Liệu Thông tư 22 có gây "lạm phát" học sinh xuất sắc?

01/09/2021 07:14
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Mai Anh Dũng, với quy định không có môn chính, môn phụ, học sinh có thể không cần học thêm, có thể tự học theo phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành với rất nhiều điểm mới sẽ được áp dụng từ ngày 5/9 với lứa học sinh lớp 6 trong năm học 2021-2022. Đây là lứa học sinh sẽ được học chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai với lớp 6 trong năm học này.

Theo đó, sẽ bỏ tính điểm trung bình tất cả môn ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; thay vì được xếp loại giỏi, khá, tiên tiến, trung bình, yếu dựa theo điểm trung bình tất cả môn, học sinh sẽ được xếp loại tốt, khá, đạt, chưa đạt theo tiêu chí khác.

Chia sẻ về vấn đề trên, thầy giáo Mai Anh Dũng (giáo viên dạy Ngữ văn trường Trung học cơ sở Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, Thông tư 22 được áp dụng cho học sinh khối 6 năm nay (năm học 2021-2022) giúp cho các em có nhiều lợi thế.

Thầy Dũng lấy ví dụ, như trước đây nếu học sinh xuất sắc thì cần phải có điểm tổng điểm trung bình các môn chính và môn phụ phải từ 9 trở lên, nhưng giờ đây các em chỉ cần 6/8 môn đạt trên 9. Nếu tính điểm như trước kia thì các em khó đạt được xếp loại như vậy.

Bên cạnh đó, việc bỏ xếp loại học sinh yếu kém cũng là mặt tích cực, bởi khi học sinh đến lớp nếu bị danh hiệu yếu hoặc kém thì các em mặc cảm với bạn bè.

Thầy giáo Ngữ văn này cho rằng, với Thông tư 22, nếu các em Trung học cơ sở được xét theo hồ sơ vào Trung học phổ thông sẽ có lợi thế rất nhiều.

Như trước đây, học sinh giỏi thi vào Trung học phổ thông được cộng 20 điểm dựa vào hồ sơ học bạ, học sinh tiên tiến được 18 điểm… tuy nhiên mấy năm trở lại đây, việc cộng điểm này bị cắt bỏ thay vào đó là lấy điểm thi.

Thầy giáo Mai Anh Dũng nhận định Thông tư 22 tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh. (Ảnh: NVCC)

Thầy giáo Mai Anh Dũng nhận định Thông tư 22 tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh. (Ảnh: NVCC)

“Thông tư 22 nếu áp dụng để dựa vào hồ sơ học bạ học sinh để xét vào Trung học phổ thông thì lại có lợi thế cho các em, đặc biệt là những em có học lực đồng đều các môn, không nhất thiết chỉ học tốt các môn Toán, Văn, tiếng Anh”, thầy Dũng chia sẻ.

Ngoài các mặt tích cực của Thông tư, thầy Dũng cũng có những băn khoăn về hạn chế Thông tư mới. Theo Thông tư cũ, để tìm được học sinh xuất sắc điểm tổng kết trên 9 là rất ít, nhưng với Thông tư mới thì thầy Dũng thấy có thể việc xếp loại học sinh giỏi, xuất sắc sẽ tràn lan.

“Tôi cũng e ngại rằng là như vậy liệu có nặng về thành tích quá không”, thầy Dũng đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, thầy Dũng cũng băn khoăn về việc “dễ dãi” trong việc xếp loại học lực học sinh thì có thể sẽ khiến các em chủ quan trong học tập, như với học lực giỏi thì học sinh sẽ chủ quan trong việc chọn trường thi vào Trung học phổ thông và kết quả là không đỗ được.

Không có môn chính môn phụ, dạy thêm sẽ tràn lan?

Có quan điểm cho rằng, không còn môn chính, môn phục, theo Thông tư mới thì học sinh sẽ phải có 6 môn tự chọn để có kết quả cao, điều này sẽ dẫn tới việc học thêm tràn lan.

Thầy Dũng bác bỏ quan điểm trên và cho rằng, mỗi Thông tư hay Nghị định mới ra đời sẽ có những quan điểm trái chiều. Tâm lý chung của phụ huynh nói chung là luôn muốn con em mình phải giỏi, nên họ cho con em đi học thêm để đạt kết quả cao trong học tập.

Tuy nhiên, thầy Dũng cho hay, học sinh nào học tốt hì không cần phải học thêm.

“Chỉ cần các em học sinh học theo chương trình mới, nắm vững được phương pháp giảng dạy là đạt được yêu cầu rồi, chứ không cần học thêm gì đâu. Như trường tôi năm ngoái, tôi có dạy lớp 9, nhiều bạn không học thêm Toán, Văn, Anh ở trường nhưng ở nhà các bạn tự chủ động học cùng chia sẻ của thầy cô. Kết quả, nhiều bạn đỗ vào Trung học phổ thông với điểm rất cao”, thầy Dũng nói.

Chia sẻ về phương pháp giảng dạy, thầy Dũng cho hay, do dịch Covid, các em học sinh phải học online, thầy cũng hướng dẫn các em về việc ghi bài như nào cho hiệu quả.

Thầy Dũng lấy ví dụ, đối với tất cả các đề mục thì các em phải ghi bằng bút bi màu đỏ, các nội dung thì ghi bằng bút bi màu xanh. Sau mỗi buổi học, học sinh chụp ảnh bài và gửi lên để thầy cô kiểm tra việc ghi chép.

Về nội dung trong quá trình ôn tập và kiểm tra, giáo viên có đề cương cho học sinh làm và chữa đề trong buổi học. Cùng với đó, giáo viên sẽ gửi tài liệu cho nhóm phụ huynh học sinh ở Zalo, để buổi tối phụ huynh có thể hỗ trợ con em mình.

Yêu cầu của thầy Dũng đối với học sinh trong môn Ngữ văn là các em nắm được các từ khóa và diễn đạt theo ý của học sinh. Đối với những bạn chưa giỏi về diễn đạt, thầy giáo hướng dẫn các em một số đoạn mẫu để tham khảo, và sau đó các em sẽ tự làm với đề tương tự.

“Theo tôi nghĩ, học sinh chỉ cần nắm được phương pháp và cách thức là học sinh có thể lĩnh hội được. Việc đi học 6-8 môn như thế thì học sinh không có thời gian”, thầy Dũng nhận định.

Về Thông tư 22 và chương trình sách giáo khoa mới của lớp 6, thầy Dũng cùng các giáo viên tại trường thầy công tác đều đã được tập huấn cũng như nghiên cứu các tài liệu tham khảo.

Nhận định về chương trình sách giáo khoa mới, thầy Dũng cho hay cũng có những thuận lợi cho giáo viên. Nếu như trước đây, giáo viên phải làm theo chủ đề, còn bây giờ thì trong chương trình dạy sách giáo khoa đã được sắp xếp theo chủ đề và rất khoa học.

Thầy Dũng lấy ví dụ, một số tác phẩm như "Cô bé bán diêm" của lớp 8 được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 6, nhưng không nặng về phân tích văn bản, cái quan trọng hơn là giáo viên dạy gì để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Đề kiểm tra thì được lấy không phải trong sách giáo khoa mà trong cuộc sống. Học sinh thì có thể học 3 bộ sách khác nhau nhưng vẫn có thể làm được đề kiểm tra.

Chia sẻ về vấn đề trên, bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho hay, việc đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 22 thể hiện quan điểm coi các môn học bình đẳng như nhau không phân biệt môn chính, môn phụ.

Ngoài việc chống học lệch, học sinh cũng được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau. Học sinh có thể lựa chọn các môn học phù hợp với năng lực, sở trường của mình (đặc biệt là các môn năng khiếu như Nghệ thuật, Thể chất…).

“Như vậy, quan điểm đánh giá này phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình học phát huy năng lực, phẩm chất học sinh”, bà Hường chia sẻ.

Mạnh Đoàn