Không có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, dạy Nội dung giáo dục địa phương kiểu gì?

14/04/2022 06:45
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phân môn Âm nhạc và Mĩ thuật nằm trong Nội dung giáo dục địa phương và đây là hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp trung học phổ thông trong chương trình mới.

Năm học 2022-2023 tới đây, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được thực hiện ở lớp 10 nhưng ngay từ bây giờ nhiều ý kiến lo lắng về những môn học mới, tổ hợp mới, rồi cả chuyện môn học, hoạt động bắt buộc, tự chọn… ở cấp học này cũng không hề đơn giản.

Điều lo lắng của nhiều người cũng không có gì khó hiểu bởi đây là năm đầu tiên các trường trung học phổ thông trên cả nước triển khai thực hiện chương trình mới mà cấp học này lại có những môn học, hoạt động, cách thực hiện khác nhiều so với trước đây.

Ngay cả như Nội dung giáo dục địa phương ở cấp trung học phổ thông tới đây cũng là một chuyện không hề dễ triển khai đối với các nhà trường - cho dù đây là hoạt động bắt buộc bởi đến thời điểm này thì nhiều địa phương đang lo lắng không tuyển dụng được giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật.

Trong khi, phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật nằm trong Nội dung giáo dục địa phương và đây là hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp trung học phổ thông.

Nội dung giáo dục địa phương sẽ có phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nội dung giáo dục địa phương sẽ có phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Khi Nội dung giáo dục địa phương là hoạt động giáo dục bắt buộc

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đã ban hành thì cấp trung học phổ thông sẽ có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, có 2 môn học tự chọn, đó là: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ngoài ra, học sinh có thể chọn 5 môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Chính vì thế, sẽ có hơn 100 cách chọn tổ hợp môn học đối với học sinh lớp 10 khi học chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhìn vào các môn học bắt buộc có lẽ mọi người cũng sẽ đồng tình vì đây là 3 môn học quan trọng đối với tất cả các cấp học. Tuy nhiên, các hoạt động bắt buộc thì không phải là ai cũng sẽ đồng tình và khó tránh khỏi những băn khoăn khác nhau.

Đặc biệt là đối với Nội dung giáo dục địa phương, cho dù ai cũng biết đây là hoạt động: “nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…”.

Và, theo định hướng và các địa phương đã triển khai ở cấp trung học cơ sở thì Nội dung giáo dục địa phương sẽ bao gồm các phân môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Nhưng, cách triển khai giảng dạy, đánh giá kết quả học tập đối với Nội dung giáo dục địa phương ở cấp trung học cơ sở trong năm học này đang có phần tự phát và chưa định hình được phương pháp, cách thức thực hiện.

Chính vì thế, đây vẫn là nội dung …dạy và học cho có ở nhà trường phổ thông chứ chưa có sự đầu tư như tên gọi và vai trò của nó.

Bởi, nếu có đầu tư nghiêm túc, khoa học, xem Nội dung giáo dục địa phương là quan trọng, là “hoạt động bắt buộc” thì không có chuyện 35 tiết dạy/ 1 năm học mà có tới 6 giáo viên của 6 môn học cùng giảng dạy với nhau.

Lúc kiểm tra thường xuyên thì thực hiện riêng nhưng khi kiểm tra định kỳ, vào điểm, nhận xét kết quả học tập của học sinh thì giáo viên… làm chung.

Trong khi, các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đứng riêng thì kết hợp giữa cho điểm và đánh giá, còn khi gộp chung vào Nội dung giáo dục địa phương thì lại chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét (Đạt; Chưa đạt) như môn Âm nhạc và Mĩ thuật.

Vậy, Bộ đưa Nội dung giáo dục địa phương thành hoạt động giáo dục bắt buộc chúng tôi thấy… hơi phí, vì nó chưa thể hiện được vai trò quan trọng so với các môn học bắt buộc khác.

Giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật chưa có thì dạy Nội dung giáo dục địa phương bằng cách nào?

Khi Bộ chủ trương đưa môn Âm nhạc và Mĩ thuật vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông tất nhiên việc đầu tiên là các trường học sẽ phải tuyển dụng nhân sự cho các môn học này.

Cho dù là các trường tuyển dụng theo định mức biên chế hay ký hợp đồng có thời hạn thì các trường phải có giáo viên các môn học này mới có thể triển khai một số môn học mới.

Thời gian qua, nhiều bài viết, nhiều ý kiến thể hiện sự băn khoăn khi giáo viên 2 môn học này thiếu và nếu tuyển đủ giáo viên thì những học sinh đăng ký 2 môn học này có thể không nhiều vì đây là những môn học năng khiếu và ít khối thi (xét tuyển) đại học.

Nhưng, chúng tôi cho rằng chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ rất cần giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật và tất cả học sinh cấp trung học phổ thông đều phải học Âm nhạc và Mĩ thuật chứ không đơn thuần là chọn 1 môn trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật) để thành tổ hợp học và thi.

Bởi, nếu chúng ta chỉ đọc qua ý này, nhiều người cho rằng học sinh có thể không cần học Âm nhạc, Mĩ thuật mà có thể các em lựa chọn môn Công nghệ hoặc Tin học là đủ với yêu cầu và tổ hợp mình lựa chọn.

Nhưng… Nội dung giáo dục địa phương là 1 trong 7 môn học và hoạt động bắt buộc ở cấp trung học phổ thông, mà trong Nội dung giáo dục địa phương sẽ có 2 phân môn Âm nhạc và Mĩ thuật.

Vì thế, dù muốn, dù không thì tất cả học sinh đều phải học Âm nhạc, Mĩ thuật vì nó là phân môn của Nội dung giáo dục địa phương vì Nội dung giáo dục địa phương là bắt buộc thì học sinh phải học, không có cách nào né tránh hay chối bỏ nó.

Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là năm học 2022-2023 chính thức bắt đầu và đây là năm đầu tiên cấp trung học phổ thông triển khai chương trình mới. Các địa phương, các nhà trường đang loay hoay tìm nguồn tuyển giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật nhưng đây là 2 môn học rất khó tuyển.

Nhưng, nếu không tuyển được giáo viên 2 môn học này thì không chỉ học sinh có ý định theo tổ hợp trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật gặp khó mà các trường lấy đâu giáo viên để triển khai dạy Nội dung giáo dục địa phương?

Chẳng lẽ môn học (hoạt động) bắt buộc mà nhà trường lại không dạy cho học trò hoặc dạy 4 phân môn có giáo viên còn 2 phân môn không có giáo viên thì bỏ ra? Một bài toán khó cho các nhà trường và rất khó tìm lời giải trong bối cảnh năm học đã đến gần!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH