Khởi động Chương trình "Ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường - Lab2Market"

10/07/2021 09:47
Lan Anh - Vân Ánh - Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tham gia có 14 nhóm trong các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ chăm sóc sức khỏe, vật liệu mới, công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh, năng lượng và môi trường.

Ngày 9/7, tại Hà Nội đã diễn ra buổi lễ khởi động Chương trình Ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường Lab2Market.

Tham dự buổi lễ có đại diện nhà trường, Tiến sĩ Phùng Lan Hương – Trưởng phòng Hợp tác Đối ngoại, trường đại học Bách khoa Hà Nội và các đại diện của đơn vị tổ chức là ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc công ty BK Holding (trực thuộc trường đại học Bách khoa Hà Nội) và bà Hứa Thùy Trang, Giám đốc dự án BK Holding. Ngoài ra, sự góp mặt đông đủ của các đơn vị đồng tổ chức, các nhà tài trợ và 14 đội thi cũng đã làm cho buổi lễ diễn ra sôi nổi.

Tại buổi lễ khởi động, các nhóm sẽ có thời gian 3 phút để thuyết trình cho các đề tài của mình. Mục đích của Chương trình Lab2Market là để các nhóm có cơ hội làm nổi bật các đề tài mình đang thực hiện, thông qua chương trình thì có thể gọi vốn từ các nhà đầu tư để đưa các đề tài của mình ứng dụng vào thực tiễn.

Tiến sĩ Phùng Lan Hương – Trưởng phòng Hợp tác Đối ngoại, trường đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trung Dũng

Tiến sĩ Phùng Lan Hương – Trưởng phòng Hợp tác Đối ngoại, trường đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trung Dũng

Tham gia vào chương trình này, 14 nhóm sẽ có cơ hội để chia sẻ nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau nằm trong các lĩnh vực như: Khoa học và công nghệ chăm sóc sức khỏe, vật liệu mới, công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh, năng lượng và môi trường bền vững.

Trong đó, lĩnh vực Khoa học và công nghệ chăm sóc sức khỏe được các nhóm tham gia nhiều nhất với 6 đề tài khác nhau. Cụ thể có: “Ứng dụng Nano trong lĩnh vực Y dược, Nông nghiệp và Công nghiệp”, “N2TP - Giải pháp các thể hóa chăm sóc sức khỏe”, “Dipermin - thực phẩm bảo vệ sức khỏe hoàn toàn từ thảo dược giúp trị chứng khó tiêu và hội chứng ruột kích thích”.

Đồng thời, dự án “phát triển hệ thống phân tích tự động AutoLamp Sys phục vụ công tác chuẩn đoán đa nhiệm các bệnh truyền nhiễm tại hiện trường” và dự án “phát triển sản phẩm Probiotics nguyên liệu gốc” nằm trong lĩnh vực này cũng được các đội thi trình bày rất thuyết phục.

Về lĩnh vực vật liệu mới có 4 đề tài, bao gồm: “Giải pháp Topbase gia cố nền đất yếu cho xây dựng công trình nhà”, “RARE - sơn bức xạ bề mặt ngoài trời”, “đèn Led có độ phân bố đồng đều cao trên diện tích cần chiếu sáng”, “thiết bị xử lý nước thải và hệ thống thu gom và xử lý nước thải kết hợp thoát nước mưa”.

Còn trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh nổi bật lên với 3 đề tài: “Thiết bị đo rò rỉ từ thông phát hiện khuyết tật bên trong sắt thép theo phương pháp không phá hủy”, “Anhome - Giải pháp thiết bị thông minh” và “SETS - Sàn giao dịch tín chỉ cacbon thông minh”.

Duy nhất trong lĩnh vực năng lượng và môi trường bền vững với 1 đề tài là “giải pháp tổng thể thu gom, xử lý chất thải bảo vệ môi trường cho đô thị và khu dân cư”.

Phát biểu tại buổi lể, Tiến sĩ Phùng Lan Hương – Trưởng phòng Hợp tác Đối ngoại, trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Phòng Hợp tác Đối ngoại nắm vai trò là nhà phát triển và kết nối các đối tác của trường với các doanh nghiệp, cũng như các trường quốc tế. Hôm nay, là cơ hội để các nhóm dự thi được trình bày kết quả nghiên cứu. Thông qua các đơn vị báo chí, truyền thông, chúng tôi mong muốn các dự án sẽ tìm được các nhà đầu tư có tâm và có tầm để sớm đưa dự án vào thực tiễn. Hy vọng các nhóm tham gia sẽ đạt được nhiều thành công trong giai đoạn sắp tới”.

Đơn vị tổ chức, nhà tài trợ cùng đại diện 14 nhóm dự thi chụp ảnh lưu niệm tại buổi khởi động chương trình. Ảnh: Trung Dũng

Đơn vị tổ chức, nhà tài trợ cùng đại diện 14 nhóm dự thi chụp ảnh lưu niệm tại buổi khởi động chương trình. Ảnh: Trung Dũng

Đồng thời, bà Hứa Thùy Trang – Giám đốc dự án BK Holding, đại diện đơn vị tổ chức chính của chương trình cũng bày tỏ: “Ban tổ chức đã rất nỗ lực làm việc với các nhóm trong việc sáng chế các sản phẩm công nghệ để kết nối với các đối tác. Chúng tôi cũng đã tiếp những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, họ sẵn sàng tìm hiểu về các sáng chế của các nhóm tham gia. Chúng tôi hy vọng mình sẽ là cánh tay nối dài, đưa sáng chế đến với các nhà đầu tư và sản phẩm được đưa vào đời sống nhiều hơn”.

Được biết, Lab2market là chương trình “Ươm tạo” đầu tiên tại Việt Nam giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu hàng đầu của các nhóm theo tiêu chuẩn quốc tế. Lộ trình ươm tạo của Lab2Market sẽ diễn ra trong 3 tháng ứng với 3 giai đoạn (mỗi giai đoạn kéo dài trong 1 tháng).

Trong đó, giai đoạn 1 sẽ là tối ưu hóa sản phẩm, giai đoạn 2 là tối ưu hóa mô hình kinh doanh và giai đoạn 3 mới gọi vốn. Buổi lễ “Khởi động Chương trình Ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường Lab2Market” chỉ mới là sự kiện mở đầu cho một chuỗi chương trình sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới.

Lan Anh - Vân Ánh - Trung Dũng