Mô hình tập huấn chương trình mới tạo động lực cho giáo viên phát triển năng lực

12/01/2022 06:57
Đào Văn Khởi (Giáo viên tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên chỉ cần có điện thoại thông minh và mạng Internet là có thể học ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Trong lần đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo mô hình học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp.

Chính việc thay đổi bằng hình thức tập huấn mới đã tạo động lực cho giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp.

Bồi dưỡng giáo viên qua ứng dụng công nghệ thông tin thời 4.0

Hình thức tập huấn thay sách giáo khoa, chương trình năm 2000 và lần bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khác biệt hoàn toàn.

Ở lần cải cách giáo dục trước, phần lớn là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đi tập huấn cấp bộ về triển khai cho giáo viên.

Giáo viên được bồi dưỡng trực tiếp 1 môn học từ 1-3 ngày với nội dung môn học và sách giáo khoa. Báo cáo viên sẽ giảng dạy lý thuyết và giáo viên sẽ dạy thử sách giáo khoa mới với “học trò” là chính đồng nghiệp, sau đó góp ý, rút kinh nghiệm.

Nhóm giáo viên cốt cán tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu tập huấn mô đun 3 tại Vũng Tàu. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Nhóm giáo viên cốt cán tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu tập huấn mô đun 3 tại Vũng Tàu. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục được thể hiện ở mô hình bồi dưỡng, tập huấn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 qua chương trình ETEP bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống LMS kết hợp trực tiếp được tổ chức thường xuyên, liên tục, tại chỗ, mọi lúc, mọi nơi đã biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng qua nguồn học liệu mở và mạng lưới đồng nghiệp hỗ trợ.

Giáo viên chỉ cần có điện thoại thông minh và mạng Internet là có thể học ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Chuyên gia, giảng viên sư phạm chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý Giáo dục bồi dưỡng cho 28 ngàn giáo viên cốt cán của 63 tỉnh thành trên cả nước.

Công thức bồi dưỡng các mô đun là 5-3-7 và 7-2-7. Mô đun 1, 2, 3 được bồi dưỡng theo mô hình 5-3-7 với 5 ngày trực tuyến: Đọc tài liệu, xem video, infographic, làm bài trắc nghiệm, tự học dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm chủ chốt.

Hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên hệ thống trực tuyến LMS trước khi học trực tiếp. 3 ngày học trực tiếp: Học tập trung trực tiếp dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm chủ chốt. 7 ngày trực tuyến tiếp theo: Hoàn thành các bài tập cuối khoá học dưới sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp.

Mô đun 4, 5, 9 được thực hiện triển khai theo mô hình 7-2-7 với 7 ngày trực tuyến: Đọc tài liệu, xem video, infographic, làm bài trắc nghiệm, tự học dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm chủ chốt, hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên hệ thống LMS trước khi học trực tiếp.

2 ngày trực tiếp qua lớp học ảo: Học tập trung dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm chủ chốt. 7 ngày trực tuyến: hoàn thành các bài tập cuối khoá học dưới sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp.

Tài liệu được số hóa, thuận lợi cho giáo viên nghiên cứu, học tập. Tài liệu các mô đun được các trường Đại học sư phạm thực hiện theo quy trình 18 bước.

Chất lượng bồi dưỡng được xây dựng từ khâu tài liệu cho đến hệ thống trực tuyến LMS, đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn.

Có thể nói, nguồn tài liệu khá phong phú, nội dung mới mẻ, khoa học và hiện đại. Tiếp cận được các tài liệu vô cùng bổ ích đó cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên đã có cơ hội phát triển chuyên môn, tự nâng cao tay nghề của mình, đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình.

Thảo luận nhóm ở lớp bồi dưỡng trực tiếp giáo viên đại trà môn Lịch sử và Địa lí Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thảo luận nhóm ở lớp bồi dưỡng trực tiếp giáo viên đại trà môn Lịch sử và Địa lí Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh do tác giả cung cấp)

Giáo viên cốt cán với động lực phát triển năng lực nghề nghiệp

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của người học, nói cách khác là chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.

Vì vậy, đổi mới về phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh, xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh sẽ quyết định sự thành công của chương trình cải cách giáo dục. Không ai khác, giáo viên sẽ là người quyết định trong đổi mới giáo dục.

Thật sự, để hỗ trợ giáo viên đại trà một cách hiệu quả thì giáo viên cốt cán phải giỏi chuyên môn, có khả năng truyền đạt đến đồng nghiệp.

Vững vàng về môn học, có kiến thức chuyên sâu, thành thạo công nghệ thông tin, kinh nghiệm giảng dạy, có thành tích trong giảng dạy, uy tín đối với đồng nghiệp...

Thật dễ dàng với thầy cô giáo viên cốt cán khi là “cây đa cây đề” của địa phương, nhưng cũng khá khó khăn với thầy cô trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều.

Cả nước có khoảng 28 ngàn giáo viên cốt cán được bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp bộ sau đó trở về triển khai cho đồng nghiệp là giáo viên đại trà tại tỉnh.

Giáo viên hào hứng tham gia một hoạt động tại lớp bồi dưỡng trực tiếp giáo viên đại trà môn Lịch sử và Địa lí ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh: Đào Văn Khởi)

Giáo viên hào hứng tham gia một hoạt động tại lớp bồi dưỡng trực tiếp giáo viên đại trà môn Lịch sử và Địa lí ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh: Đào Văn Khởi)

Trong 3 năm qua, giáo viên cốt cán đã được tập huấn 6 mô đun rất quan trọng, thiết thực, bổ ích: Mô đun 1. Hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Mô đun 2. Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh Tiểu học/Trung học cơ sở/Trung học phổ thông;

Mô đun 3. Đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, Mô đun 4. Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh Tiểu học/Trung học cơ sở/Trung học phổ thông,

Mô đun 5. Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học, Mô đun 9. Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh Tiểu học/Trung học cơ sở/Trung học phổ thông.

Để hoàn thành khối lượng 6 mô đun trên, giáo viên cốt cán cả nước đã rất vất vả, gian nan.

Vừa làm công tác giảng dạy, vừa tham gia bồi dưỡng và hỗ trợ đồng nghiệp, nhất là trong thời gian giáo viên phải dạy trực tuyến để thích ứng với đại dịch Covid-19 quả là đã lấy đi rất nhiều sức lực, thời gian của thầy cô giáo viên cốt cán.

Chỉ cần nhìn vào quy trình bồi dưỡng thôi đã thấy hết được áp lực và sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên cốt cán.

Vất vả là thế, song giáo viên cốt cán chúng tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian học tập và gặt hái được nhiều kết quả trong quá trình tập huấn.

Ở Mô đun 1, lớp Lịch sử và Địa lí chúng tôi đến từ các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu đã được cô Đào Thị Mộng Ngọc và thầy Phạm Đỗ Văn Trung, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn tận tình từ Mô đun 1, Mô đun 2 với nhiều kiến thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực là hành trang để chúng tôi trở về địa phương triển khai tới đồng nghiệp.

Đó còn là những hiểu biết sâu về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tổng thể là những quan điểm hiện đại khi xây dựng nền giáo dục mở, về chương trình, mục tiêu, quan điểm, điểm mới của chương trình, phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù của môn học, yêu cần đạt của môn học…

Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học là mô đun được giáo viên cốt cán, đại trà đánh giá cao và nhiều người hơi tiếc lẽ ra nếu được tập huấn một cách bài bản từ những lần cải cách giáo dục trước thì hay biết mấy.

Từ lý thuyết, thực tiễn của vấn đề tư vấn, hỗ trợ học sinh sẽ góp phần giúp giáo viên trong giảng dạy, giáo dục học sinh đạt hiệu quả cao hơn, tốt nhất có thể.

Trong thực tế, những khó khăn của học sinh trong học tập, giao tiếp và phát triển bản thân đòi hỏi người giáo viên phải thấu hiểu, chia sẻ kịp thời với học sinh, là chỗ dựa tin tưởng từ đó giúp các em vượt qua những cú sốc tâm lý, tiến bộ trong học tập, phát triển bản thân, mạnh dạn trong giao tiếp...

Muốn vậy, giáo viên phải có kiến thức, kĩ năng, phương pháp tư vấn, hỗ trợ một cách khoa học.

Trong thời gian dạy học trực tuyến để ứng phó với đại dịch, mô đun “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh Tiểu học/Trung học cơ sở/Trung học phổ thông” được tập huấn kịp thời cho giáo viên cốt cán đã góp phần vào việc thúc đẩy chất lượng giảng dạy trực tuyến.

Khi việc dạy học trên nền tảng trực tuyến còn khá mới mẻ, chưa có kinh nghiệm thì việc bồi dưỡng mô đun 9 cho giáo viên cốt cán như dòng nước mát tưới vào cánh đồng khô hạn.

Mô đun 9 cho giáo viên cốt cán chúng tôi có thêm nhiều kĩ năng cần thiết khi dạy học trực tuyến, điều mà bấy lâu nay phần lớn giáo viên chỉ tự tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp, tham khảo tài liệu và tìm hiểu trên mạng.

Có thể khẳng định, chương trình bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 cho giáo viên cốt cán đã góp phần rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo đà trong việc thực hiện chương trình mới.

Trải qua 6 mô đun tập huấn giáo viên cốt cán môn Lịch sử và Địa lí tiểu học đã được các thầy cô giảng viên sư phạm chủ chốt Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh: Đào Thị Mộng Ngọc, Nhữ Thị Phương Lan, Phạm Thị Bình, Huỳnh Phẩm Dũng Phát, Phan Văn Phú, Ngô Sỹ Tráng, Đỗ Công Nam, Hoàng Tuấn Ngọc hướng dẫn và đã tạo động lực vô cùng lớn để phát triển năng lực nghề nghiệp cho tôi và đồng nghiệp.

Lan tỏa, truyền cảm hứng đổi mới đến đồng nghiệp

Trong 3 năm qua, giáo viên cốt cán cả nước đã triển khai, hướng dẫn các mô đun 1,2,3,4,5 cho giáo viên đại trà tại địa phương được các giảng viên sư phạm chủ chốt đánh giá khá tốt, đã “truyền lửa” những đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến với đồng nghiệp địa phương.

Giáo viên cốt cán chúng tôi luôn sát cánh, hỗ trợ đồng nghiệp trong suốt quá trình bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp với các nhiệm vụ như: 1. Hỗ trợ giáo viên phổ thông truy cập vào tài khoản học tập và cập nhật hồ sơ cá nhân trên hệ thống LMS. 2. Hỗ trợ giáo viên phổ thông tự học trên hệ thống LMS (hướng dẫn trao đổi thảo luận...). 3. Tham gia hỗ trợ giáo viên phổ thông tại các buổi sinh hoạt chuyên môn trực tiếp tại trường/cụm trường/đơn vị: trao đổi kế hoạch bài dạy, dự giờ, thảo luận chuyên đề... 4. Chấm/đánh giá các bài tập hoàn thành mô đun của giáo viên phổ thông trên hệ thống LMS. 5. Hướng dẫn giáo viên phổ thông trả lời Phiếu khảo sát. 6. Xây dựng báo cáo kết quả hỗ trợ đồng nghiệp.

Một hoạt động trò chơi tại lớp bồi dưỡng trực tiếp giáo viên đại trà môn Lịch sử và Địa lí ở Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh: Đào Văn Khởi)

Một hoạt động trò chơi tại lớp bồi dưỡng trực tiếp giáo viên đại trà môn Lịch sử và Địa lí ở Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh: Đào Văn Khởi)

Mô hình bồi dưỡng mới đã hình thành, phát triển một cộng đồng học tập trong giáo viên. Cũng như giảng viên sư phạm chủ chốt hướng dẫn, hỗ trợ, giáo viên cốt cán đã kết nối, tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức với giáo viên phổ thông đại trà qua nền tảng trực tuyến, qua điện thoại, email, Zalo... Nhiều nội dung, thắc mắc của giáo viên được chia sẻ, giải đáp một cách nhanh chóng. Đó là kết quả ngoài mong đợi của mô hình bồi dưỡng mới này.

Với những hướng dẫn của giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên cốt cán chúng tôi đã truyền lại những phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, phương pháp đánh giá hiện đại, xây dựng kế hoạch bài dạy phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh đến giáo viên đại trà.

Các phương pháp dạy học phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh qua môn Lịch sử và Địa lí như: Dạy học hợp tác, dạy học dự án, dạy học thực địa hay một số phương pháp đặc thù của môn học được chia sẻ đến đồng nghiệp, giúp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Những trò chơi, các hoạt động được chúng tôi thiết kế rất đa dạng giúp đồng nghiệp vận dụng vào giảng dạy trên lớp nhằm phát huy tính tích cực, tạo hứng thú cho học sinh: Vòng quay kỳ diệu, Ai là triệu phú, Chiếc nón kỳ diệu, Giải cứu rừng xanh, Ô chữ bí mật, Thử tài, Đoán ý đồng đội... hay các trò chơi trực tuyến trên Kahoot, trên ứng dụng Azota...

Bên cạnh đó, chúng tôi mở ra cho đồng nghiệp làm quen, tiếp cận với các phần mềm hỗ trợ dạy học, quản lý lớp học trực tuyến như Google Classroom, Kahoot, Padlet, Azota... để giáo viên ứng dụng vào dạy học trực tuyến trong mùa đại dịch của năm học 2021-2022 ở Đồng Nai.

Chúng tôi tâm niệm rằng sẽ truyền cảm hứng đổi mới cho đồng nghiệp càng nhiều càng tốt để có những tiết dạy Lịch sử thú vị, cuốn hút học trò. Và nhiều cái hay, cái mới lạ được giáo viên hào hứng đón nhận, mang về trường áp dụng, “làm mới” những tiết dạy đã thật sự tạo hứng thú, lôi cuốn học sinh, tạo không khí đổi mới trong dạy học lan tỏa đến các trường học.

Chương trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã khép lại và cán đích đúng như kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đại dịch Covid-19, để thích ứng và kịp tiến độ triển khai chương trình mới, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, công tác bồi dưỡng đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Điều này cũng tạo niềm tin cho việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sẽ thành công như mong đợi của toàn xã hội để nền giáo dục nước nhà phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đào Văn Khởi (Giáo viên tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai)