Muốn chống quay cóp khi thi, cứ cho sinh viên xem tài liệu thoải mái

01/01/2020 07:41
Cao Nguyên
(GDVN) - Người đi thi thuộc hay chép đúng như tài liệu mà được điểm cao thì hãy xem lại cách dạy, ra đề và chấm thi.

Ngày 29/12/2019, một sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) bày tỏ sự bất bình với việc hàng loạt sinh viên trường mình thản nhiên sử dụng tài liệu trong phòng thi lên trang Đại học Quy Nhơn Confessions, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng (đa số là sinh viên).

Theo đó, nội dung bài đăng trên trang Đại học Quy Nhơn Confessions như sau:

“Chào các bạn!

Chắc mình cũng không nói dài dòng, mọi người nghĩ sao về chuyện sinh viên sử dụng tài liệu quá nhiều trong phòng thi, theo mình thấy tỉ lệ phải lên tới 60 - 70% và cũng có thể hơn.

Không biết các bạn thấy sao, mình thấy cực kì khó chịu... Mình thức đêm thức ngày học bài, còn các bạn đó bỏ 5 đến 10 ngàn phô-tô tài liệu, rồi điểm còn cao hơn cả tụi mình.

Mình mới năm nhất, mình thắc mắc không biết nộp 50 ngàn lệ phí cho giáo viên coi thi làm cái gì, khi vô phòng mang tiếng giám thị... người thì cầm điện thoại, người thì làm việc riêng... có khi chỉ có một người trong phòng... gọi là bỏ lơ muốn làm gì thì làm.

Vừa qua thi môn “Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”, mình thấy sinh viên cầm điện thoại, phô nhỏ tài liệu, giáo viên thấy, kệ … muốn làm gì làm...

Nghĩ sao công sức mình bỏ ra cả tuần để học không bằng người ta lật lật một hai giây. Thật sự không công bằng một tẹo nào.

Rồi sẽ có tỉ lệ sinh viên sử dụng tài liệu lên tới 80 - 90% nhờ sự coi thi thiếu khách quan và thả lỏng của giáo viên. Dẫn tới tình trạng ỷ lại... sinh viên kém chất lượng…

Kí tên, sinh viên Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn .

Một sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn bày tỏ sự bất bình với việc hàng loạt sinh viên trường mình thản nhiên sử dụng tài liệu trong phòng thi lên trang Đại học Quy Nhơn Confessions. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Một sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn bày tỏ sự bất bình với việc hàng loạt sinh viên trường mình thản nhiên sử dụng tài liệu trong phòng thi lên trang Đại học Quy Nhơn Confessions. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Sau hai ngày đăng tải, bài viết nhận về gần 1.000 lượt tương tác cùng với 1,3 ngàn bình luận và hàng chục lượt chia sẻ.

Điều đáng nói, hơn 90% tài khoản để lại bình luận dưới bài đăng bày tỏ sự bất bình, không đồng tình với quan điểm, suy nghĩ của bạn sinh viên này.

Nhiều tài khoản cho rằng, sinh viên đi thi sử dụng tài liệu là chuyện rất bình thường, có gì mà phải làm ầm ĩ.

Cá biệt, hàng trăm tài khoản dùng lời lẽ khó nghe, nói bạn sinh viên kia nên bỏ suy nghĩ chuyện trung thực trong phòng thi.

Tài khoản Trà My an ủi:

“Kệ người ta đi em ơi. Mấy cái đó thật sự chẳng quan trọng mấy. Quan trọng là năng lực sau khi ra trường thôi. Bằng cấp cũng chỉ là một phần chẳng nói lên điều gì cả”.

Tài khoản Thu Thảo tỏ vẻ khó chịu:

“Có nhiều người sao cứ thích sống theo kiểu ganh đua từng điểm số thế nhỉ. Mình qua môn là được rồi, điểm cao càng tốt, người ta xem tài liệu điểm cao thì kệ người ta. Mình cứ học cho mình đi, quan tâm người ta làm gì. Quan trọng là sau này mình kiếm được bao nhiêu tiền, nuôi sống bản thân là được.”

Tài khoản Nguyễn Trường viết:

“Người ta nói rồi, thầy cô là người lái đò còn thì sinh viên dù có bơi giỏi đến mức nào thì cũng có lúc phải dùng đến phao.”

“Nhiều trường đại học hiện nay đã sử dụng đề mở, cho bạn đem tài liệu thoải mái. Nhưng giáo viên sẽ đánh giá bạn khác nhau về mức độ. Nếu bạn học học thuộc như cấp 3 thì điểm số của bạn cũng ở mức nào đó.

Thời đại 4.0 rồi bạn ơi. Nên bỏ kiểu thi học bài. Ví dụ làm báo cáo thuyết trình đánh giá sẽ hay hơn”, tài khoản Bình Nguyên Nguyễn bình luận có lí có tình.

Thi học kỳ hay kiểm tra học kỳ?
Thi học kỳ hay kiểm tra học kỳ?

Tiến sĩ Châu Minh Hùng, giảng viên môn Ngữ văn Trường Đại học Quy Nhơn nói rằng, muốn chống người đi thi (sinh viên) lật tài liệu thì hãy cho phép lật tài liệu.

Bởi theo thầy Hùng, người đi thi thuộc hay chép đúng như tài liệu mà được điểm cao thì hãy xem lại cách dạy, ra đề và chấm thi. Đó là cách giáo dục nhồi sọ mà người dạy và người học đều là những con vẹt.

“Đề thi của tôi luôn ghi câu: ‘Thí sinh được phép sử dụng tài liệu khi làm bài’. Cứ chép tài liệu xem được mấy điểm?”, thầy Hùng nói thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay đa phần các đại học trên thế giới đều đánh giá sinh viên qua nhiều hình thức khác nhau, không chỉ dừng lại bài thi giữa kì, cuối kì.

Một người bạn của chúng tôi hiện đang học thạc sĩ tâm lí một trường đại học ở Australia cho biết, kết quả học tập của sinh viên nước này được đánh giá qua các bài thuyết trình, tiểu luận hay dự án (Learn by Project).

Như thế, việc đánh giá vừa toàn diện, vừa có chiều sâu và giáo viên cũng không còn nặng nề trong chuyện giám sát sinh viên sử dụng tài liệu nữa.

Cao Nguyên