Làm thế nào để có “học thật, thi thật, nhân tài thật”?

10/05/2021 06:58
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học thật, thi thật là vấn đề có liên quan mật thiết đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội.

Ngày 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Trong số các quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, nhiều ý kiến tỏ ra ấn tượng với việc Thủ tướng nhận mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Chuyện “học thật, thi thật và nhân tài thật” từ nhiều năm nay đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế sự thay đổi chưa đáng bao nhiêu.

Bày tỏ quan điểm với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Minh Tuấn, Đại biểu quốc hội khóa 14, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng:

Học thật, thi thật là vấn đề có liên quan mật thiết đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội.

Khi học học thật, thi thật, các em sẽ nhận thức được ý nghĩa thực sự của việc học, từ đó, sẽ có động lực phấn đấu trong học tập

Để học thật được trước hết phải bắt đầu từ phía các thầy cô làm công tác giảng dạy. Các thầy cô giáo không chỉ chạy theo bệnh ngụy thành tích, biến các em học sinh thành những công cụ, con số để báo cáo thành tích.

Việc học thật phải đến từ quan niệm của ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên.

Lâu nay các em học để thi, bởi vì kết quả thi hiện nay vẫn là công cụ đánh giá chủ yếu về chất lượng giáo dục nên cả thầy và trò đều cuốn theo thi đó.

Do vậy muốn học thật, thi thật trước hết phải thay đổi cách thi, cách ra đề thi.

Bài thi lâu nay vẫn là những câu hỏi đánh đố, những công thức nhàm chán khiến cả thầy cô giáo và các em học sinh đều phải “cày cuốc” để rồi cuốn hết vào đó.

Đề thi, đề kiểm tra phải phù hợp với trình độ của học sinh, sinh viên, đánh giá được đúng năng lực thực của học trò, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, chứ không phải chỉ nhằm kiểm tra khả năng học thuộc lòng của học trò, bởi trên thực tế, học sinh, sinh viên không chỉ học trong nhà trường mà còn học ngoài xã hội, thu nhận kiến thức qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Đại biểu Dương Minh Tuấn - Đại biểu khóa 14 - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Dương Minh Tuấn - Đại biểu khóa 14 - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quochoi.vn

Khi nào còn việc đánh giá chất lượng giáo dục qua những bài kiểm tra, bài thi như vậy còn tình trạng gian lận để hoàn thành việc đó.

Quan niệm xã hội lâu này vẫn nghĩ điểm cao là học giỏi và với quan điểm này, khó có thể cấm triệt để người ta tìm cách học giả, thi giả để đạt điểm cao.

Nên chăng ngành giáo dục cần có nhiều hình thức kiểm tra, ra đề thi, đánh giá học sinh khác nhau. Ví dụ như yêu cầu các em tự đăng ký làm bài luận về một vấn đề gì đó chẳn hạn, tùy theo lứa tuổi để đánh giá các em. Các em có hứng thú với lĩnh vực mình quan tâm, sự thu nhận kiến thức của các em sẽ tự nguyện và không bị áp lực gò bó kiểu “cá cố học leo cây”.

Bên cạnh đó nên chăng cần nhìn nhận lại các nội dung học theo từng cấp học, Đại biểu Dương Minh Tuấn đặt vấn đề.

“Lâu nay chúng ta đang cho học sinh học quá nhiều thứ, từ cấp tiểu học đến cấp Trung học phổ thông các em học sinh phải học quá nhiều thứ. Trong đó có nhiều thứ không bổ ích và quá dàn trải. Các em học sinh đang phải học quá nhiều thứ để cuối cùng… để quên.

Cần có sự tính toán số môn hợp lý phù hợp vào từng cấp học. Ví dụ như các em học sinh Trung học phổ thông chỉ nên tập trung vào những môn học mà các em có thể định hướng nghề nghiệp sau này. Tại sao các em phải học đến 14 môn trong khi thi vào đại học chỉ có 3 môn?

Ở các cấp học khác thì các em mất quá nhiều thì giờ vào các môn kỹ năng sống, kỹ năng này kỹ năng kia nhưng không đi vào thực chất. Học dàn trải như vậy, các em sẽ bị áp lực thi cử và cứ như vậy thì việc học thật khó mà đảm bảo” Đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết.

Theo đại biểu Tuấn, để học thật, thi thật đi vào đúng thực tế, các thầy cô giáo cần phải giáo dục được cho học sinh nhận thức các em đang học cho mình, học vì sự tiến bộ của chính bản thân các em chứ không phải học vì điểm, học vì sự ganh đua hay học để đối phó với các bài kiểm tra...

Khi đã nhận thức được như vậy, các em sẽ có động lực phấn đấu thực sự trong học tập.

Để việc học sinh được “học thật” thì giáo viên phải dạy thật, nghĩa là giảng dạy bằng tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình. Có thể nói đa số giáo viên hiện nay có đủ những phẩm chất để thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình nhưng có nhiều cản trở khiến họ không thể dạy thật.

Để làm được việc này vai trò của người hiệu trưởng, người đứng đầu trường học, ngành giáo dục phải được phát huy tối đa. Giáo viên suy cho cùng họ cũng là người lao động. Muốn họ làm tốt công việc của mình phải để cho họ làm tốt công tác chuyên môn.

Không để những chuyện hiệu trưởng bắt giáo viên thu hộ tiền nhà trường hay giáo viên phải đi đấu tranh với hiệu trưởng vì bị trù dập, vì đi tố cao tiêu cực... Những việc làm ảnh hưởng đến giáo viên cần phải loại bỏ ngay.

Nếu các em được học thật, thầy cô giáo dạy thật, đi thi là thật thì không có lý gì chúng ta lại không có nhân tài thật. Ảnh minh họa: Lại Cường

Nếu các em được học thật, thầy cô giáo dạy thật, đi thi là thật thì không có lý gì chúng ta lại không có nhân tài thật. Ảnh minh họa: Lại Cường

Đại biểu Dương Minh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Hiệu trưởng trong trường học:

“Hiệu trưởng là người có ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Quản trị hoạt động dạy học của hiệu trưởng có hiệu quả thì chất lượng giáo dục sẽ tăng và ngược lại.

Hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc tổ chức thực hiện dạy và học theo chương trình mới, đổi mới dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động.

Hiệu trưởng cũng chính là người nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của giáo viên để kịp thời điều chỉnh và phát huy năng lực của giáo viên.

Có thể nói, để giáo viên được “dạy thật” vai trò của hiệu trưởng đặc biệt quan trọng”, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết.

Giáo dục chịu ảnh hưởng rất lớn từ ngoài xã hội. Do đó, nếu xã hội vẫn còn sử dụng người dựa vào bằng cấp mà không dựa vào năng lực thật, vẫn còn trả lương theo kiểu cào bằng thì không thể loại trừ được chuyện học giả, thi giả.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng đề bạt cán bộ trong các cơ quan nhà nước, ngoài xã hội cũng cần phải thay đổi, thay vì lấy tiêu chí bằng cấp thay vào đó là tiêu chí về kiến thức bởi lẽ học thật mới có kiến thức thật và năng lực thật. Khi có năng lực thật thì làm việc với có hiệu quả.

Khi học thật và thi thật rồi thì sẽ ra nhân tài thật. Việc này phụ thuộc vào Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi từ căn bản – toàn diện đến đâu. Nếu làm tốt từ mầm non nên đại học thì không có lý do gì chúng ta lại không có nhân tài thật cả, Đại biểu Dương Minh Tuấn nêu.

Lại Cường