Không có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, các trường chọn sách giáo khoa kiểu gì?

12/04/2022 07:04
Đặng Lường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tổ chức giảng dạy 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật trong Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10, một số địa phương khó thực hiện vì chưa có giáo viên.

Theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khi trao đổi với lãnh đạo của nhiều trường trung học phổ thông trên toàn quốc cho thấy, năm học tới đây khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 sẽ gặp nhiều khó khăn trong bố trí giáo viên và chắc chắn xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ do có quá nhiều tổ hợp ở các môn tự chọn.

Các môn tự chọn thuộc 3 nhóm gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Tuy nhiên đội ngũ giáo viên 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn là nỗi băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo các trường trung học phổ thông.

Ảnh minh họa: nguồn Báo Tuyên Quang

Ảnh minh họa: nguồn Báo Tuyên Quang

Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông (đề nghị không nêu tên) tại Mê Linh, Hà Nội cho biết, cả hệ thống giáo dục trung học phổ thông trên toàn quốc cùng đổ xô thuê giáo viên thì thực sự không có nguồn cung nào đáp ứng nổi, thậm chí dẫn tới việc giáo viên 2 môn Mỹ thuật, Âm nhạc trở thành hợp đồng đắt hàng.

Mặt khác, các trường đào tạo sinh viên Âm nhạc, Mỹ thuật như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trường Đại học Mỹ thuật nếu muốn dạy trung học phổ thông thì phải có chứng chỉ sư phạm. Tuy nhiên đến nay nhà trường mới chuẩn bị thuê trong khi theo quy định cứ dạy học là phải có nghiệp vụ sư phạm, do đó làm sao giáo viên kịp học nghiệp vụ nhất là khi quỹ thời gian chuẩn bị cho năm học mới không còn nhiều.

“Đơn cử như các môn Lịch sử, Địa lý, Công nghệ… đã có trường đào tạo nhân lực từ lâu, tuy nhiên đến nay tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra dẫn tới việc không thuê được, vậy đối với 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ thuê như thế nào.

Các trường chưa có giáo viên thì cũng không biết chọn sách Âm nhạc, Mỹ thuật như thế nào, các thầy cô khác thì không có chuyên môn để đảm nhận nhiệm vụ này làm sao biết được sách nào hay”, vị Hiệu trưởng này cho biết.

Cùng vấn đề này cô Trần Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Khai (Quốc Oai, Hà Nội) nêu quan điểm, việc tổ chức dạy 2 môn học Âm nhạc, Mỹ thuật phụ thuộc vào điều kiện các trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhu cầu của học sinh…

“Nếu thuê hợp đồng trước mỗi môn 2 giáo viên mà khi vào năm học rất ít học sinh lựa chọn môn học thì giáo viên không có lớp dạy. Nhưng nếu thuê mỗi môn 1 giáo viên trước lại sợ các em đăng ký môn này đông thì không đủ giáo viên, lúc đó không biết lấy nguồn giáo viên ở đâu. Chưa kể, thời điểm này nhà trường đang tìm giáo viên để làm hợp hợp đồng nhưng vẫn chưa tìm được”, cô Thủy băn khoăn.

Theo cô Thủy không chỉ khó khăn trong khâu tìm kiếm giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật mà triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới có quá nhiều tổ hợp lựa chọn cho học sinh cũng là một thách thức lớn về đội ngũ giáo viên.

“Trước mắt nhà trường xây dựng kế hoạch đưa ra 5 tổ hợp để các em lựa chọn dựa trên tinh thần định hướng của nhà trường, còn làm đúng theo ý nghĩa của chương trình tính ra có hơn 100 tổ hợp thì rất khó”, cô Thủy chia sẻ.

Cùng tâm tư này, thầy Nguyễn Minh Châu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, việc thuê được giáo viên hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức lương hợp đồng với giáo viên, nếu trả lương mức thấp quá người ta sẽ không dạy, trả lương cao thì nhà trường khó có khả năng đáp ứng.

Ghi nhận tại tỉnh Yên Bái, Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã chỉ đạo về các trường khảo sát học sinh lớp 12 các năm học trước trong việc lựa chọn tổ hợp thi xét tuyển đại học.

Kết quả khảo sát cho thấy đa số học sinh ở các trường lựa chọn tiếng Anh và tổ hợp Khoa học xã hội khoảng 70% còn 30% học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, trong nhiều năm nay tỷ lệ này vẫn luôn giữ ổn định.

Do đó nhà trường chủ động cân đối được các môn học, tình trạng quá ít học sinh chọn môn hoặc quá nhiều học sinh chọn môn và thiếu thừa giáo viên sẽ không nghiêm trọng.

Về cơ bản là tương đối ổn định, tuy nhiên chưa có đội ngũ giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ Thuật do đó năm học tới toàn tỉnh chưa triển khai được 2 môn học này.

“Hiện nay, nhóm môn Công nghệ, Nghệ thuật chỉ triển khai được 2 môn Tin học, Công nghệ vì chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.

Bên cạnh đó phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, các tiêu chí như có bằng đại học, có nghiệp vụ sư phạm khiến nguồn giáo viên 2 môn này rất hạn chế. Qua nhiều cuộc hội thảo giữa Sở và các trường trung học phổ thông cho thấy chưa có nguồn giáo viên cho thuê”, vị Hiệu trưởng thông tin.

Trước mắt triển khai chương trình mới ở cấp trung học phổ thông năm học 2022 – 2023, nhiều trường thực hiện theo phương án định hướng học sinh lựa môn học nhằm đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất và tình hình nhân lực thực tế hiện có tại trường.

Lãnh đạo các trường trung học phổ thông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm đưa ra giải pháp cụ thể để các trường kịp thời vận dụng, đảm bảo chất lượng dạy và học phù hợp với mục tiêu và định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặc biệt là 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Đặng Lường