Một cái Tết không trọn niềm vui

23/01/2012 06:00
Minh Quý
(GDVN) - “Tết này em sẽ không có quần áo mới, không được cùng mẹ luộc bánh chưng và bày mâm ngũ quả. Tết này...”
Tiếng nói nghẹn lại bởi những tiếng nấc liên hồi. Những giọt nước mắt dần lăn xuống trên đôi má của cô  học trò nghèo vượt khó tại xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

“Xuân này mẹ vắng nhà”

Từ xa xa, một bóng dáng nhỏ bé, thoăn thoắt bước vội về nhà trong bóng chiều đang ngả dần phía sau căn nhà cấp 4 nho nhỏ phía chân đồi.Cô bé đó là Nguyễn Thị Hà (học sinh lớp 9A trường THCS Thạch Quảng, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). 
Chiếc chiếu cũ rách được dùng để che chắn cửa sổ giúp gia đình em vượt qua mùa đông này
Chiếc chiếu cũ rách được dùng để che chắn cửa sổ giúp gia đình em vượt qua mùa đông này
“Nó lại vừa đi học về đấy. Từ khi nó biết mình được vào danh sách đội tuyển đi thi học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh thì nó càng chăm chỉ đi học hơn. Mặc dù Nhà trường đã cho nghỉ Tết từ mấv ngày hôm trước nhưng mà em nó vẫn cứ đến nhà cô giáo để hỏi bài. Cũng thấy ái ngại với cô giáo nhưng cũng chẳng cấm nó được”. ông Nguyễn Văn Khánh, bố em Nguyễn Thị Hà phân bua với tôi khi nhìn thấy dáng con gái mình từ xa. 
Chào bố và khẽ chào tôi, em vội bước vào nhà nhanh thoăn thoắt vẻ nhút nhát thẻ hiện qua từng hành động.  Đôi mắt lém lỉnh, hàng lông mày cong vút, tôi nhân thấy ở em có một ý chí và nghị lực rất khác biệt so với những người bạn đồng trang lứa. Nước da bánh mật với đôi bàn tay nhỏ nhắn, gân guốc đã nói lên một tuổi thơ vất vả của em. 
Xã Thạch Quảng với gần 80% dân cư là người dân tộc Mường, là một xã vừa thoát nghèo song đời sống  của người dân tại đây cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế chủ yếu của xã lấy nông nghiệp làm điểm nhấn. Bước chân  vào đầu xã, chỉ cần hỏi gia đình nhà nào có hoàn cảnh éo le nhất nhưng con cái học giỏi nhất ai cũng chỉ thẳng tay hướng về nhà Hà.
Em Nguyễn Thị Hà không mong gì tới tết, bởi mỗi lần đến tết càng làm em nhớ mẹ hơn.
Em Nguyễn Thị Hà không mong gì tới tết, bởi mỗi lần đến tết càng làm em nhớ mẹ hơn.
Mới vừa thoát khỏi hộ nghèo được thời gian thì sóng gió liên tiếp đến với gia đình em. Mùa đông năm ngoái, cả gia đình và họ mạc bỗng “ngã ngửa” khi biết tin mẹ của em bị một khối u ác tính và thời gian sống chỉ còn tính được bằng tháng. Những tháng ngày ngắn ngủi bên mẹ đối với Hà luôn là những kỉ niệm không thể nào quên. Em cho biết: “Những lần nhìn thấy mẹ quằn quại vì khối u hành hạ mà em không biết làm thế nào để giúp mẹ đỡ đau hơn. Mẹ đau, mẹ giấu em chỉ luôn căn dặn em nhớ học hành cho bằng bạn bằng bè là mẹ vui”. 
Theo những người dân xung quanh kể lại thì dạo đó ngôi nhà của  gia đình em ở là một căn nhà tranh tre vách đất. Khi căn bệnh của mẹ đã bước sang những tháng cuối đời, căn nhà cũng trở nên xiêu vẹo, quằn quại sau những cơn đau.
Nỗi đau trước những cơn vật vã của mẹ chưa hết thì cả nhà chết lặng trước cái chết cậu em trai 4 tuổi trong dịp đầu hè. “Khi đó, nỗi đau về thể xác đã dày vò mẹ, giờ mẹ còn phải chứng kiến cảnh em trai của em ra đi. Khi đó em chỉ sợ mẹ em vì quá thương em trai mà bỏ bố và 2 chị em của em đi theo em trai em”. Tiếng của Hà nấc nghẹn trước sự im lặng đến lạnh lẽo của căn nhà. 
Căn nhà rộng chưa đầy 20m2 được xây bởi tiền của Nhà nước hỗ trợ cho những hộ nghèo. Trong nhà, kê được được 1 cái giường, 1 cái bàn thờ của mẹ và một cái chõng. Thứ giá trị  nhất mà tôi nhận thấy đó là chiếc nồi cơm điện loại nhỏ dùng cho 2 người ăn được đặt trên chiếc bàn kê cạnh cửa  ra vào. Hai chiếc cửa số được che chắn bởi hai chiếc chiếu to để gia đình em có thể chống chọi với mua đông năm nay.

Ông Khánh chia sẻ: “Xây căn nhà này lên những mong cả gia đình sẽ được sống hạnh phúc đầm ấm trong đó, nhưng nào ai ngờ... Giờ tôi chỉ còn trông vào 2 chị em nó, lấy đó làm niệm tự hào và động lực để tôi  sống tiếp”.

“Con học giỏi là bố hạnh phúc lắm”

Liên tục đạt học sinh giỏi từ lớp 1 cho tới lớp 8 chưa phải là những thành tích đáng nêu lên đối với cô học trò giàu nghị lực này . Điều khiến người khác khâm phục em sau lần gặp đầu tiên chính là sự ham học hỏi và đam mê trau dồi kiến thức của em. 
Ông Nguyễn Văn Khánh, bố em Nguyễn Thị Hà cho biết, hàng ngày nhìn thấy con hành hành bằng bạn bằng bè, học tập tốt là ông thấy vui nhất.
Ông Nguyễn Văn Khánh, bố em Nguyễn Thị Hà cho biết, hàng ngày nhìn thấy con hành hành bằng bạn bằng bè, học tập tốt là ông thấy vui nhất.
Trong căn nhà mộc mạc có chiếc bàn còn nguyên vẹn nhất em thường dùng để ngồi học thì cũng được mang làm bàn thờ mẹ và em sau khi qua đời. Khi thắc mắc em học bài như thế nào sau mỗi buổi đi học về thì em chỉ cười rồi hướng lên chiếc giường gỗ ọp ẹp ngây thơ trả lời “Em thường quấn chăn để học. Vừa ấm vừa tiện anh ạ”. Nở một nụ cười thật tươi cho câu trả lời của mình. 
Chính vì hoàn cảnh éo le của Hà mà trong trường Hà luôn được các thầy cô trong trường và các bạn trong lớp yêu quý, quan tâm đặc biệt. Thường xuyên hỏi thăm, hạn chế tới mức tối thiểu những khoản kinh phí không bắt buộc đối với em. Đặc biệt, trong những lớp dạy phụ đạo, các thầy cô không lấy phí đối với em. 

Khi chia sẻ với tôi về em Nguyễn Thị Hà, thầy Nguyễn Khắc Toàn (chủ nhiệm lớp em Hà) cho biết: “Em Hà là một học sinh ngoan, được rất nhiều bạn bè và thầy cô giáo yêu quý. Đối với em Hà, tôi có một sự quan tâm đặc biệt dành cho em. Không phải vì em mang lại nhiều thành tích cho trường mà là vì hoàn cảnh và sự nỗ lực của em.

Tôi vẫn nhớ có một lần duy nhất em nghỉ học mà không có lí do. Hôm đó tôi rất bực và đã đánh dấu em trong bảng danh sách những học sinh nghỉ học không lí do. Nhưng sau khi nghĩ lại thì tôi thấy em Hà chưa bao giờ nghỉ học buổi nào mà hôm nay lại như thế, chắc là gia đình có chuyện. Sau buổi học tôi liền cùng các bạn vào thăm hỏi thì ngỡ ngàng khi hôm đó chính  là ngày mẹ em mất. Tôi cảm thấy có lỗi với chính mình và đây sẽ là chuyện không bao giờ quên” thầy Toàn nhớ lại.
Ông Tào Huy Tường – hiệu trưởng trường THCS Thạch Quảng chia sẻ “ “Hàng chục năm làm hiệu phó rồi làm hiệu trưởng tại trường này tôi chưa thấy em học sinh nào gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà lại có nghị lực lớn như em Hà.  Em Hà là một niềm tự hào của cả trường, gia đình và xã Thạch Quảng chúng tôi”.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội


Minh Quý