Muốn giáo viên thay đổi nhận thức, hiệu trưởng nhà trường phải tiên phong

28/12/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi đã làm thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ nhân viên trong nhà trường, có một số thầy cô “ngại” thay đổi thì nay cũng đã hiểu, từ đó thay đổi hoàn toàn.

“Theo tôi, quy trình xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo các bước chính: Xác định căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; Đánh giá tình hình và các điều kiện thực hiện chương trình trong năm học; Xác định mục tiêu giáo dục của nhà trường; Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục. Nếu thực hiện tốt kế hoạch sẽ tạo nên bản sắc riêng của từng nhà trường, tạo cơ hội để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa chương trình quốc gia vào trường phổ thông cho giáo viên các thầy cô ở tất cả bộ môn.

Qua từng năm học, các vấn đề giáo dục tiếp tục được tìm hiểu, triển khai, tổng hợp, đánh giá minh chứng kết quả học tập và giáo dục toàn diện của học sinh từ các nguồn đánh giá khác nhau… Chương trình không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và hiệu quả trong việc dạy học, tạo uy tín về chất lượng đào tạo của nhà trường. Từ mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nội dung dạy học tiếp tục được tổ chức lại, tăng tính liên thông, phối hợp, liên môn, xuyên môn.

Học sinh học tập theo nhóm với nhau để giải quyết các vấn đề phát sinh trong bài học, từ đó tự tìm ra kiến thức mới, phát triển khả năng tự học”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đã chia sẻ.

Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo cô Thuần: “Trường chúng tôi nằm trên địa bàn xã nông thôn thuần túy, số học sinh thuộc diện hộ cận nghèo và khó khăn khá nhiều nếu như không nói là nhất huyện, chính vì vậy hàng năm nhà trường cũng phải huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ những học sinh này. Nhưng nhờ có nhiều đổi mới trong các hoạt động giáo dục nên có thể nói là học sinh rất ngoan, có ý thức.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay của nhà trường là thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn Địa lí, ngoài ra còn thiếu môn Sinh, môn Toán. Để khắc phục tình trạng này, ban giám hiệu nhà trường đã phải “tạo” cơ chế đãi ngộ tốt hơn để thu hút mời giáo viên hợp đồng, và cán bộ quản lí của nhà trường từ hiệu trưởng, hiệu phó có chuyên môn môn Địa cũng phải lên lớp, thậm chí dạy tới 8-9 tiết trong một tuần. Thầy cô thì vất vả vì tăng tiết dạy nhưng trên hết là học sinh vẫn đảm bảo được kiến thức theo yêu cầu.

Có thể nói, năm nay trên địa bàn huyện Đông Anh thiếu giáo viên dạy môn Địa lí trầm trọng. Tôi tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội 1 với chuyên môn Địa, và từ xưa đến nay chỉ có Đại học sư phạm 1 đào tạo môn Địa. Còn ở trường cao đẳng thường đào tạo 2 môn như Văn - Địa, hoặc Sử - Địa và Địa - Công Dân, và có năm thì đào tạo môn Địa, có năm thì không. Tuy nhiên khi ra trường, những bộ môn không phải là Văn, Toán, Anh thì cơ hội thu nhập cũng sẽ không cao, có lẽ vì vậy sinh viên ít đăng kí theo học môn này, hơn nữa chỉ tiêu tuyển sinh môn Địa vào các trường đại học cũng ít hơn những môn Toán, Văn, Anh, đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên. Chính vì vậy hiện nay việc thiếu giáo viên môn này có thể nói là toàn thành phố, trong đó có huyện Đông Anh”.

Chú trọng chất lượng đào tạo

Cô Thuần cho biết: “Để Kế hoạch giáo dục nhà trường được thực hiện hiệu quả, tôi cùng ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng các chương trình phù hợp với từng nhóm đối tượng để nâng cao chất lượng học sinh, cũng như có các hoạt động khuyến khích nâng cao chất lượng dạy và học. Lên kế hoạch tổ chức hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống trong chương trình giáo dục hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Tăng cường nâng cao phù hợp với năng lực học sinh ở lĩnh vực: Văn hoá, thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ năng sống.

Nhà trường cũng đã liên kết với một số trung tâm giảng dạy tiếng Anh giúp cho học sinh có cơ hội giao tiếp với người bản xứ, chú trọng nâng cao ngữ pháp, phát triển các câu lạc bộ hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống cho học sinh. Khẳng định chất lượng giáo dục của nhà trường bằng kết quả các cuộc thi cấp Quốc gia, cấp Thành phố, cấp Huyện, nâng cao tỉ lệ học sinh đỗ vào các lớp 10 công lập và các trường chuyên thuộc thành phố Hà Nội".

Học sinh Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) trong giờ ngoại khóa. Ảnh minh họa: NVCC.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) trong giờ ngoại khóa. Ảnh minh họa: NVCC.

Về phát triển phẩm chất và năng lực của người học, cô Thuần nói: "Căn cứ vào năng lực học tập của học sinh, các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc điểm của nhà trường, chú trọng dạy học dự án, dạy học theo chủ đề. Trong thời gian 45 phút, thầy cô lựa chọn kiến thức trọng tâm cơ bản của bài dạy, dành thời gian nâng cao, củng cố, thực hành. Ngoài việc tự chọn các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, học sinh được học các môn học tự chọn về kỹ năng, về định hướng nghề nghiệp, tương tác và giao tiếp xã hội. 100% học sinh được tăng cường lồng ghép dạy kỹ năng sống trong tất cả các môn học, đặc biệt là các môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân,… Ngoài ra còn có các chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh khối 6 và hoạt động ngoài giờ lên lớp cho khối 7,8,9 cùng các hoạt động tập thể ngoại khóa.

Tổ chức các câu lạc bộ phát triển năng lực, phát triển thể chất cho học sinh tham gia như: Câu lạc bộ phóng viên tuổi hồng, Thủ lĩnh vì sự thay đổi, STEM.,,, Ngoài ra còn có phòng Tư vấn tâm lý, tình cảm cho giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh nhằm phối hợp trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Chương trình giáo dục kĩ năng sống cho học sinh khối 9 được tổ chức dưới dạng một hội thi có sự tham gia của các lớp 1 lần/tháng, mỗi lớp 5 học sinh/ tuần. Thi dưới hình thức trả lời nhanh các câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tình huống trên nhiều lĩnh vực”.

Lãnh đạo nhà trường phải thay đổi nhận thức

Cô Thuần nói: “Kế hoạch giáo dục mỗi nhà trường được xây dựng trên cơ sở phù hợp với từng cơ sở giáo dục và đặc thù địa phương, tuy nhiên điều quan trọng nhất là phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Có cụ thể hóa được chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hay không chính là nằm ở Kế hoạch giáo dục nhà trường.

Các nhà trường phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức của ban lãnh đạo, đến các thầy cô, tiến tới thay đổi nhận thức của học sinh và phụ huynh học sinh, tiến tới sự đồng thuận của phụ huynh và nhà trường. Người đứng đầu cơ sở giáo dục và ban lãnh đạo nhà trường cần phải thay đổi trước tiên, họ là những người phải xác định được việc xây dựng kế hoạch nhà trường là nhiệm vụ trọng tâm số một trong giai đoạn hiện nay".

Trao giải Khoa học kĩ thuật cho học sinh Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) Ảnh: NVCC.
Trao giải Khoa học kĩ thuật cho học sinh Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) Ảnh: NVCC.

Cô Thuần chia sẻ thêm: "Thực tiễn cho thấy việc đào tạo giáo viên, và việc giảng dạy trong các nhà trường còn nặng theo hướng truyền thụ kiến thức, việc phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh chưa thực sự đạt được hiệu quả bởi còn nhiều khó khăn khách quan. Chính vì vậy phải thay đổi, bồi dưỡng đội ngũ thầy cô để đáp ứng được nhu cầu về lựa chọn môn học mới của học sinh, thay đổi phương pháp giảng dạy, tăng cường việc tổ chức các hoạt động. Như vậy, thầy cô phải có một bước tiến rất mạnh, đội ngũ giáo viên là then chốt, quyết định kế hoạch giáo dục nhà trường đề ra có thực hiện thành công hay không

Có thể hiểu đơn thuần bồi dưỡng đội ngũ các nhà trường từ việc thay đổi nhận thức, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, đặc biệt phải giúp thầy cô thực sự chủ động trong việc tự học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy để họ năng động, tự tin, chủ động hơn trong quá trình tự học và giảng dạy.

Tạo điều kiện để các thầy cô được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với đặc thù bộ môn, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong hoạt động dạy và học. Có kế hoạch dài hạn để đội ngũ giáo viên có thể học tập nâng cao trình độ, khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên có khả năng tiếp tục theo học các lớp đào tạo sau đại học.

Không ngừng học hỏi, trao đổi ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động chuyên môn được tổ chức trong cụm trường, và trong huyện hàng năm để các thầy cô được giao lưu học hỏi kinh nghiệm giáo dục của các trường bạn. Nhân rộng các sáng kiến kinh nghiệm tiêu biểu, điển hình, đồng thời thường xuyên tổ chức các chuyên đề, hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời tổ chức các buổi giao lưu giữa các thầy cô, cán bộ nhân viên nhà trường với giáo viên tiếng Anh bản xứ để thầy cô có cơ hội thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh, nâng cao năng lực giao tiếp, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong hơn 1 năm vừa qua, khi triển khai kế hoạch giáo dục, bản thân tôi cũng đã làm thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ nhân viên trong nhà trường, có một số thầy cô “ngại” thay đổi thì nay cũng đã hiểu, từ đó thay đổi hoàn toàn và có tính xây dựng hơn”.

Tùng Dương