Miễn nhiệm Hiệu trưởng “đóng kịch” nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua

04/04/2020 15:23
An Yên
(GDVN) - Bà Trịnh Ngọc Thùy Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận đã bị miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng.

Ngày 3/4/2020, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó Trưởng Phòng phụ trách, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã xác nhận với Giáo dục Việt Nam về thông tin miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng đối với bà Trịnh Ngọc Thùy Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận.

Bà Hạnh cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo được giao trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy trình để về việc miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 của bà Mai.

Sau khi miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ bố trí công tác khác cho bà Mai theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cô Trịnh Ngọc Thuỳ Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) (thứ 2 từ trái sang) đã “diễn kịch” nhận giấy chứng nhận tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua trên lễ đài dù không đạt thành tích này. (Ảnh: c1vinhphong4.vinhthuan.edu.vn).
Cô Trịnh Ngọc Thuỳ Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) (thứ 2 từ trái sang) đã “diễn kịch” nhận giấy chứng nhận tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua trên lễ đài dù không đạt thành tích này. (Ảnh: c1vinhphong4.vinhthuan.edu.vn).

Như tin đã đưa, vào ngày 05/09/2019, trong buổi lễ khai giảng năm học 2019-2020, mặc dù bản thân không đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua nhưng bà Trịnh Ngọc Thùy Mai vẫn chỉ đạo để giáo viên Tổng Phụ trách đội của trường - là người dẫn chương trình của buổi lễ, xướng tên mình để bà Mai được lên sân khấu nhận thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Sau khi thông tin vụ việc được Giáo dục Việt Nam đăng tải, cơ quan có thẩm quyền của địa phương đã tiến hành kiểm tra, xác minh và phát hiện thêm nhiều sai phạm khác của bà Mai nên đã thực hiện xử lý kỷ luật bà với hình thức “cảnh cáo” cả mặt Đảng và Chính quyền.

Hành vi “đóng kịch” để nhận giấy khen của bà Mai đã gây nên sự bất bình rất lớn đối với bạn đọc khắp mọi miền đất nước trong suốt một thời gian dài.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi tiếp nhận thông tin đã phát biểu quan điểm về sự việc:

“Tôi có thể hình dung một con người không có điều gì tốt đẹp, buộc mọi người phải tôn vinh mình là Chiến sĩ thi đua bằng những sự giả dối, không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của ngành giáo dục.

Ngành giáo dục nói chung phải là sự trong sáng, minh bạch, rõ ràng, giỏi thì khen giỏi để khích lệ phát huy, chưa tốt thì nói chưa tốt để nhìn vào mà khắc phục.

Đối với người hiệu trưởng kia, nếu tôi có thẩm quyền, tôi sẽ ngay lập tức cách chức hiệu trưởng, thậm chí, đưa ra khỏi ngành giáo dục.

Không thể để một người với hành vi gian dối như vậy trong ngành giáo dục, gây ra một hình ảnh rất xấu”.

Hiệu trưởng “đóng kịch” nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua bị kỷ luật cảnh cáo
Hiệu trưởng “đóng kịch” nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua bị kỷ luật cảnh cáo

Và ông khẳng định: “Hình ảnh một Hiệu trưởng đã không đạt Chiến sĩ thi đua mà lại “dàn cảnh” sắp xếp để được nhận danh hiệu trước toàn trường, buộc người khác phải kiếm “đạo cụ” cho mình diễn trên sân khấu, sẽ khiến mọi người liên tưởng đến bệnh thành tích quá lớn trong toàn ngành giáo dục.

Nhưng không phải như vậy, ngành giáo dục không phải chỉ toàn những tiêu cực, những con người như vậy không nên ở trong ngành giáo dục, sẽ làm mất niềm tin của xã hội vào đội ngũ của toàn ngành.

Theo tôi, cách ứng xử của cấp lãnh đạo trước những hiện tượng như vậy là không thể nào bao che được, bởi vì mọi việc đã quá rõ ràng rồi.

Đó là một sự giả dối trắng trợn. Giả dối như vậy thì còn giáo dục ai nữa. Phải thẳng tay loại bỏ những “con sâu” để “thanh lọc” môi trường giáo dục. 

Xã hội hiện nay luôn đòi hỏi sự minh bạch, rõ ràng. Muốn có minh bạch, rõ ràng, phải giáo dục ngay cho thế hệ trẻ, từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống.

Đối với những người đã, đang và sẽ gắn bó với ngành sư phạm, lại càng phải trở thành một tấm gương.

Đặc biệt, những sinh viên sư phạm càng cần được giáo dục đạo đức, nêu cao đạo đức nghề nghiệp để giữ được sự trong sạch, minh bạch”.

An Yên