo được hoàn chỉnh hơn” TS. Lâm cho biết.

Một trong những điểm mới nhất của bản Dự thảo lần này là đưa ra tính tự chủ của học sinh, các em chủ động bình bầu hội đồng tự quản, trong đó có các chức đanh chủ tịch, phó chủ tịch thay cho lớp trưởng, lớp phó.

Điểm mới này nhận được nhiều phản ứng từ xã hội. Đối với TS. Nguyễn Tùng Lâm, ông cho rằng đây chẳng qua chỉ là lớp vỏ ngôn ngữ. Tuy nhiên, ở trong đó có chứa yếu tố dân chủ, đề cao vai trò tham gia tích cực của học sinh, học sinh tự quản, học sinh tự giải quyết các công việc của mình, và nếu làm được như vậy theo TS. Lâm là điều quá tốt.

“Nếu trong lớp vỏ đó mang ý nghĩa đó và học sinh thích thú thì ta nên ủng hộ. Đừng lấy suy nghĩ của người lớn để áp đặt cho trẻ con. Giữa cái cũ và cái mới bao giờ cũng có bỡ ngỡ, và điều mà chúng ta hoài nghi là điều bình thường”. TS Lâm bày tỏ.

Nghiên cứu về mặt tâm lí học, TS. Tùng Lâm cho biết ở độ tuổi này các em phải được trải nghiệm, được hoạt động và trẻ con sẽ nhận thức theo trải nghiệm đó. Chứ không hẳn người lớn coi thuật ngữ “Chủ tịch” là to tát, nhưng đối với trẻ con  chỉ là trò chơi, là bạn bè.

“Thay nhau cùng làm, thay nhau đóng vai, trẻ còn cần năng động, các em còn đóng vai là vua cơ mà! Đây là những đóng vai trải nghiệm thì lứa tuổi học trò đều cho phép điều đó.

Điều quan trọng là có thực hiện được đúng nội dung dân chủ, bình đẳng và học sinh thực sự làm chủ hay không, còn lên là lớp trưởng nhưng không thực hiện được gì thì cũng không làm gì. Điều quan trọng nhất là trẻ con có hưởng ứng hay không” TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Trả lời phóng viên về những đổi mới liên quan tới bản Dự thảo Điều lệ trường tiểu học lần này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trước kia gọi là lớp trưởng, lớp phó, chỉ huy liên đội, thì bây giờ mô hình mới gọi là “hội đồng tự quản”, trong đó có các ban để thực hiện Nhà trường dân chủ hơn. 

Thứ trưởng Hiển cũng cho rằng, dân chủ ngay từ khi còn nhỏ cũng là một yêu cầu của giáo dục nước ta trong mô hình trường học mới (VNEN) và nhận thấy học sinh làm tốt, chủ động hơn.

“Lớp trưởng trước đây có nhiệm vụ thay giáo viên theo dõi các bạn, xem bạn nào đi học muộn, theo dõi bạn nào chưa thuộc bài. 

Nhưng bây giờ không phải là làm thay mà chính các em bảo ban nhau, bình bầu lẫn nhau.

Và khi có công việc trong sinh hoạt trong tập thể, trước đây giáo viên đứng ra tổ chức, phân công, đôn đốc các em thì bây giờ hội đồng tự quản chính các em đứng ra tổ chức, phân công lẫn nhau, các em được bày tỏ nguyện vọng thông qua hội đồng tự quản để báo cáo với giáo viên, phụ huynh học sinh thậm chí nhiều nơi các em còn báo cáo lên địa phương” ông Hiển nêu thực tế tại các trường được thử nghiệm mô hình này trong 3 năm vừa qua. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, việc đưa mô hình này vào không phải là để nhẹ bớt cho giáo viên hay Nhà trường, mà làm tăng khả năng tự chủ, tự quản, khả năng sinh hoạt cùng nhau, khả năng trao đổi góp ý với nhau của học sinh nhằm tăng kỹ năng sống cho các em.

Xuân Trung - Thùy Linh