Kế hoạch năm học của Bộ hay thầy Bùi Nam đề xuất đều khó áp dụng đồng loạt

02/09/2021 08:00
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Kế hoạch năm học của Bộ hay kế hoạch năm học vừa được thầy Bùi Nam đề xuất cũng không thể áp dụng đồng loạt ở nhiều địa phương đang gồng mình chống dịch hiện nay

Dịch bệnh phức tạp sẽ không có một kế hoạch năm học giống nhau cho các địa phương

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã cho học sinh tựu trường và nếu không có gì thay đổi thì những nơi này sẽ kết thúc hoạt động giáo dục đúng như khung kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Nhiều tỉnh thành đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì ngày học sinh tựu trường vẫn chưa biết đến bao giờ (Ảnh minh họa Phan Tuyết)

Nhiều tỉnh thành đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì ngày học sinh tựu trường vẫn chưa biết đến bao giờ (Ảnh minh họa Phan Tuyết)

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tỉnh, thành phố hiện diễn biến dịch đang rất phức tạp, ngày tựu trường chính thức của học sinh cũng chưa thể biết đến khi nào. Đặc biệt chỉ trong một tỉnh mà mỗi huyện thị còn có diễn biến dịch bệnh khác nhau nên việc tựu trường của học sinh toàn tỉnh cũng sẽ không giống nhau.

Bởi vậy, khung thời gian kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay những đề xuất về phương án tổ chức kế hoạch năm học của thầy giáo Bùi Nam tham mưu cho Bộ Giáo dục cũng sẽ không thực hiện một cách đồng nhất cho nhiều địa phương.

Trước tình hình này, theo quan điểm của người viết thì Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy để cho từng địa phương tự quyết định khung kế hoạch năm học sao cho phù hợp nhất với tình hình của riêng mình trên yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho học sinh, đảm bảo chất lượng và hiệu quả giảng dạy.

Vì sao không thể áp dụng khung kế hoạch năm học cho những địa phương đang ảnh hưởng nặng nề về dịch bệnh?

Ví như hai tỉnh thành là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid mà vẫn chưa biết đến khi nào cuộc sống những người dân nơi đây mới trở lại bình thường.

Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có dự kiến dạy học online đến hết học kỳ I, thế nhưng vẫn chưa thể biết được sẽ có bao nhiêu học sinh có thể tham gia do rất nhiều nguyên nhân.

Sẽ có em gia đình đang ở khu cách ly, đang ở các bệnh viện điều trị bệnh. Có em, gia đình ở nhà nhưng cũng đang là bệnh nhân.

Có những em, gia đình không có phương tiện học, không máy vi tính, không điện thoại thông minh mà chỉ có cái điện thoại cùi bắp dùng để liên lạc. Hay cũng sẽ có em, đang ở quê tránh dịch cũng không có điều kiện để theo học oline..

Còn tại tỉnh Bình Thuận, học sinh tại huyện đảo Phú Quý (nơi chưa có dịch) và một số huyện thị khác ít bị ảnh hưởng dịch sẽ khai giảng năm học sớm hơn. Riêng thị xã La Gi, nơi tỷ lệ các ca F0 đã lên đến hơn 1% trên số dân của thị xã và số người bị dương tính vẫn đang tăng từng ngày thì việc khai giảng năm học mới vẫn chưa biết đến khi nào.

Nhà trường cũng sẽ triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, tuy thế hiệu quả mang lại chắc chắn không cao đối với học sinh tiểu học.

Nói thế để thấy rằng, dù là kế hoạch năm học của Bộ (đã cho phép du di 15 ngày) hay kế hoạch năm học vừa được đề xuất cũng không thể áp dụng đồng loạt ở nhiều địa phương đang gồng mình chống dịch hiện nay.

Làm gì để các trường đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập cho những địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?

Không có một kế hoạch dạy học chuẩn nào để áp dụng cho các địa phương lúc này mà hãy để họ tự điều chỉnh sao cho phù hợp. Có điều, không áp dụng khung kế hoạch năm học, sẽ dẫn đến tình trạng nơi kết thúc năm học sớm, nơi sẽ khá trễ. Vì vậy, Bộ Giáo dục cần có những chỉ đạo cụ thể.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục giao quyền tự chủ tổ chức năm học cho các sở giáo dục, từ các sở sẽ giao quyền cho các huyện thị tự điều tiết sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình.

Thứ hai, khuyến khích những tỉnh thành bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh sẽ lùi năm học mới và thay đổi thời gian nghỉ hè của giáo viên, học sinh.

Ví như cứ xem thời gian này là thời gian nghỉ hè của năm học tới, thời gian hè chính thức (tháng 6, 7, 8) các em vẫn sẽ học cho đến khi kết thúc chương trình.

Thứ ba, kết hợp thi và xét vào lớp 10. Bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh vào 10 với những trường học không có sự cạnh tranh đầu vào, chỉ nên tập trung kỳ thi vào những trường có đông học sinh tham gia thi.

Thứ tư, chia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ít nhất làm 2 đợt và có kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ. Những địa phương tổ chức học đúng thời gian quy định của Bộ thì vẫn đảm bảo kỳ thi của đợt I. Những địa phương học sau, sẽ tổ chức cho học sinh thi tốt nghiệp vào đợt 2.

Thứ năm, quy định xét tuyển vào đại học cũng ít nhất chia thành 2 đợt để những học sinh tại vùng bị ảnh hưởng dịch sẽ dự thi và xét tuyển vào đợt 2.

Có như thế, các địa phương đang bị dịch bệnh sẽ không nóng vội tổ chức dạy và học online một cách ồ ạt dù biết không thực sự hiệu quả, cũng như không để xảy ra tình trạng cắt xén chương trình để đuổi kịp các mốc thời gian như quy định dẫn đến chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng.

Phan Tuyết