Kết quả khảo sát thú vị về việc học sinh thành phố Hồ Chí Minh làm thêm

12/05/2021 06:45
Phan Thế Hoài – Phạm Bùi Thiên Trúc – Nguyễn Thị Khánh Trâm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi học sinh đi làm thêm, gia đình, nhà trường phải luôn nhắc nhở, giám sát để vừa giúp các con em hoàn thành tốt việc học ở trường vừa có thể làm thêm phù hợp.

Khảo sát 1704 học sinh của một trường trung học phổ thông ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, có 247 học sinh hiện đang đi làm thêm, chiếm tỉ lệ 22,99% (nam 43,31%; nữ 56,68%).

Lợi ích của việc làm thêm sớm

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số học sinh đi làm thêm để có tiền chi tiêu cho bản thân (73%); mua quần áo (14%); đóng tiền học (3,5%); mua điện thoại (2,5%) – góp phần đỡ đần cho cha mẹ, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.

Lứa tuổi học sinh trung học phổ thông muốn độc lập tài chính là lý do khiến các bạn trẻ đi làm thêm. Một phần cũng vì bản thân tò mò xem mình có làm được trò gì không và hơn nữa, cảm giác “nhận lương” cũng rất hấp dẫn.

Học sinh đi làm thêm vì muốn được trải nghiệm (7%). Học sinh đã trưởng thành và muốn tự khẳng định bản thân, đi làm để học hỏi tích lũy kinh nghiệm, điều này hoàn toàn không sai.

Công việc phục vụ ở các nhà hàng tiệc cưới, quán cà phê được nhiều học sinh lựa chọn nhất (32,25%). Các bạn cho biết, mỗi buổi đi phục vụ đám cưới được trả trung bình từ 100 đến 150 ngàn đồng – cũng tạm trang trải cho chi tiêu cá nhân.

Tiếp đến là công việc thời vụ, đa số học sinh đi làm vào thời điểm nghỉ lễ, nghỉ hè (28%). Việc làm thời vụ sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến thời gian học tập nếu học sinh tìm và đi làm vào thời gian nghỉ hè nên cần được khuyến khích.

Bán hàng online cũng được nhiều học sinh của trường lựa chọn (23,8%). Công việc này tự do, thời gian linh động, mặt hàng kinh doanh thường phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Ngoài ra, học sinh đi làm thêm cũng giúp cho các bạn có cơ hội tiếp xúc nhiều với xã hội hơn. Các bạn phải học cách quản lý thời gian, tính kỷ luật cao, kiên nhẫn, có trách nhiệm với công việc cũng như bản thân hơn.

Học sinh đi làm thêm sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng xử, giao tiếp, gia tăng các mối quan hệ xã hội, tạo cơ hội phát triển bản thân.

Báo Dân trí cho biết, khi sinh viên đi phỏng vấn, doanh nghiệp chỉ dành một phần nhỏ, khoảng 25% quan tâm đến bằng cấp, trường học của ứng viên. Họ chú trọng nhiều đến khả năng giao tiếp và thái độ của ứng viên đó như thế nào, nhưng xử sự trong các mối quan hệ của sinh viên ra trường hiện nay rất yếu. [1]

Làm thêm giúp học sinh hiểu biết được giá trị, tầm quan trọng của đồng tiền để thương yêu, quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn.

Đặc biệt, học sinh đi làm thêm cũng giảm bớt tình trạng nghiện điện thoại (mạng xã hội, game…). Những người nghiện game, đặc biệt là giới trẻ, có thể bị suy giảm sức khỏe thể chất và tâm lý, sao nhãng học hành, công việc, xa rời các quan hệ gia đình, xã hội, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều sự việc đau lòng xuất phát từ nghiện game đã xảy ra.

Như thế, nếu học sinh không thử đi làm, không bắt tay vào việc thì sẽ không biết khó khăn có “hình dạng” ra sao và sau này, ít nhiều bạn cũng sẽ mau chán nản mà “thất nghiệp” (có 13% học sinh không đi làm thêm vì thiếu tự tin).

Một số tác hại của việc làm thêm sớm

Học sinh đi làm thêm sớm cũng có những tác hại nhất định. Đó là, đi làm thêm để có tiền chi tiêu (73%) - có thể khiến học sinh đòi về vật chất, trong khi ở lứa tuổi này, việc học là quan trọng hơn cả.

Một số tác động tiêu cực khi học sinh đi làm thêm. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Một số tác động tiêu cực khi học sinh đi làm thêm. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Học sinh đi làm thêm có thể bị một số tác động tiêu cực như việc tìm kiếm thông tin qua mạng (33,6%) có thể bị lừa tiền môi giới và thực tế cũng đã có một số học sinh của trường bị lừa.

Đa số học sinh đi làm bằng xe gắn máy (67,9%) là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông vì học sinh chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe.

Hầu hết học sinh đi xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên là vi phạm khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 [2].

Nếu cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt thì học sinh bị xếp hạnh kiểm loại Yếu theo quy định.

Nhiều học sinh đi làm thêm chịu nhiều sự bất công, dày vò trong công việc, dễ bị bắt nạt, chèn ép (17%). Ví như làm nghề giao hàng dễ bị “bom hàng” (khách từ chối nhận hàng), mua hàng kém chất lượng…), bị dụ bán hàng đa cấp, thậm chí bị bạo lực vì tranh giành khách hàng.

Bị áp lực tâm lý nếu khó khăn không tìm được cách giải quyết. Thực tế có 17,6% học sinh cảm thấy lo lắng; 16,1% bị mặc cảm và 7% nghỉ ngang việc (có thể bị trừ lương hoặc mất tiền lương).

Đặc biệt, thời gian làm thêm ảnh hưởng đến việc học hành, sức khỏe… của học sinh. Khảo sát cho thấy, học sinh thiếu ngủ, mệt mỏi, áp lực (44,7%); không có thời gian vui chơi, giải trí: 33,4%; thiếu thời gian học: 18%; không được gần gũi gia đình: 6,45%.

Cá biệt, qua khảo sát có một số học sinh dùng tiền làm thêm để nạp tiền chơi game – cũng là việc sử dụng đồng tiền không đúng mục đích.

Phỏng vấn chuyên sâu về thực trạng làm thêm của học sinh, chúng tôi được biết có một số trường hợp làm thêm những công việc nhạy cảm, gặp những khó khăn nhất định.

Chẳng hạn như, một nữ sinh lớp 11 làm thêm bằng việc vẽ hình theo yêu cầu. Mất từ 4 đến 5 tiếng cho một tác phẩm, làm vào lúc rảnh, thu nhập 250 ngàn đồng/tác phẩm trắng đen; 350 ngàn đồng/tác phẩm màu; 1 triệu đồng/tác phẩm có cảnh nóng (sex).

Cần biết rằng, vẽ tranh sex là vi phạm Điều 326 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và sẽ bị xử lí như sau:

“Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (trích):

b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.…”[3]

Thay lời kết

Qua phân tích lợi ích và tác hại của việc học sinh đi làm thêm, chúng tôi đưa ra một số đề xuất sau đây.

Thứ nhất, học sinh đi làm thêm phải được ba mẹ, người thân đồng ý, bởi các bạn phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình.

Thứ hai, không nên làm việc ôm đồm, cần phân chia thời gian hợp lý để đảm bảo việc học không bị ảnh hưởng. Ở lứa tuổi này việc học vẫn là việc quan trọng nhất, không nên đánh đổi sức khỏe, thời gian làm ảnh hưởng đến học tập, thi cử và tương lai sau này.

Thứ ba, cần chọn lựa công việc phù hợp với bản thân mình, tìm việc ở những địa chỉ tin cậy và phải được sự đồng ý của gia đình. Phụ huynh nên đồng hành cùng con, hướng dẫn con em cách chi tiêu tiền hợp lý.

Thứ tư, học sinh làm những công việc thiếu an toàn, nhạy cảm nên dừng lại đúng lúc bởi môi trường, việc làm ảnh hưởng đến nhiều sức khỏe, dễ sa vào tệ nạn, thậm chí vi phạm pháp luật là điều không ai cổ xúy.

Thứ năm, học sinh nên chọn những thời điểm như kỳ nghỉ hè hay nghỉ lễ để đi làm. Khi tìm được một công việc phù hợp với thời gian thì các bạn nên xem xét kỹ về loại công việc và khả năng bạn có thể đảm nhận được hay không.

Tóm lại, khi học sinh đi làm thêm, gia đình, nhà trường phải luôn nhắc nhở, giám sát để vừa giúp các con em hoàn thành tốt việc học ở trường vừa có thể làm thêm phù hợp với điều kiện của từng em.

Tài liệu tham khảo:

[1] //dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/sinh-vien-ra-truong-giao-tiep-yeu-qua-1381001035.htm

[2] //luatvietnam.vn/tin-phap-luat/hoc-sinh-cap-3-duoc-phep-di-xe-may-230-16395-article.html

[3] //luatminhgia.com.vn/hoi-dap-hinh-su/kinh-doanh-dich-vu-van-hoa-pham-doi-truy-qua-internet-co-bi-xu-ly-hinh-su-khong-.aspx

Phan Thế Hoài – Phạm Bùi Thiên Trúc – Nguyễn Thị Khánh Trâm