Môn Lịch sử trở thành môn tự chọn như chuyện “ván đã đóng thuyền”

24/04/2022 06:58
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ tiếc, bao nhiêu ý kiến tâm huyết của nhiều nhà giáo trên cả nước góp ý, phản biện chương trình tổng thể, chương trình môn học đã không được lãnh đạo Bộ để ý.

Ông bà ta xưa từng có rất nhiều câu nói hay về chuyện đã rồi, như: “ván đã đóng thuyền”; “con đã mọc răng nói năng chi nữa”; “bát cơm đã chót chan canh mất rồi”…và việc môn Lịch sử hay một số môn học khác trở thành môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông bây giờ cũng vậy.

Trước khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông thì Bộ đã thông qua dự thảo chương trình tổng thể; chương trình môn học và thông qua chính thức từ năm 2017 và năm 2018 nhưng lúc đó dư luận có mấy người lên tiếng đâu.

Hàng trăm bài viết phản biện trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ về chương trình, về môn trở thành tiếng nói lẻ loi, đơn độc và lãnh đạo Bộ, người viết chương trình tổng thể, chương trình môn học gần như lờ đi tất cả.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giới thiệu về chương trình mới, ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giới thiệu về chương trình mới, ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.

Những ý kiến về môn Lịch sử bây giờ cũng chỉ là chuyện ném đá ao bèo…

Phải nói thẳng ra rằng bây giờ nhiều người lên tiếng về chuyện môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông nhưng ý kiến bây giờ còn có ý nghĩa gì nữa đâu.

Bởi lẽ, ngày 28/7/2017 thì chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua. Đến ngày 27/12/2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học và đây được xem là pháp lệnh rồi.

Lúc chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thông qua thì những người trong cuộc hoan hỉ, tự tin về một chương trình đầu tư công phu, khoa học, phù hợp với xu thế thế giới.

Giờ đây, mọi chuyện gần như đã an bài vì chương trình tổng thể, chương trình môn học đã được thông qua chính thức, sách giáo khoa lớp 10 đã được Bộ trưởng phê duyệt và có lẽ các nhà xuất bản đã chuẩn bị hoàn thành các cuốn sách còn lại của các lớp ở cấp học này.

Kiến thức phân môn Lịch sử cũng đã được biên soạn trong môn Tự nhiên và Xã hội; môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu học và môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở và một số lớp cũng đã giảng dạy từ 2 năm nay.

Nhớ lại, những ngày chương trình còn trong dự thảo, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (bây giờ là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) đã có không biết bao nhiêu bài viết về chủ đề này, như: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp?; Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy;

Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm; Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ”; “Tích hợp” Lịch sử và Địa lí, nhóm biên soạn mới nghĩ được 4 chủ đề?; Cố gò 2-3 môn vào 1 sách làm chi? Bao giờ Bộ công bố chương trình môn học?; Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này?....

Không chỉ là chuyện môn Lịch sử và các môn “tích hợp” ở cấp trung học cơ sở, chuyện viết sách giáo khoa của các nhà xuất bản cũng đã được phản biện thấu đáo với hàng trăm bài viết khác nhau nhưng rồi mọi chuyện cứ trôi dần vào cõi thinh không.

Vì thế, thời điểm này trên nhiều diễn đàn báo chí, mạng xã hội mới đồng thanh lên tiếng về sự bất cập trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, về số phận môn Lịch sử nhưng nó có còn ý nghĩa gì nữa đâu?

Chính vì thế, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết mới tự tin để khẳng định: "Việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế". [1]

"Con đã mọc răng nói năng chi nữa?"

Là những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại trường phổ thông, chúng tôi luôn mong muốn vào sự thay đổi và phát triển của ngành nhưng với chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì bản thân người viết bài này không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng.

Cho dù những người viết chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa đã ca ngợi về tính ưu việt của chương trình mới, hay những bộ sách giáo khoa của mình viết ra thì chúng tôi vẫn cảm nhận được những gian nan trong chặng đường tới đây.

Có lẽ ít nhất cũng phải 5-7 năm nữa thì chương trình 2018 mới có thể định hình được bản sắc của mình và mới tạm đi vào ổn định về cách thức thực hiện. Bởi, bây giờ nhiều trường học, giáo viên đang còn rất mơ hồ, mông lung trước việc kiến tạo và triển khai thực hiện chương trình mới của Bộ.

Chuyện không chỉ dừng lại ở môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông và cấp tiểu học và trung học cơ sở thì môn Lịch sử chỉ là một phân môn trong các môn tích hợp mà nhiều môn học hiện nay cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Hiện nay, cấp trung học cơ sở thì môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí đang rất rối vì một môn học mà 2-3 giáo viên dạy. Môn Nghệ thuật thì 2 giáo viên dạy, kiểm tra thường xuyên riêng nhưng kiểm tra định kỳ và đánh giá chung. Nội dung giáo dục địa phương có 6 giáo viên dạy; Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp thì giáo viên dạy cho có…

Cấp trung học phổ thông thì có tới 108 tổ hợp từ các môn bắt buộc và tự chọn khác nhau nhưng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật bây giờ gần như chưa có nên việc tuyển sinh vào lớp 10 và bố trí lớp học theo tổ hợp tới đây ở cấp trung học phổ thông sẽ còn rất gian nan lắm.

Chỉ tiếc, rất nhiều ý kiến tâm huyết của nhiều nhà giáo trên cả nước góp ý, phản biện chương trình tổng thể, chương trình môn học đã không được lãnh đạo Bộ đếm xỉa đến.

Vậy nên, mới có chuyện Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi chưa làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì trong một bài viết gửi đến Báo VnExpress vào ngày 12/11/2014 đã lên tiếng:

Bộ sách giáo khoa hiện hành được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Nếu lần này, đề án đổi mới chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc này cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tự thực hiện, tự đánh giá thì khó có thể yên tâm về chất lượng và tính khả thi của những bộ sách giáo khoa đó.

…Theo tôi, có thể chọn một phương án khác là trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành một cách cụ thể hơn, chúng ta giữ lại những bộ sách phù hợp, chỉ thay những quyển sách, những nội dung không phù hợp.

Ưu điểm của phương án này là phù hợp với thời gian biên soạn, thử nghiệm, tập huấn quá ngắn và đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước”. [2]

Thế nhưng, khi thầy Nguyễn Minh Thuyết được mời làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì thầy Thuyết đã có nhiều những phát ngôn ngược lại vì chương trình mới không được thực nghiệm đại trà, nhiều môn học đã bị xóa sổ để thành môn tích hợp.

Thậm chí, môn Lịch sử cũng trở nên long đong khi bị gán ghép với môn Địa lí ở tiểu học và trung học cơ sở. Lúc môn Sử được đứng độc lập ở cấp trung học phổ thông thì nó đã trở thành môn học tự chọn! Nhưng, chúng tôi cho rằng tất cả là chuyện đã rồi và giờ này không bao giờ Bộ thay đổi khi tất cả gần như đã an bài.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/lich-su-thanh-mon-lua-chon-anh-huong-toi-giao-duc-long-yeu-nuoc-tong-chu-bien-tra-loi-2010313.html

[2] https://vnexpress.net/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html

KIM OANH