Luật sư lên tiếng vụ “Thầy giáo Luật bị tố ăn tiền”

26/05/2011 08:41
(GDVN) - Nếu sự thật như lá đơn tố cáo thầy giáo "ăn" tiền của sinh viên, PGS. TS Nguyễn Bá Diến có thể bị kết vào tội nhận hối lộ hoặc cưỡng đoạt tài sản.

(GDVN) - Nếu sự thật như lá đơn tố cáo thầy giáo "ăn" tiền của sinh viên, PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Trưởng bộ môn Luật quốc tế, khoa Luật, Đại học QG Hà Nội có thể bị kết vào tội nhận hối lộ hoặc cưỡng đoạt tài sản – Nhiều luật sư chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Anh Sơn - Văn phòng luật sư Việt Thái, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Nếu một người mà có hành vi uy hiếp cho sinh viên điểm thấp để sinh viên phải đem tiền đến cho mình thì người đó có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Nhưng nếu cũng hành vi“uy hiếp” cho sinh viên điểm thấp như trên, mà những sinh viên này hỏi các sinh viên khóa trước rằng việc“đi thầy” sẽ được điểm cao thì sẽ là những dấu hiệu của hành vi nhận hối lộ, bởi ở đây ta xét bản chất của sự việc là: nếu không “đi thầy” thì có nguy cơ bị trượt do điểm kém giữa kỳ, còn nếu “đi thầy” lại được điểm cao.
 

Thầy Diến và con trai
Thầy Diến (áo trắng) và con trai (áo xanh)

Tuy nhiên, trong tội nhận hối lộ thì cả người nhận hối lộ và người đưa hối lộ đều phải bị xử lý, nếu hành vi đưa và nhận tiền diễn ra nhiều lần thì đó là phạm tội nhiều lần. Như vậy, phải tùy vào các chứng cứ có được thì mới kết luận được, người có hành vi như trên có ứng với hành vi nào, vi phạm tội nào được quy định trong Bộ Luật hình sự hay không”.

Nhưng hiện tại, chưa có kết luận chính thức việc thầy Diến có “ăn” tiền hay không. Nếu sự thật như thầy Diến nói, rằng ông bị “dựng cảnh”, những lá đơn tố cáo kia là có người xúi, thì người viết đơn, cũng như kẻ đứng đằng sau xúi, sẽ bị khép vào tội vu khống.

Tôi nghĩ, trong trường hợp đó, thầy Diến có thể đưa sự việc ra tòa kiện những người kia về hành vi sai trái đó.

Một luật sư khác (xin được giấu tên) cũng cho biết: “Nếu là người có quyền hạn, chức vụ, với hành vi cho điểm sinh viên thấp khiến cho sinh viên lo lắng và đến cuối kì phải “đi thầy” để được điểm cao, nhận tiền thì hành vi đó có thể là hành vi nhận hối lộ hoặc cưỡng đoạt tài sản. Nhưng theo tôi, tội nhận hối lộ rõ ràng hơn”.

Đơn tố cáo sinh viên của sinh viên K53
Đơn tố cáo sinh viên của sinh viên K53

                                        Tội nhận hối lộ:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trích Điều 279 (Bộ luật hình sự) 

Tuệ Minh

{iarelatednews articleid='3208,3139,3225'}