Lớp 1 chương trình mới chất lượng tốt hơn nhờ học thêm hay học trên lớp?

14/08/2021 09:16
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh học ở trường về nhà không phải cày ở lớp học thêm, cha mẹ không tốn công sức kèm cặp tới khuya mà cuối năm các em vẫn đọc thông viết thạo mới đáng mừng.

Tại báo cáo tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận định:

Kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định. Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006.

Học sinh lớp 1 (Ảnh: P.T)

Học sinh lớp 1 (Ảnh: P.T)

Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2. [1]

Bộ Giáo dục nhận định không sai

Ngay sau khi năm học 2020-2021 vừa kết thúc, người viết bài đã có cuộc nói chuyện với khá nhiều giáo viên dạy lớp 1 tại trường mình công tác về nhận xét học sinh lớp 1 năm học này so với học sinh của chương trình hiện hành.

Thật bất ngờ, người viết đã nhận được những lời nhận xét khá giống như nhận định của Bộ Giáo dục rằng, kết thúc năm học, học sinh lớp 1 đọc tốt hơn, nhiều em đã đọc trơn được những văn bản dài như của học sinh lớp 2.

Nhiều em viết chính tả tốt hơn, các em đã biết nghe viết chứ không còn là tập chép như trước kia.

Đây cũng chính là nhận xét của khá nhiều giáo viên dạy lớp 1 ở nhiều trường học khác. Vì thế, chúng tôi mới khẳng định rằng những nhận định của Bộ Giáo dục như trên là không hề sai.

Tuy nhiên, sau những nhận định về sự tiến bộ của các em, nhiều thầy cô giáo đặt câu hỏi: để đạt được những kết quả nổi trội ấy, có ai biết giáo viên, học sinh và phụ huynh đã phải chịu áp lực và vất vả đến mức nào không?

Đằng sau những thành tích nổi trội của học sinh lớp 1

Một giáo viên ở tỉnh Nghệ An cho biết: “Tôi đang dạy lớp 1 có 33 học sinh. Những buổi đầu, khoảng nửa lớp nắm được chương trình lớp 1 mới. Trong khi đây là lớp tiếng Anh tích hợp, nhiều phụ huynh đã cho con học chữ trước.

Ở môn tiếng Việt, đầu tiên vỡ lòng các em phải được viết các nét móc trên, móc dưới, nét thẳng. Đằng này nhập môn là các em viết luôn chữ "a", "b". Thời gian chỉ có 35 phút không đủ để tiếp thu, chưa kể những hôm học 3-4 vần trong một tiết”. [2]

Một số giáo viên lớp 1 ở Bình Thuận cũng cùng chung nhận xét: giáo viên phải vắt hết sức để dạy tăng tốc, dạy miệt mài, dạy tăng cường Toán, tiếng Việt mới mong các em nắm kiến thức.

Trên lớp, giáo viên dạy “bở hơi tai”, về nhà phụ huynh cũng áp lực dạy con không kém. Chỉ tội những đứa nhỏ bị nhồi kiến thức suốt ngày, đến đêm mới được nghỉ ngơi.

Chị Mai, một phụ huynh có con học lớp 1 tại Bình Thuận cho biết: “Con học cả ngày trên trường về chỉ kịp cho ăn vội cái gì đó là chở đến lớp học thêm. Học 2 tiếng đón con về, mẹ vẫn phải ngồi bên con thêm 2 tiếng nữa để viết bài và ôn bài ngày mai.

Mỗi ngày con phải đọc từ 2 đến 4 âm vần nên không luyện tập nhiều không bao giờ nhớ kiến thức. Bài cũ chưa thuộc thì sao có thể nhớ bài mới?

Dạy hoài mà con cứ đọc sai, có hôm vừa dạy vừa mắng. Mẹ khản hơi, con khóc rấm rức, ba xót ruột lên tiếng thế là cả gia đình xích mích cũng vì việc học của con”.

Không riêng chị Mai, khá nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đều cho biết, dù các bé học cả ngày trên trường nhưng tối về phải cho con viết thêm bài tới khuya, không dám cho bé đăng ký học các môn năng khiếu khác, vì chỉ viết chữ không thôi đã hết cả các buổi tối trong tuần.

"Đúng là chương trình lớp 1 quá nặng. Các em phải tập viết chữ, phải ghép vần và đọc luôn.

Vì thế, việc dạy con học như là một cuộc chiến. Tối nào con cũng phải viết một trang giấy, không còn thời gian để chơi nữa”.

Học sinh lớp 1 chương trình mới nổi trội hơn nhưng việc dạy và học miệt mài của cả thầy và trò như thế có đi ngược với mục tiêu giáo dục?

Mục tiêu của giáo dục chương trình mới là phát triển năng lực phẩm chất học sinh. Nghĩa là, các em sẽ được giáo dục toàn diện. Vậy nhưng, theo lời của giáo viên trên lớp dạy “bở hơi tai”, tăng cường Toán, tiếng Việt.

Phụ huynh thì “không dám cho bé đăng ký học các môn năng khiếu khác, vì chỉ viết chữ không thôi đã hết cả các buổi tối trong tuần”; “tối nào cũng viết 1 trang không còn thời gian chơi”. Việc dạy con của phụ huynh đã trở thành “cuộc chiến”.

Dạy và học áp lực như thế thì cuối năm các em sẽ đọc thông viết thạo hơn chương trình cũ là điều tất nhiên. Và như thế không thể khẳng định, chương trình và sách giáo khoa mới đã giúp cho học sinh vượt trội.

Khi và chỉ khi, học sinh sau thời gian học ở trường về nhà không phải cày ở lớp học thêm, cha mẹ cũng không tốn công sức để kèm cặp tới khuya mà cuối năm các em vẫn đọc thông viết thạo như thế mới thật sự thành công và đáng mừng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/mot-so-dia-phuong-van-gap-kho-tuyen-dung-hop-dong-giao-vien-765085.html

[2]https://tuoitre.vn/chuong-trinh-lop-1-moi-day-con-hoc-nhu-mot-cuoc-chien-20201002075534647.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết