Không có thang đánh giá chung nên kết quả học bạ mỗi trường, mỗi tỉnh một kiểu

23/07/2022 06:57
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung: Các cơ sở giáo dục đại học đang sử dụng phương thức xét tuyển điểm học bạ cần gắn thêm các tiêu chí phụ để lựa chọn được đầu vào tốt.

Câu chuyện “làm đẹp” học bạ trung học phổ thông, đặc biệt học bạ lớp 12, từ lâu đã râm ran trong dư luận, đặc biệt hiện nhiều trường đại học đã công bố mức điểm chuẩn xét học bạ, điểm đáng chú ý là có ngành điểm chuẩn vượt 30 điểm.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Hồ Chí Minh) thừa nhận có tình trạng đánh giá chưa đúng năng lực học sinh.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Hồ Chí Minh). Nguồn: VOV

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Hồ Chí Minh). Nguồn: VOV

Theo thầy Phú, mỗi trường ra đề mức độ khó dễ khác nhau, nhưng cuối cùng điểm số trong học bạ là chuẩn chung. Chính vì vậy, để đảm bảo tính công bằng và đánh giá đúng thực lực học sinh, thầy kiến nghị.

Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề kiểm tra chung sẽ có thang đánh giá khách quan hơn so với việc để các trường tự ra đề thi, kiểm tra như hiện nay. Hoặc cũng có thể xây dựng trung tâm khảo thí độc lập với Sở, nhiệm vụ chuyên cung cấp đề thi cho các trường cũng như giám sát thực hiện để đánh giá đúng thực chất học sinh, ít nhất đảm bảo mặt bằng chung của một bài kiểm tra cuối kì.

Thứ hai, các trường đại học cần thêm hệ số phụ đối với các học sinh xét học bạ thuộc trường chuyên, trường công lập, trường tư thục,...Vì cách kiểm tra của mỗi trường khác nhau nên khi các cơ sở giáo dục đại học quy về chung học bạ, không có hệ số phụ kèm theo sẽ thiếu sự tương đồng, khách quan, công bằng.

Thứ ba, rút ngắn điểm ưu tiên khu vực để có thể lựa chọn được những thí sinh phù hợp vào trường, hạn chế tình trạng điểm cao vẫn trượt đại học.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, vấn đề "làm đẹp" học bạ bậc trung học phổ thông đâu đó vẫn có.

"Các trường đại học khi xét tuyển bằng phương thức học bạ, mỗi ngành học sẽ xét điểm một số môn tương ứng, phù hợp. Tuy nhiên, ở các trường trung học phổ thông sẽ không biết học sinh thi trường nào, xét tuyển tổ hợp môn ra sao, vì vậy rất có thể khi nâng điểm thì sẽ nâng tất cả các môn. Từ đấy, các trường đại học không thể tuyển chọn được đầu vào tốt, để lại rất nhiều hệ lụy về đầu ra sau này.

Do đó, khi xét tuyển học bạ đã trở thành một phương thức chính vào đại học thì nhiệm vụ kiểm tra độ chính xác của học bạ vô cùng quan trọng. Lúc này, cần Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc. Bên cạnh đó, bản thân các cơ sở giáo dục đại học đang sử dụng phương thức này để xét tuyển cũng phải gắn thêm các tiêu chí phụ. Ví dụ, một số nước xét tuyển bằng bài luận, hồ sơ kết quả học tập của học sinh, trong đó bao gồm những hoạt động và kết quả học tập.

Tôi cho rằng, khi kết hợp thêm các tiêu chí đó thì phương thức xét tuyển sẽ trở nên đáng tin cậy và có nhiều dữ liệu hơn là chỉ xét những con số của bài kiểm tra. Nếu các trường trung học phổ thông làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp thì học sinh sẽ chuẩn bị hồ sơ được chu đáo hơn", Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nói.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho biết trường có xét tuyển top 40 schoolrank (xếp hạng học sinh trung học phổ thông) nên phải phát triển các tiêu chí đo lường kết quả học tập của thí sinh bậc phổ thông và có điều chỉnh cho phù hợp.

Theo ông Tùng, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm điểm trung bình học bạ của học sinh cả nước tăng khoảng 2%. Như vậy, qua 5 năm, học bạ của thí sinh tăng 1 điểm. Đó là mức chấp nhận được vì các điều kiện học tập của học sinh ngày càng tốt hơn tỷ lệ thuận với điểm số ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh đó, hằng năm, Trường Đại học FPT cũng có tham khảo đối sánh kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả học bạ học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo để điều chỉnh điểm khi xếp hạng schoolrank với những trường có kết quả quá chênh lệch.

"Đó là chưa kể 9 điểm trung bình ở tỉnh này sẽ không tương đồng với 9 điểm ở tỉnh khác. Kết quả học phổ thông không có thang đánh giá chung nên kết quả học bạ mỗi trường, từng tỉnh thành khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy các tỉnh vùng sâu, vùng xa thường có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chênh lệch nhiều so với kết quả học bạ và so với thành phố lớn.

Trong khi đó, nguyên tắc của xét tuyển đại học bằng học bạ là lấy từ cao xuống thấp tưởng chừng công bằng nhưng đó là phương thức chạy theo số lượng bởi kết quả học tập bậc phổ thông ở nhiều nơi nhiều khi chưa phản ánh đúng thực lực học sinh", Tiến sĩ Lê Trường Tùng nói.

Trần Lý