Khi giáo viên trở thành “nhà báo”

21/06/2021 06:26
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi thường bắt gặp nhiều trang diễn đàn lấy bài từ Tạp chí với hàng ngàn bình luận, hàng trăm ngàn lượt chia sẻ mới thấy sự quan tâm của bạn đọc rất lớn.

Khi giáo viên trở thành “nhà báo”

Hiện nay, viết báo đã trở thành một nghề tay trái của nhiều thầy cô giáo. Có muôn vàn lý do để giáo viên chạm ngõ làng báo. Trước hết viết bài gửi báo là để được thỏa chí đam mê viết lách, được nói lên chính kiến của mình trước những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đang có rất nhiều cộng tác viên là những thầy cô giáo (Ảnh chỉ minh họa, nguồn: infonet.vn)

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đang có rất nhiều cộng tác viên là những thầy cô giáo

(Ảnh chỉ minh họa, nguồn: infonet.vn)

Cùng với đó, được truyền tải những thông tin của ngành đến với bạn đọc nhiều hơn, được bày tỏ những khát khao, ước vọng của đồng nghiệp, được lên án những cái xấu, những bất cập còn tồn tại với mong muốn có được một nền giáo dục tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, khi thầy cô giáo đang đứng lớp trực tiếp viết bài về các hoạt động giáo dục sẽ góp phần lan tỏa được những tấm gương hiếu học, những nghịch cảnh của cuộc sống cần được giúp đỡ, những hình ảnh tận tụy, những hy sinh thầm lặng của những người thầy đối với học sinh.

Nhiều bạn đồng nghiệp đã dành những cụm từ ưu ái để gọi những nhà báo không chuyên vẫn hàng ngày đứng trên bục giảng như vậy là “nhà báo nhân dân” .

Lợi thế khi nhà giáo viết báo

Giáo viên viết báo, gần như chủ đề chính là lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nếu xét về nghiệp vụ báo chí, chắc chắn sẽ rất non so với nhiều phóng viên chuyên nghiệp.

Bởi, các thầy cô giáo không có kiến thức và kỹ năng về viết tin, bài, về kỹ năng tác nghiệp, giáo viên chỉ có niềm đam mê nên những bài viết thường ngẫu hứng, thích gì viết đó, thấy gì phản ánh lại.

Tuy thế, giáo viên sẽ có nhiều lợi thế khi hiểu quá rõ về lĩnh vực giáo dục mà không ít phóng viên chuyên nghiệp vẫn thiếu. Do “ở trong chăn” nên các thầy cô giáo biết rõ “chăn có rận” đến mức nào.

Họ hiểu hết những chuyện “thâm cung bí sử” trong ngành mà người ngoài sẽ ít hoặc chẳng bao giờ biết được.

Vì thế, những bài viết phản ánh về thực trạng giáo dục mang đầy hơi thở cuộc sống, luôn sâu sát thực tế, luôn đưa ra ánh sáng những mặt trái, tồn tại, bất cập mà có một bộ phận lãnh đạo trong ngành luôn tìm cách để che đậy lại.

Đã từng có hiệu trưởng khi đọc được những bài viết đã phải thốt lên: “Người viết cứ y như ma xó, lẽ nào nhà báo này lại là giáo viên vì biết đến từng chân tơ kẽ tóc của ngành?”.

Ví như, khi phản ánh về tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, giáo viên là người biết rõ một số đồng nghiệp của mình đã và đang dùng những thủ đoạn nào, những "bí kíp" gì để buộc học sinh phải đến lớp học thêm dù các em không muốn học.

Hay những “bí kíp” để hoàn thành xuất sắc mục tiêu, để các mục tiêu năm này luôn cao hơn năm trước như kinh nghiệm “cấy”, “sạ” điểm, như mớm bài, nhá bài để cả lớp “vượt vũ môn”.

Hoặc phía sau những bảng thành tích chói lọi của trường, của cá nhân điển hình nào đó sẽ là khoảng tối mà người ngoài chẳng dễ gì thấy được. Vì thế, đã có hiệu trưởng nhắc nhở rằng đừng vạch áo để người khác thấy lưng, cần học câu “đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”.

Điểm tựa của giáo viên yếu thế

Nhà giáo viết báo cũng là điểm tựa, là cầu nối để những giáo viên yếu thế dựa vào. Một lần nhận được lời kêu cứu của một số đồng nghiệp ở một huyện miền núi tỉnh Nghệ An thế này:

Cô ơi! Giúp nhà em với! Mỗi tuần nhà em phải soạn gần 30 cái giáo án viết bằng tay. Đi dạy suốt cả ngày, về đến nhà nấu ăn qua loa là nhà em phải ngồi vào bàn chép giáo án đến tận 1, 2 giờ mới dám đi ngủ.

Ngày Chủ nhật cũng chẳng dám đi đâu mà ngồi suốt cả ngày, nếu một ngày không chép (chừng 6 giáo án) sẽ không thể nào chép kịp. Nếu không thế, kiểm tra bất ngờ sẽ bị xếp loại không đạt.

Hay, có giáo viên chia sẻ bản thân bị hiệu trưởng trù dập khi không làm theo những chỉ đạo sai của cấp trên. Bao nhiêu năm kiện thưa nhưng cuối cùng thiệt thòi bản thân vẫn phải gánh chịu.

Vì là người trong nghề nên dễ dàng đồng cảm, thấu hiểu những nổi khổ mà đồng nghiệp đang gặp phải. Chúng tôi đã liên hệ với tòa soạn để được tư vấn, hướng dẫn cách tiếp cận sự việc nhằm phản ánh một cách trung thực nhất để bảo vệ đồng nghiệp.

Những phản biện của chính đội ngũ nhà giáo trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã giúp cho Bộ Giáo dục có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng giáo dục

Lớn hơn thế, là những bài viết mang nặng những lo toan, những trăn trở về nghề, những phản biện về chính sách giáo dục chưa thật sự hợp lý, những bất cập về một số mô hình dạy học, phương pháp giáo dục, những góc khuất của việc thu chi tự nguyện ở nhà trường.

Hay gần đây nhất, là những phản biện về chương trình, về sách giáo khoa, về những tiêu cực trong đào tạo, thi cử, văn bằng…

Mỗi bài viết được mổ xẻ, dẫn chứng đầy đủ, rõ ràng, được soi vào thực tế giáo dục để thấy được những điểm hay, những điều còn bất cập với mong muốn góp thêm tiếng nói từ cơ sở để cấp trên nhìn nhận một cách toàn diện để có những điều chỉnh hợp lý hơn.

Cũng nhờ nhiều bài viết của “nhà báo không chuyên” là các thầy cô giáo trên khắp các diễn đàn, nhiều thông tư, văn bản đã được chỉnh sửa kịp thời phù hợp với thực tiễn giáo dục. Điển hình phải kể đến, khi Thông tư 30 ra đời về việc đánh giá, xếp loại học sinh bậc tiểu học.

Đã có hàng chục bài viết phản ánh về những bất cập khi thực hiện Thông tư 30 của các nhà giáo gửi đăng ở Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam) đã góp phần thay thế Thông tư 30 bằng Thông tư 22.

Hay như việc, giáo viên buộc phải học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong khi giảng dạy, chẳng bao giờ phải dùng đến một chữ ngoại ngữ làm gì. Cũng vì không phải dùng ngoại ngữ để dạy nên ít người học ngoại ngữ.

Bởi thế, muốn có được chứng chỉ phải đi đường vòng. Và, chợ buôn bán chứng chỉ ra đời để giáo viên mua về kẹp hồ sơ.

Sau hàng trăm bài viết của các nhà giáo bóc trần việc này thì cho đến nay, 2 chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã được bỏ.

Niềm vui, lòng biết ơn khi tìm được tờ báo phù hợp để cộng tác

Bản thân người viết là giáo viên đang đứng lớp, bắt đầu tập viết báo từ năm 2013, tôi đã từng cộng tác với gần hai chục tờ báo, tạp chí từ trung ương đến địa phương.

Cuối năm 2014, sau những bài viết đầu tiên gửi về tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã được chọn đăng và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc.

Đặc biệt là những góp ý của lãnh đạo, của Ban biên tập tòa soạn để những bài viết sau hoàn thiện hơn.

Cũng nhờ được rèn thêm về nghiệp vụ báo chí qua những góp ý chân tình ấy, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều. Những vụng về trong câu chữ, trong cách diễn đạt, cách xử lý tình huống trong từng bài viết ngày một ít đi.

Nhờ đó, những “đứa con tinh thần” ngày một xuất hiện nhiều trên mục Giáo dục 24H, đến độ không ít lần được bạn đọc là chính các đồng nghiệp trên khắp mọi miền nhầm tưởng chúng tôi là nhà báo chuyên nghiệp.

Phải nói rằng những bài viết của nhiều nhà giáo được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.

Hằng ngày, lướt trên facebook chúng tôi vẫn thường bắt gặp nhiều trang diễn đàn lấy bài từ Tạp chí (nhưng thay tên đổi họ và xóa nguồn) với hàng ngàn bình luận, hàng trăm ngàn lượt chia sẻ mới thấy được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc.

Mục tiêu của tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam luôn đồng hành cùng các nhà giáo vì một nền giáo dục tiến bộ, nhân bản. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, người viết xin gửi đến Ban lãnh đạo tòa soạn, Ban biên tập và tập thể cán bộ, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lời cảm ơn chân thành nhất.

Chúng tôi vẫn phải luôn cố gắng hết mình để những bài viết đến với bạn đọc hoàn chỉnh và chân thật nhất.

Phan Tuyết