Mang đạo đức nghề nghiệp nhà giáo ra xếp hạng, có thầy cô cảm thấy bị tổn thương

09/03/2021 06:03
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Thấy thông tư mới xếp đạo đức nghề nghiệp theo hạng, mình không có hạng nào, tức là mình trở thành… không có đạo đức nghề nghiệp hay sao?"

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ: “Mình tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, sắp về hưu rồi, khi có thông tư mới, mình không được xếp hạng nào, thuộc vào bộ phận “chuyển tiếp”.

Thấy thông tư mới xếp đạo đức nghề nghiệp theo hạng, mình không có hạng nào, tức là mình trở thành… không có đạo đức nghề nghiệp hay sao?

Tôi thấy mình đang bị xúc phạm, tổn thương, khi Thông tư mới (Thông tư Số 01,02,03,04/ TT-BGDĐT – người viết) ra đời.

Không riêng mình tôi, nhiều giáo viên cùng cảnh ngộ, giáo viên hạng III cũng có cảm giác như thế.

Người trong ngành còn nhìn nhận nhau như thế, thử hỏi nhân dân, phụ huynh, học trò sẽ đánh giá như thế nào với giáo viên không có hạng hay hạng thấp, đó là điều buồn nhất mà tôi cảm nhận khi thông tư mới ra đời”.

(Ảnh minh họa: VTV)

(Ảnh minh họa: VTV)

Nguồn cơn của sự... xúc phạm, tổn thương là đây?

Thông tư Số 01,02,03,04/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập, mỗi hạng giáo viên lại có Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp riêng.

Ví dụ trong Thông tư Số 03//TT-BGDĐT: Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng III:

a) Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học cơ sở;

b) Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

c) Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

d) Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng II có ghi:

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I có ghi:

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Như vậy, giáo viên hạng I có đạo đức nghề nghiệp cao hơn hạng II; giáo viên hạng II có đạo đức nghề nghiệp cao hơn hạng III.

Với các Thông tư Số 01,02,04/ TT-BGDĐT đều tương tự. Việc xếp loại đạo đức nghề nghiệp giáo viên theo hạng như vậy vô hình trung làm giáo viên có hạng thấp hơn thấy bị xúc phạm khi đạo đức mình bị ... xếp thấp kém hơn.

Có cần có tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong xếp hạng giáo viên?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT về việc Quy định về đạo đức nhà giáo trong đó đã quy đĩnh rõ:

Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp.

1. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, l­ương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, th­ương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lư­ợng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.

2. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trư­ờng, của ngành.

3. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.

3. Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.[1]

Mọi giáo viên phải có chuẩn chung đạo đức nghề nghiệp nói riêng và đạo đức nhà giáo nói chung, dù giáo viên đó ở hạng nào, già hay trẻ, công tác trường công hay trường tư, thành phố hay nông thôn.

Những thầy cô giáo không bục giảng, thầy giáo quân hàm xanh, những người mở lớp dạy học miễn phí cho học trò nghèo, gieo chữ nơi vùng sâu, vùng xa; họ đang sống trong trái tim của phụ huynh, học sinh; họ là những người tử tế, đang lan tỏa yêu thương đến xã hội, không được xếp hạng nào, nhưng chắc chắn đó là những người có trái tim cao cả, đạo đức tuyệt vời.

Như vậy, đạo đức nghề nghiệp nhà giáo đâu phụ thuộc vào hạng giáo viên, phân hạng Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp rõ ràng không cần thiết, chỉ gây tổn thương, bất tiện cho nhà giáo.

Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bỏ các quy định chia hạng Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong các Thông tư Số 01,02,03,04/ TT-BGDĐT .

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư Số 01,02,03,04/ TT-BGDĐT

[1]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?_page=59&mode=detail&document_id=63657

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai