Kiểm tra học kì - học sinh “rất khó” bị điểm yếu!

03/05/2018 07:05
Nhật Duy
(GDVN) - Thậm chí nhiều em học rất dở nhưng điểm thi lại đạt điểm giỏi. Bởi, cách học, cách kiểm tra hiện nay đang vô hình trung đẩy các em lên những thứ hạng cao.

LTS: Thời điểm hiện nay, các trường phổ thông đang tổ chức kiểm tra học kì 2.

Trong bài viết này, thầy giáo Nhật Duy chỉ ra lý do khiến học sinh giờ đây rất khó bị điểm kém.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời điểm này, phần lớn các cấp học phổ thông ở các địa phương đã và đang tổ chức kiểm tra học kì II để tổng kết năm học.

Mặc dù trong thực tế thì có rất nhiều em học sinh chỉ có học lực dưới mức trung bình.

Thậm chí có nhiều em không biết gì nhưng trớ trêu là khi kiểm tra học kì - kỳ kiểm tra mang ý nghĩa quyết định về điểm số thì các em đa phần có điểm cao.

Vì vậy, điểm tổng kết của các em thường rất cao nên chuyện thi lại, học lại rất ít xảy ra. Vì sao vậy?

Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại
Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại

Ngày trước, khi mà bệnh thành tích chưa có như bây giờ thì học sinh có học lực trung bình chiếm phần lớn trong lớp và chuyện học sinh ở lại lớp cũng rất đỗi bình thường nhưng ngày nay thì ngược lại.

Học sinh trung bình chỉ chiếm một số lượng rất ít còn phần nhiều học sinh trong lớp đều có điểm tổng kết khá, giỏi. Có phải học sinh ngày nay học giỏi hơn không?

Thực tế chỉ có một số học sinh trường chuyên, trường điểm thì các em học sinh có học lực tương đối đồng đều và đạt ở mức khá giỏi.

Học sinh các trường nông thôn, trường không phải trường điểm thì mỗi lớp chỉ có vài em học giỏi, học khá thật. Nhưng, khi kiểm tra thì phần nhiều các em có điểm khá.

Kiểm tra học kì - học sinh “rất khó” bị điểm yếu! ảnh 2Thầy cô không vô can khi để học sinh ngồi nhầm lớp

Thậm chí nhiều em học rất dở nhưng điểm thi lại đạt điểm giỏi.

Bởi, cách học, cách kiểm tra hiện nay đang vô hình trung đẩy các em lên những thứ hạng cao.

Hiện nay, chỉ có một số môn ở những lớp cuối cấp thì Phòng-Sở Giáo dục mới ra đề kiểm tra học kì.

Các lớp còn lại, nhất là những môn được xem là môn phụ thì trường ra đề.

Vì vậy, khi mà trường ra đề thì phần nhiều thầy cô luôn nặng về thành tích của mình, của trường và ôn kĩ cho học trò trước khi kiểm tra.

Thậm chí là những đề cương, kế hoạch ôn tập làm dài dằng dặc nhưng chủ yếu là để đối phó với thanh, kiểm tra của cấp trên.

Khi ra đề thì các giáo viên trong tổ chuyên môn thống nhất chỉ lấy một số đơn vị kiến thức nhất định.

Và, họ ngầm hiểu rằng khi ôn cho học trò thì giáo viên chỉ xoáy sâu ở những chỗ ra đề.

Những môn tự nhiên chỉ là sự thay đổi vài con số so với khi ôn, những môn xã hội thì chỉ lựa chọn 1 trong số ít các đề, các câu hỏi mà thầy cô đã ôn từ trước.

Thành thử, khi tổ chức kiểm tra cũng chỉ là “diễn lại” những gì mà thầy trò “đã ôn” từ trước. Chỉ có những học sinh quá dở thì mới có điểm thi thấp mà thôi.

Khi tổ chức kiểm tra, dù nhà trường có xếp theo số báo danh của toàn khối học nhưng trong một trường thì học sinh cũng khá thân thiết với nhau nên chuyện các em “giúp đỡ” nhau là chuyện không tránh khỏi.

Dù giáo viên có ngồi coi thi nhưng các em cũng có đủ trăm phương ngàn kế để đối phó với giám thị.

Kiểm tra học kì - học sinh “rất khó” bị điểm yếu! ảnh 3Sở Giáo dục thành phố Cần Thơ lên tiếng vụ "lộ đáp án trước giờ thi"

Một số thầy cô coi thi nghiêm túc thì lại đan xen những thầy cô ngồi xem thi chỉ cho có hình thức.

Một số thầy ngồi làm việc riêng như chấm bài, bấm điện thoại, thậm chí nhiều thầy cô bỏ ra ngoài hành lang nói chuyện để mặc cho học sinh “làm bài” trong lớp.

Vì thế, trong phòng chỉ một vài em làm được là cả phòng có kết quả như nhau.

Một điều mà ai cũng biết là qua rất nhiều lần đổi mới thi cử thì hiện nay chỉ còn mỗi môn Văn là thi, kiểm tra bằng hình thức tự luận.

Nhưng, trong nội dung của đề bài môn Văn đều có 3 điểm ở phần đọc hiểu là tái hiện lại kiến thức. Nên, phần này học sinh vẫn có thể nhìn bài của nhau. Bởi mỗi câu hỏi chỉ điền vài từ ngữ là xong.

Phần làm văn thì có câu 2 điểm về viết đoạn văn ở mức vận dụng thấp nên phần nhiều học sinh cũng lấy trọn điểm tối đa.

Vì thế, học sinh trung bình cũng dễ dàng có từ 3-4 điểm phần này.

Phần viết bài tập làm văn (5 điểm) học sinh chỉ cần trình bày bài viết có bố cục, diễn đạt được nội dung chính thì cũng được 1-2 điểm.

Vì thế, chuyện học sinh học dở thì cũng rất ít khi các em bị điểm dưới trung bình.

Các môn còn lại thì dễ vô cùng. Phần lớn là kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm, thậm chí có nhiều môn trắc nghiệm 100% thì nhiều em chỉ cần “làm bài” mấy phút là xong.

Đa số các môn học hiện nay có điểm trắc nghiệm từ 4-6 điểm và đa số thang điểm cho mỗi câu đúng có 0,5 điểm.

Thành ra, nhiều em vào ngồi chơi từ đầu đến cuối chỉ cần khoanh tròn mấy chữ cái là đủ điểm trung bình.

Nhiều học sinh bây giờ “giúp bạn” một cách nhiệt tình mà thầy cô không thể có lý do gì để bắt.

Chẳng hạn, em ngồi bàn trước làm xong chỉ cần “giả vờ” cầm bài của mình giơ lên đọc lại trong vòng nửa phút thì em ngồi dưới đã nhìn xong đáp án.

Hoặc không cần giơ lên cao, các em làm xong bài của mình chỉ cần để chệch sang một bên là các các bạn phía dưới, bên trái, bên phải đã nhìn được.

Thậm chí khi bị thầy cô nhắc nhở bắt để xuống hộc bàn thì các em cũng “tế nhị” ngồi sang một bên để các bạn phía sau chép.

Bởi thực tế, trong các phòng học thì việc bố trí bàn ghế liền kề nhau.

Đó là chưa kể nhiều trường do phòng học thiếu nên phải xếp 2 em ngồi 1 bàn thì mức độ tiêu cực càng cao hơn.

Với cách học, cách ôn và tổ chức thi như vậy nên chuyện học sinh của chúng ta nhiều em được khen thưởng, được tuyên dương về các danh hiệu mà không biết gì cũng là chuyện rất dễ hiểu.

Chính vì vậy nên “thành tích” giảng dạy và học tập của các trường luôn đạt được những con số ấn tượng.

Và, dĩ nhiên, ngày tổng kết thì những con số “ấn tượng” đó lại được nằm trong bản báo cáo của nhà trường và chắc chắn một điều mọi quan khách, thầy cô ai mà chẳng vỗ tay trước những thành quả của các thầy cô và học trò đã đạt được.                                                                                                  

Nhật Duy