Lương giáo viên bàn mãi vẫn thế, chỉ mong Bộ "cởi trói" khỏi các chứng chỉ

12/12/2021 06:38
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi lần Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn việc xếp hạng, xếp lương lại kèm theo hàng loạt chứng chỉ đi kèm, nhiều giáo viên lại phải đi học, lại phải mất tiền...

Kể từ ngày 02/2/2021, Bộ Giáo và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập thì chuyện lương của giáo viên lại được nhiều người bàn luận nhiều hơn bao giờ hết.

Một số báo giật tít lương giáo viên lên đến mười mấy triệu đồng/ tháng nhưng rồi từ đó đến nay đã có thầy cô giáo nào được lĩnh lương mới hay chưa? Bây giờ “nghe đâu” Bộ lại đang sửa đổi chùm Thông tư này sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Lương giáo viên rất khó thay đổi trong thời điểm hiện nay và có lẽ trong vài năm tới đây cũng vậy. Bởi, muốn tăng lương cho giáo viên thì phải có tiền, hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước đâu phải là con số nhỏ.

Chỉ khổ giáo viên, sau khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ra đời thì nhiều thầy cô giáo đổ xô đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, một số trường đại học sư phạm thì tranh thủ mở hết lớp học viên này này đến lớp khác với cái tin đồn vu vơ là không có chứng chỉ này là giáo viên phải xuống hạng III.

Lương giáo viên đã được bàn luận, cân nhắc khá nhiều trong những năm qua (Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

Lương giáo viên đã được bàn luận, cân nhắc khá nhiều trong những năm qua

(Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

Lời hứa năm 2010 giáo viên sống được bằng lương đã thành dĩ vãng xa xôi

Ngày 17/11/2006, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ với 13 thầy cô vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc đại diện 44 giáo sư mới được công nhận chức danh năm 2006.

Trong buổi gặp gỡ này, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 thì nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

Lúc đó, nhiều giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, nhất là những sinh viên vừa mới ra trường nghe nói vậy thì háo hức và lạc quan lắm.

Thế nhưng, cho đến bây giờ đã hơn 15 năm trôi qua, ngành Giáo dục đã có thêm 3 Bộ trưởng nữa là thầy Phạm Vũ Luận, thầy Phùng Xuân Nhạ và thầy Nguyễn Kim Sơn nhưng giáo viên đã “sống được bằng lương” hay chưa thì đội ngũ 1,3 triệu nhà giáo trên cả nước hiện nay rõ hơn ai hết.

Nếu lấy mốc năm 2006- khi ông Nguyễn Thiện Nhân nói thì đến nay đã hơn 15 năm một chút và cũng lấy mốc một sinh viên đại học sư phạm ra trường lúc đó được tuyển dụng chính thức vào nghành giáo dục thì đến thời điểm bây giờ đang hưởng lương bậc 5, hệ số 3,66- tổng thu nhập khoảng 6,7 triệu đồng (nếu được nhận đầy đủ).

Với khoản lương này mà giáo viên chưa có nhà ở, đang phải ở thuê, kèm thêm 1 đứa con đang học cấp 2 thì giáo viên có sống được bằng lương hay không? Nhất là với giáo viên thường xuyên phải mua sắm thêm đồ dùng, tài liệu dạy học…

Nhưng, đó là những giáo viên đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn và không phải “nhờ vả” khi tìm kiếm việc làm nếu thầy cô nào có thêm khoản “trà nước” khi xin việc thì còn vất vả hơn nhiều.

Riêng đối với những thầy cô giáo đang phải dạy hợp đồng- nhiều nhất là ở tỉnh phía Bắc hưởng lương theo số tiết trong năm học, hoặc hưởng lương theo mức lương tối thiểu hiện nay là 1.490.000 đồng, hoặc những giáo viên mầm non suốt gần 2 năm nay do dịch bệnh mà không có việc làm thì họ còn sống khổ sở gấp nhiều lần?

Cũng chính vì đồng lương như thế nên phần nhiều giáo viên hiện nay đang khá vất vả, nhất là những giáo viên công tác xa nhà, những thầy cô dạy những môn học được xem là…môn phụ ở các nhà trường.

Giáo viên vẫn sống được bằng lương của mình đó thôi nhưng phần lớn là lương của... nghề tay trái. Việc gì chân chính, có thể kiếm ra tiền được là đội ngũ nhà giáo đều có thể làm. Những thầy cô giáo có thâm niên dưới 15 năm mà không làm thêm một việc khác thì rất khó trang trải chi tiêu trong gia đình hàng ngày và lo cho con em mình học hành.

Lương giáo viên rất khó có những thay đổi lớn

Có lẽ, trong thâm tâm của các vị Tư lệnh ngành trong nhiều nhiệm kỳ qua cũng luôn mong muốn đời sống của đội ngũ nhà giáo được cải thiện, có những chế độ, chính sách tiền lương riêng để tương xứng “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm”…

Bởi lẽ, ngành giáo dục hiện nay có khoảng 1,3 triệu giáo viên đang giảng dạy và quản lý ở các nhà trường- đây là một lực lượng đông đảo nhất so với các ngành nghề khác đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Nhìn lại hơn 15 năm qua, Đảng, Nhà nước cũng luôn quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, lương cơ sở cũng đã tăng nhiều lần nhưng thực tế việc tăng lương cơ sở vẫn không theo kịp được với giá cả thị trường.

Hơn 15 năm qua, nhiều văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, hướng dẫn việc xếp ngạch, xếp hạng, xếp lương giáo viên nhưng mọi thứ vẫn chỉ là “khuấy động tinh thần” đội ngũ nhà giáo một thời gian rồi lại rơi vào cõi thinh không mà thôi.

Chùm Thông tư số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT cũng hướng dẫn xếp hạng, xếp lương nhà giáo nhưng rồi lương giáo viên cũng có gì đột biến đâu? Giáo viên các cấp vẫn hưởng lương theo hệ số bằng cấp, thậm chí nhiều giáo viên có bằng đại học vẫn phải hưởng lương trung cấp trong suốt nhiều năm trời.

Tháng 2/2021 vừa qua, Bộ Giáo và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập nhưng có lẽ cũng chỉ là gây ra những tranh luận cho đội ngũ nhà giáo…

Mỗi lần Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn việc xếp hạng, xếp lương lại kèm theo hàng loạt chứng chỉ đi kèm, nhiều giáo viên lại phải đi học chứng chỉ và tất nhiên lại mất thêm một số tiền…

Đầu tháng 10/2021 vừa qua, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi thì lương giáo viên trong thời gian tới đây, ít nhất là cho đến thời điểm cải cách tiền lương trả theo vị trí việc làm sẽ không có những thay đổi đáng kể.

Cho dù Bộ Bộ Giáo và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT hay tới đây sửa đổi, ban hành bằng chùm Thông tư khác thì lương giáo viên cũng rất khó nằm ngoài quỹ đạo cải cách tiền lương theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.

Vì thế, lương giáo viên, cho dù tranh luận, bàn tới, bàn lui rồi cũng sẽ chưa thể có gì mới, nên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo "cởi trói" cho giáo viên khỏi các chứng chỉ đã là mừng lắm rồi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH