Kinh nghiệm chăm sóc đời sống tinh thần cho học sinh của cô giáo tiểu học ở Mỹ

22/01/2022 06:30
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cô Đinh Thu Hồng trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, học sinh phải học online vì vậy việc quan tâm đến đời sống tinh thần các em là rất cần thiết.

Theo Thạc sỹ Giáo dục (MED) Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều học sinh phải học online, sự giao tiếp giữa thầy cô và học sinh, giữa các em học sinh với nhau bị hạn chế. Vì vậy, việc chú trọng chăm sóc đời sống tinh thần cho các em là hết sức cần thiết.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam kinh nghiệm về việc chăm sóc đời sống tinh thần cho học sinh trong bối cảnh các em phải học online, cô Thu Hồng cho biết trước tiên cần xây dựng cộng đồng lớp học, với phương châm mỗi lớp học là một gia đình.

Từ việc xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên và học trò, giữa các em học sinh với nhau sẽ tạo ra hứng khởi khi học tập.

Trong khoảng thời gian dạy online, cô Thu Hồng thường dành một buổi trong tuần để học sinh tự do trò chuyện với nhau.

Thạc sỹ Giáo dục (MED) Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ. Ảnh nhân vật cung cấp.

Thạc sỹ Giáo dục (MED) Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ. Ảnh nhân vật cung cấp.

Bên cạnh đó, các thầy cô thường làm một công việc được gọi là “check in cảm xúc” vào mỗi buổi học trước khi bắt đầu giảng bài. Cô sẽ dùng một silde bài giảng để hỏi về cảm xúc của trẻ. Ví dụ trong slide gồm có ô số 1 là hình ảnh chú cừu đang ngái ngủ, ô số 2 là hình ảnh chú cừu đang vui vẻ nhảy nhót thể hiện sự hứng khởi,...

Từ việc “check in cảm xúc”, thầy cô giáo sẽ biết được trạng thái của từng em đang như thế nào.

Ngoài ra, cô giáo sẽ gọi điện cho học sinh khi bố mẹ các bạn ấy ở bên. Bố mẹ sẽ chuyển điện thoại cho các bạn nhỏ.

“Vì phần lớn các em học đúng tuyến, nên hầu hết học sinh sẽ ở cùng một khu, thầy cô giáo có thể lái xe qua các khu nhà có nhiều học sinh, vẫy tay chào các em ấy hoặc đặt những túi kẹo, một tấm thiệp hay món đồ chơi nho nhỏ trước nhà của học sinh”, cô Thu Hồng chia sẻ.

Thêm vào đó, các em không phải học online 100% mà có thể thực hiện các dự án (không phải tiếp xúc với màn hình máy tính). Ví dụ, giáo viên mỹ thuật ở trường mình giao cho các em ra ngoài thu thập lá cây để tạo thành một bức tranh, vẽ lại những đồ vật trong nhà, … cô Thu Hồng cho biết.

Cô Thu Hồng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các em học sinh cũng gặp nhiều khó khăn vì vậy thầy cô nên khuyến khích các em từ những tiến bộ nhỏ nhất và không nên yêu cầu cao về mặt học thuật.

Ngoài ra, để khuyến khích học sinh học tập, cô Hồng và đồng nghiệp còn chuẩn bị những phần quà nhỏ dành cho những em có thành tích tốt trong tuần, tháng.

Các món quà sẽ được chuyển đến học sinh một cách nhanh chóng. Đối với những em có thành thích tốt trong kỳ học, nhà trường sẽ tiến hành quay thưởng, các em có thể nhận được xe đạp hoặc máy tính bảng.

Bên cạnh đó chế độ dinh dưỡng của học sinh cũng được nhà trường, thầy cô quan tâm, chăm sóc.

Học sinh đang phân loại sách để cho vào thư viện của lớp trong một buổi học trực tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học sinh đang phân loại sách để cho vào thư viện của lớp trong một buổi học trực tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bình thường khi học trực tiếp hầu hết các em sẽ ăn sáng và ăn trưa tại trường nhưng khi học online, bố mẹ đi làm nên nhà trường và thầy cô sẽ chuẩn bị sẵn suất ăn sáng và trưa cho học sinh, phụ huynh sẽ đến trường để lấy.

Trong bối cảnh dịch bệnh các em phải học online, gia đình các em cũng gặp nhiều khó khăn nên những suất ăn này là hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra, các thầy cô dạy học sinh về việc sử dụng thiết bị học an toàn thông qua các môn học. Thêm vào đó, nhiều em mượn thiết bị học tập từ trường nên sẽ có những phần mềm chặn các trang web độc hại.

Để nắm bắt được tình trạng của học sinh, các thầy cô thường xuyên liên hệ với phụ huynh qua các phần mềm.

Trong tháng sẽ có một đến hai ngày được gọi là ngày điểm danh, các thầy cô sẽ rà soát lại hệ thống những em học sinh không điểm danh, không làm bài tập trên lớp và thông báo cho phụ huynh học sinh.

Để không tạo áp lực cho học sinh, các kỳ thi định kỳ, quan trọng trong năm học qua đều được hoãn hoặc hủy bỏ.

Học sinh trả lời và tương tác trên nền tảng Nearpod. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học sinh trả lời và tương tác trên nền tảng Nearpod. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà chức trách sở tại cho rằng những gì học sinh và gia đình các em đang phải trải qua trong thời kỳ dịch bệnh các em đã rất khó khăn.

Họ không muốn tạo thêm áp lực, gánh nặng cho các em. Chính phủ ưu tiên những em học sinh nhỏ tuổi đến trường để học trực tiếp trước.

Bởi vì những em nhỏ có nhu cầu giao tiếp, nhu cầu cảm xúc và cần trang bị kỹ năng nhiều hơn so với những học sinh lớn. Bên cạnh đó ở trường có đầy đủ dụng cụ, thiết bị hỗ trợ học tập cho các em.

Khi đến trường các bạn nhỏ sẽ được học cách tương tác, giao tiếp hiệu quả hơn.Ví dụ như dạy các bé phát âm một từ, khi học trực tiếp sẽ giúp các bé thấy rõ được khẩu hình trong khi học online các bé rất khó để nhận biết được điều này.

Trong khi học sinh các lớp lớn các em có quá trình hình thành và tích lũy các kỹ năng từ trước. Vì vậy sự hỗ trợ của thầy cô trong học trực tiếp sẽ có giá trị và hiệu quả hơn đối với những học sinh nhỏ tuổi.

Cô giáo Thu Hồng chia sẻ: “So với dạy trực tiếp thì việc dạy online các thầy cô sẽ vất vả hơn, vì cần đảm đương nhiều đầu việc hơn. Để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mình thường làm những công việc mà mình thích như nấu ăn, xem phim, nghe nhạc vào thời gian rảnh, facetime với bạn bè người thân ở Việt Nam.”

Ngoài ra, cô Thu Hồng cũng chú ý đến việc ăn uống, tập thể dục một cách thường xuyên để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Cô thường đi bộ xung quanh khu vực mình sinh sống, tập yoga...

Cô giáo Thu Hồng cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các em phải học online, nhiều hoạt động xã hội bị hạn chế thì việc chăm sóc đời sống tinh thần cho cả cô và trò là điều vô cùng cần thiết.

Nhật Tân