Hôm nay, hơn 1 triệu học sinh từ lớp 1-6 ở TP.HCM trở lại trường học

14/02/2022 06:20
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hơn 1 triệu học sinh trong độ tuổi từ 3 đến 11 sẽ đến trường học tập trực tiếp, theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Hôm nay (14/2), tiếp tục có hơn 1 triệu học sinh bậc học từ mầm non đến lớp 6 của Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trường học trực tiếp, kết thúc khoảng thời gian rất dài phải học trực tuyến để phòng dịch Covid-19.

Công tác chuẩn bị đón học sinh đi học đã hoàn tất

Tại trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, quận 8, cô Lê Huỳnh Diễm Thúy – Hiệu trưởng cho biết: Cho đến nay, công tác chuẩn bị để đón học sinh quay trở lại trường học trực tiếp đã hoàn tất từ rất sớm.

Trường đã ban hành phương án phòng chống dịch Covid-19 đầy đủ, trong đó lưu ý đến việc đón học sinh đến trường lệch ca, lệch giờ, kể cả giờ ra về.

Do là trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập với khu vực và quốc tế nên sĩ số các lớp học tại trường thấp, lãnh đạo trường cũng không phải quá lo lắng đến vấn đề đảm bảo khoảng cách.

Tuy nhiên, lớp học và khuôn viên trường đều đã được phun khử khuẩn, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Học sinh khi bước vào trường sẽ được đo thân nhiệt đầy đủ, hướng dẫn đeo khẩu trang cho đúng cách.

Giáo viên trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, quận 8 vệ sinh lớp học, sẵn sàng đón học sinh quay lại trường (ảnh: NTCC)

Giáo viên trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, quận 8 vệ sinh lớp học, sẵn sàng đón học sinh quay lại trường (ảnh: NTCC)

Trường cũng tăng cường trang bị các thiết bị khử khuẩn, xà phòng rửa tay ở các bồn.

Do cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường đều đã được chích đầy đủ 3 mũi phòng chống Covid-19, nên đợt đi học lại lần này, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận đều cao hơn lần khảo sát trước rất nhiều.

Còn tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, do thành phố và quận 1 đã nhiều tuần liền là vùng xanh, nên nhà trường sẽ thực hiện việc cho học sinh đăng ký bán trú đối với 100% học sinh học tại trường, theo tinh thần tự nguyện, dựa vào nhu cầu của phụ huynh.

“Nếu mỗi lớp có khoảng từ 50-60% học sinh đăng ký bán trú thì trường sẽ cho toàn bộ các lớp thực hiện bán trú hết. Việc ăn uống buổi trưa sẽ thực hiện lệch ca, ăn trong lớp là an toàn nhất” – cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng cho biết.

Theo cô Chi, trong trường hợp nhu cầu bán trú của học sinh trường cao hơn tỷ lệ này, thì trường sẽ thực hiện bán trú luân phiên.

Ví dụ là có thể thực hiện bán trú 1 tuần 3 buổi với học sinh khối 1,2,3, còn học sinh khối 4,5 thì 1 tuần bán trú 2 buổi.

Dù biết nhu cầu cho học sinh bán trú là thiết thực của phụ huynh, nhưng trường thực hiện việc này nhằm đảm bảo khoảng cách yêu cầu tối thiểu 1 mét giữa các học sinh theo yêu cầu của Sở Giáo dục và ngành y tế.

Trường học tổ chức phun khử khuẩn phòng dịch để chuẩn bị đón học sinh quay lại trường (ảnh: P.L)

Trường học tổ chức phun khử khuẩn phòng dịch để chuẩn bị đón học sinh quay lại trường (ảnh: P.L)

Còn việc đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh trong lớp học, thì lãnh đạo trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 cho hay, với học sinh khối lớp 1,2 trường không quá lo, sĩ số các lớp không quá cao, vẫn đảm bảo đúng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo cô Đỗ Ngọc Chi, với những lớp nào sĩ số cao, thì trường có thể tách làm 2, hoặc có thể tính đến phương án 2 lớp chia ra làm 3 phòng học, nhằm đảm bảo tối đa nhất sĩ số ở mỗi lớp chỉ từ 30 đến 35 học sinh.

Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý gì trước ngày học sinh đi học lại?

Trước ngày hơn 1 triệu học sinh trong độ tuổi từ 3 đến 11 đi học lại, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những lưu ý quan trọng đối với các trường trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo một cán bộ thuộc Sở cho biết, trước ngày đi học trở lại, các trường mầm non và tiểu học đều có phương án phân luồng học sinh ở cổng ra vào, bố trí giờ vào và giờ về lệch ca, lệch giờ giữa các khối lớp, nhằm tránh tình trạng ùn tắc, tụ tập đông người trước cổng trường tại một thời điểm.

Một số trường cũng đã tổ chức gặp gỡ, tập trung học sinh từ trước để tập huấn, tuyên truyền về các quy định phòng chống dịch, nhất là 5K, phương án ra vào trường…

Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong khi chờ đợi ngành y tế ban hành các quy định mới về cách xác định FO, F1 và hướng xử lý khi có việc này trong trường học, lớp học, thì các cơ sở giáo dục vẫn phải tiến hành theo các văn bản cũ do Sở đã hướng dẫn.

Khi toàn thể học sinh của thành phố đi học trở lại, Sở yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục bắt buộc phải có phòng dự trữ. Để khi xảy ra tình huống lớp học có F0, thì phải di chuyển số học sinh còn lại sang phòng dự trữ này, còn phòng cũ phải tổ chức phun khử khuẩn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Dương Trí Dũng lưu ý: Các trường cần tiếp tục thực hiện việc diễn tập khi phát hiện thấy có F0, để học sinh và giáo viên làm quen, chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra trong thực tế.

Những hoạt động này có thể diễn ra lồng ghép vào các hoạt động trong giờ chơi, tổ chức nhẹ nhàng, thoải mái, không gây hoang mang cho học sinh, giáo viên.

Lãnh đạo Sở này yêu cầu, các cơ sở giáo dục, trường học cần phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương, nhưng không làm thay nhiệm vụ chuyên môn của ngành y tế. Các trường không được thông tin bất cứ trường hợp nào nhiễm khi chưa có sự xác định của ngành y tế.

Việt Dũng