Không hạ điểm chuẩn xét học bạ xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu bằng mọi giá

10/08/2021 07:21
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là quan điểm của thầy Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định.

Theo thống kê, mùa tuyển sinh năm nay trên cả nước có khoảng hơn 100 trường đại học đang sử dụng phương thức xét tuyển học bạ Trung học phổ thông. Hiện tại, đã có khoảng hơn 50 trường đại học, học viện công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức này.

Từ bảng công bố điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học trong mùa tuyển sinh năm nay có thể thấy, ngoài những trường nằm ở tốp đầu hoặc một số mã ngành đặc thù các trường lấy điểm trúng tuyển ở mức điểm cao, thì một số trường năm nay lấy điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức này chỉ từ 5 điểm/môn trở lên.

Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, việc công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ của của nhiều trường khá thấp để chạy đua tuyển đủ chỉ tiêu hay không?

Không đánh đổi điểm số để đạt được chỉ tiêu bằng mọi giá!

Nêu quan điểm về vấn đề này, thầy Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng: “Có thể các trường khác tôi chưa tiếp cận rõ, nhưng quan điểm của Trường đại học Gia Định là không hạ điểm chuẩn xét tuyển xuống thấp để đạt được mục đích đủ chỉ tiêu tuyển sinh bằng mọi giá.

Thầy Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định (ảnh đứng) cho rằng, các trường không nên đánh đổi để có thí sinh bằng mọi giá. Ảnh: giadinh.edu.vn

Thầy Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định (ảnh đứng) cho rằng, các trường không nên đánh đổi để có thí sinh bằng mọi giá. Ảnh: giadinh.edu.vn

Có thể, chuyện công bố mức điểm trúng tuyển của nhiều trường đang vô tình khiến nhiều người hiểu sai về phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ tiêu và mức điểm các trường đề ra như thế nào thì buộc phải theo Đề án hàng năm đã báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường đại học Gia Định bao năm nay đều thực hiện nghiêm túc việc này.

Hơn nữa, các ngành nghề đào tạo của nhà trường cũng vừa đủ, không quá nhiều đến mức khó kiểm soát. Trong thời buổi các trường đại học trong nước cũng mở ra nhiều nên chúng tôi sẽ tập trung vào đào tạo các ngành chất lượng.

Chúng tôi xác định, mỗi ngành đảm bảo có khoảng từ 20 sinh viên là chúng tôi có thể mở lớp đào tạo được rồi, nên không có lý do gì phải đẩy điểm số trúng tuyển xuống thấp để có nguồn sinh viên bằng mọi giá cả. Kế hoạch lấy mức điểm chuẩn bao nhiêu, số lượng thí sinh như thế nào chúng tôi đều thực hiện đảm bảo theo Đề án tuyển sinh”.

Chia sẻ về phương án phân luồng thí sinh với những mã ngành có lượng thí sinh đăng ký dự tuyển quá thấp trong năm nay, thầy Chung cho biết: “Hiện nay, theo chỉ số thí sinh đăng ký dự tuyển mà chúng tôi theo dõi thì không có ngành nghề nào của trường có số lượng đăng ký dưới 15 em cả. Tuy nhiên, trong quá trình mở ngành, trường chúng tôi cũng đã rút ra kinh nghiệm để quản lý các ngành nghề đào tạo sao cho tốt. Vì thế, khi tư vấn tuyển sinh chúng tôi cũng đã có những phương án để ứng phó ngay từ đầu.

Hơn nữa, vì là trường tự chủ trong việc mở ngành nên xét thấy ngành nghề nào phù hợp xu hướng, đáp ứng được nhu cầu học tập của các học sinh thì chúng tôi mới cân nhắc đưa vào khung đào tạo chung của nhà trường, chứ không mở ngành theo kiểu đại trà.

Trong trường hợp, có thể một số chuyên ngành của trường mà có tỷ lệ thí sinh đăng ký ít thì ngay khi các thí sinh muốn nộp đơn đăng ký vào trường chúng tôi cũng đã gọi điện tư vấn trước cho các em đó. Cụ thể là, nếu các em yêu thích và quyết tâm theo ngành đó thì chúng tôi tư vấn cho sang học các trường đại học khác trong cùng một hệ thống giáo dục đại học của chúng tôi.

Việc phân luồng như vậy sẽ đảm bảo các em sẽ vẫn được đi học đại học và học đúng chuyên ngành các em đó yêu thích. Cách làm này cũng nằm trong sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Về các chiến lược tuyển sinh để đảm bảo hiệu quả trong tình hình dịch bệnh như năm nay của Trường Đại học Gia Định, thầy Chung cho rằng: “Đầu tiên, khi các em có nguyện vọng đăng ký nguyện vọng vào trường chúng tôi cũng sẽ tư vấn và khẳng định rằng mức học phí của trường là ở mức đại chúng và chỉ đạo tạo trong vòng 3 năm.

Đồng thời, chúng tôi cũng cam kết rằng, trong thời gian học tập các em cũng được thực hành thực tế với công việc và kết nối với các công ty, tập đoàn để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Ngoài ra, thông qua các đợt kết nối sinh viên với các doanh nghiệp cũng sẽ thêm chắc chắn hơn việc các em ra trường sẽ đều có công ăn, việc làm đầy đủ. Đó là những cách thu hút thí sinh đến với Trường Đại học Gia Định một cách thực tế và thiết thực nhất trong bối cảnh hiện nay”.

Lấy điểm xét tuyển thấp quá dễ ảnh hưởng thương hiệu nhà trường

Trao đổi về nguyên nhân của chuyện điểm trúng tuyển thông qua phương thức xét học bạ được cho là khá thấp như một số trường đại học công bố như hiện nay, Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan, Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng, việc làm này của các trường cũng không có gì phạm luật, vì điểm số ấy nó vẫn nằm trong mức tối thiểu của khung điểm quy định.

Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan, Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: Vũ Phương

Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan, Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI).

Ảnh: Vũ Phương

Thạc sũ Thoan nhấn mạnh thêm: "Điều này nếu truy xét cho thấu đáo thì nó cũng phản ánh sự thiệt thòi của một số trường đại học chịu cảnh “sinh sau đẻ muộn” hoặc nằm tốp dưới. Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là, các trường đứng tốp trên và danh tiếng thì luôn dồi dào về nguồn tuyển sinh cho dù họ lấy điểm đầu vào rất cao. Số thí sinh còn lại, nếu không muốn thi tiếp vào năm sau thì mới nghĩ đến việc xét tuyển vào các trường ở tốp dưới.

Như vậy, các trường này có thể để mức điểm xét tuyển kịch khung tối thiểu cũng là điều dễ hiểu. Căn bản là vì họ cần phải tồn tại, nuôi sống bộ máy trong thời buổi các trường đại học đua nhau mở ra. Muốn làm gì thì làm nhưng đầu tiên cần phải có một lượng sinh viên nhất định thì mới tạo ra nguồn thu cho nhà trường.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên việc “lọt sàng xuống nia” nó sẽ có mặt tích cực đó là, có thể nhiều trường tốp dưới có cơ hội nắm bắt được các thí sinh có chất lượng, nhưng vì “học tài, thi phận” không đỗ vào các trường tốp trên. Nhiều khi, những sinh viên này trong quá trình học ở các trường đại học bình thường, nhưng các em ấy cố gắng, có khi lại mang về danh tiếng cho nhà trường còn hơn những em trước đó từng đạt mức điểm ngang ngửa thủ khoa”.

Đánh giá về việc này, Thạc sỹ Thoan nhận định: “Trên thực tế, vẫn có số ít các trường lách luật bằng việc, đã để mức điểm chuẩn nằm ở mức tối thiểu rồi nhưng vẫn chưa tính điểm cộng ưu tiên, như vậy thực chất mức điểm trúng tuyển sẽ còn thấp hơn điểm họ công bố trên trang tuyển sinh.

Đó là chưa kể những trường còn phát giấy báo nhập học tràn lan dù các em chưa bao giờ đăng ký hồ sơ vào trường đó, mà mấy năm nay đài, báo vẫn thường nhắc tới.

Những việc làm này vô hình chung đang làm giảm sút uy tín, thương hiệu của nhà trường, vì trong chuyện này, thí sinh và phụ huynh họ sẽ đặt ra ngay câu hỏi “vì sao các trường ấy lại phải làm như thế?”.

Cũng theo Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan, danh sách ngành học của các trường đại học lấy điểm xét tuyển đầu vào thấp có vẻ đang ngày càng dài ra, nó còn tạo ra một thực trạng là sức ỳ về học tập thi cử bậc đại học của học sinh ngày càng tăng lên. Không những thế, nó dễ dẫn đến tâm lý coi thường đại học vì các em thấy vào đại học không quá khó như trước.

Trung Dũng