Lo thiếu giáo viên Nghệ thuật, làm chương trình kiểu 'sinh con rồi mới sinh cha'

24/03/2022 06:45
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều bài toán hóc búa chưa có lời giải khi trường trung học phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì thiếu giáo viên môn Nghệ thuật.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đối với lớp 10 ở năm học 2022-2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.

Học sinh học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Học sinh được chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Thế nhưng, Chương trình mới "đẻ" ra 108 nhóm môn khiến lãnh đạo các trường trung học phổ thông không biết xoay xở thế nào cho hợp lí.

Nhiều bài toán hóc búa chưa có lời giải khi trường trung học phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều bài toán hóc búa chưa có lời giải khi trường trung học phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều bài toán hóc búa chưa có lời giải

Về lí thuyết, có tất cả 108 cách chọn tổ hợp môn học, dẫn đến 2 trường hợp: thứ nhất, những môn được quá nhiều học sinh chọn; thứ hai, những môn có rất ít học sinh chọn (hoặc không có học sinh nào chọn vẫn có thể xảy ra).

Trường hợp 1, những môn được quá nhiều học sinh chọn không đủ giáo viên đứng lớp. Lúc này lãnh đạo phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng hoặc tuyển dụng mới.

Tuy vậy, cả hai cách làm này đều bất cập vì nguồn giáo viên thỉnh giảng không phải bao giờ cũng có sẵn. Hơn nữa, Điều 71 Luật Giáo dục 2019 quy định viên chức được thỉnh giảng nhưng "phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác" - cũng là rào cản.

Còn việc tuyển dụng mới giáo viên thì nhà trường phải thực hiện theo kế hoạch chung của sở giáo dục và đào tạo, không thể tuyển lắt nhắt. Vì cho đến thời điểm này, ngành giáo dục nhiều địa phương trên cả nước chưa giao quyền tuyển dụng viên chức về cho hiệu trưởng.

Giả sử nhà trường tuyển dụng mới đủ số lượng giáo viên cho môn học, nhưng năm học sau có ít học sinh chọn môn thì thầy cô có thể bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy đúng luật.

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức 2010), hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Cứ như thế, năm thì có nhiều học sinh chọn môn và ngược lại, nhà trường sẽ xoay xở nhân sự thế nào? Trong khi đó, chiến lược phát triển nhà trường thường được tính dài hơi, theo kế hoạch 5 năm, 10 năm chứ đâu phải từng năm một.

Trường hợp 2, những môn có rất ít học sinh chọn (hoặc không có học sinh nào chọn) sẽ bị thừa giáo viên. Vậy số giáo viên thừa rất có khả năng bị lãnh đạo điều chuyển làm công việc khác - không giảng dạy.

Bởi, khoản 6 Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau:

"Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành Giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục."

Lúc này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn liên quan như, giáo viên bị cắt 30% phụ cấp đứng lớp (vì không giảng dạy). Rồi đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh học sinh, gia đình, bạn bè, người thân sẽ nghĩ thế nào khi giáo viên được đào tạo chuyên ngành sư phạm lại không đứng lớp?

Và điều đáng bàn nhất là, nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật)), trong đó Âm nhạc và Mỹ thuật lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10 khiến nhiều trường lo lắng về khả năng thiếu giáo viên.

Từ trước đến nay các trường trung học phổ thông không dạy 2 môn này, dĩ nhiên không có giáo viên biên chế. Nếu nhà trường được phép tuyển dụng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng học sinh không chọn thì mọi chuyện có thể xảy ra như trường hợp 2 đã dẫn ở trên.

Nếu học sinh chọn học 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng trường không có giáo viên, có đơn vị đã tính đến phương án thuê giáo viên tại các trường cao đẳng, trung cấp nghệ thuật hoặc giáo viên Nghệ thuật bậc trung học cơ sở để "chữa cháy".

Nhưng, cách thức này cũng không ổn chút nào vì hiện tại nhiều địa phương đang thiếu giáo viên môn Nghệ thuật ở bậc trung học cơ sở. Ví dụ, theo ghi nhận của tôi, nhiều quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm liền khó tuyển giáo viên nhạc, họa vì không có nguồn.

Được biết, nhiều năm qua một số trường phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh có dạy môn Âm nhạc nhưng học sinh cũng chỉ đăng kí để học cho vui, mục đích giải trí là chủ yếu, hoàn toàn không có kiểm tra, đánh giá như môn học bắt buộc khác.

Tôi đã dạy cho khoảng 1500 học sinh lớp 12 ở địa bàn quận Bình Tân và quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, trong những lần hướng nghiệp ở lớp học, ở trường và thăm dò nhu cầu chọn ngành nghề thì được biết, hầu như các em rất hiếm chọn thi vào những ngành liên quan đến nghệ thuật - đây là minh chứng sống để khẳng định môn Nghệ thuật có nguy cơ vỡ trận.

Để giải quyết việc quá ít học sinh lựa chọn 1 môn học thì có phương án cho rằng, có thể phối hợp với các trường khác để mở lớp có môn phù hợp như gợi ý của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới:

“Việc cho phép học sinh theo học một số môn ở các trường chuyên nghiệp và những trường khác trên địa bàn có môn học phù hợp cũng là một biện pháp để giải quyết tình trạng số học sinh đăng ký học một số môn học quá ít, không đủ điều kiện tổ chức lớp”.

Là giáo viên đang dạy bậc trung học phổ thông, tôi dám chắc gợi ý của ông Thuyết cũng chỉ là lí thuyết suông, không có cơ sở nào để thực hiện cả. Đơn cử, mỗi trường có một thời khóa biểu riêng thì học sinh đi học vào thời gian nào, không lẽ học vào ngày nghỉ Chủ nhật?

Tôi cho rằng, hậu quả của việc thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông là do tư duy người làm chương trình "sinh con rồi mới sinh cha".

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/thach-thuc-voi-truong-hoc-khi-chuong-trinh-lop-10-thay-doi-4441679.html

https://tuoitre.vn/tp-hcm-nhieu-quan-huyen-khong-tuyen-duoc-giao-vien-nhac-hoa-20211112080217544.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương