Năm 2013: Lần đầu tiên phổ điểm thi đại học được công bố

02/12/2013 10:01
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều năm qua Bộ GD&ĐT luôn giữ kín phổ điểm thi đại học, cao đẳng, mặc dù đã có nhiều người lên tiếng phổ điểm thi phải được công khai để xã hội giám sát quá trình làm đề và chấm thi đại học.
Trong loạt 10 sự kiện giáo dục của năm 2013 do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn, thì việc lần đầu tiên phổ điểm thi đại học, cao đẳng được công bố được xem là mốc quan trọng  trong quá trình minh bạch hóa công tác xác định điểm sàn, chấm thi và xác định năng lực người học mà Bộ GD&ĐT là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính. 

Theo quan niệm chung phổ điểm thi đại học được hiểu là biểu đồ phân bổ điểm thi đại học theo từng môn thi và theo tổng điểm của cả ba môn thi. Việc phổ điểm không được công bố khiến điều này gây ra nhiều hoài nghi rằng chính điểm sàn là nguyên nhân chính khiến nhiều trường cạn kiệt nguồn tuyển.

Từ năm nay sẽ công khai phổ điểm

Trước đó, nhiều lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã lên tiếng khẳng định, chính phổ điểm bị giấu những năm qua đã khiến các trường trở nên khan hiếm nguồn tuyển, xã hội không biết Bộ GD&ĐT xác định điểm sàn như thế nào.

Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi đại học, cao đẳng. Trong ảnh là phổ điểm thi khối A năm 2013. Ảnh Xuân Trung
Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi đại học, cao đẳng. Trong ảnh là phổ điểm thi khối A năm 2013. Ảnh Xuân Trung

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), đồng thời là Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam) cho biết, nếu Bộ GD&ĐT cố tình giấu phổ điểm ông sẵn sàng đối thoại với Bộ xem những chính sách đưa ra đã đúng chưa? Theo TS. Khuyến, năm trước ông có xem được một thống kê chung cho cả 4 khối, theo đó, phổ điểm cao nhất là 7-8 điểm, vậy mà điểm sàn lại lên tới 13-14. Không thể đưa ra điểm sàn và tự nói đó là chuẩn.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Việc Bộ GD&ĐT trong nhiều năm không công khai phổ điểm đã thể hiện tính không minh bạch. Từ chuyện không minh bạch đó dẫn đến việc khi Bộ GD&ĐT công khai điểm sàn thì người ta không biết liệu điểm sàn đó có phản ánh đúng chất lượng làm bài của học sinh hay không?

Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rẳng, Bộ GD&ĐT cần phải công bố phổ điểm để thấy được chính sách tuyển sinh có công bằng hay không? Trả lời báo chí ngay sau khi công bố điểm sàn đại học, cao đẳng năm 2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, năm 2013 bộ sẽ công bố công khai phổ điểm để cho xã hội cùng kiểm tra, tính toán, giám sát chất lượng của thí sinh, với phổ điểm ấy thì bất cứ ai cũng có thể biết được điểm sàn là bao nhiêu. 
Việc công bố phổ điểm sẽ tạo điều kiện để xã hội giám sát tốt hơn tới kỳ thi đại học, cao đẳng. Ảnh minh họa
Việc công bố phổ điểm sẽ tạo điều kiện để xã hội giám sát tốt hơn tới kỳ thi đại học, cao đẳng. Ảnh minh họa

“Có thể từ nay chúng ta sẽ sử dụng phương án này (tổng điểm bình quân của thí sinh) để tính toán điểm sàn cho những năm sau” Thứ trưởng Ga nói. 

Có phổ điểm nhưng chưa yên tâm

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam TS. Lê Viết Khuyến cho biết, việc Bộ GD&ĐT công khai phổ điểm là điều đáng hoan nghênh. Phổ điểm thi của năm 2013 được đánh giá là khá cân đối. Tuy nhiên, theo TS. Khuyến những năm tới đề thi mang tính chất chuẩn mực cần phải cố gắng nhiều để làm sao đỉnh của phổ điểm rơi vào khoảng giữa phổ (15-16 điểm).

Và, nếu chưa đạt được điều đó việc tổ chức ra đề và thi của bộ vẫn chưa thực sự hướng vào lấy người học làm trung tâm, vấn đề này đi ngược lại với xu hướng của đại học thế giới hiện nay.

Vấn đề có phổ điểm vậy có khiến nhiều trường dồi dào nguồn tuyển hay không? TS. Khuyến cho rằng, điều đó còn phải phụ thuộc vào tỉ lệ điểm ảo trong kết quả thi của thí sinh. Và điều này thì Bộ GD&ĐT không thể kiểm soát được, nếu tỉ lệ điểm ảo cao thì tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển vẫn sẽ còn.

Kết thúc một năm tuyển sinh nữa, TS. Lê Viết Khuyến nói với Báo Giáo dục Việt Nam rằng, ông vẫn chưa thật hài lòng và chưa yên tâm với cách xác định điểm sàn như hiện này của bộ.

Bởi vì, nếu nói như Bộ GD&ĐT, từ năm nay trở về sau có thể sử dụng cách xác định điểm sàn này (tổng điểm bình quân của thí sinh) để tính điểm sàn thì đó là suy nghĩ chủ quan. Việc xác định điểm sàn nhưng Bộ GD&ĐT vẫn kiểm soát cả chỉ tiêu, do đó việc định được điểm sàn chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để được vào đại học.
Bảng phổ điểm từ năm 2008 - 2012 cho thấy, phổ điểm các môn ít khi đạt chuẩn.
Bảng phổ điểm từ năm 2008 - 2012 cho thấy, phổ điểm các môn ít khi đạt chuẩn.

Đánh giá về phổ điểm năm 2013, TS. Lê Viết Khuyến cho biết, nhìn chung rất ít môn thi có phổ điểm đạt “chuẩn”. Môn thi có phổ điểm ”đẹp” nhất là môn Văn ( cho cả 2 khối thi C và D ) và tiếp đó là môn Địa ( Khối C ) - Phổ điểm của từng môn này có phân bố khá đối xứng. Tất cả các môn thi còn lại ( Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Ngoại ngữ ) thường có phổ điểm rất “xấu”, đỉnh phổ thường lệch mạnh về phía trái. Có xu hướng phổ điểm bị mất đối xứng nhiều hơn đối với các môn thi có đề dạng trắc nghiệm.

Về phổ của tổng điểm 3 môn cho từng khối thi: Khối C có phổ “đẹp” nhất, phân bố gần đối xứng. Do đó nếu xác định điểm sàn cho khối này ở gần điểm giữa phổ là hợp lý. Phổ khá ”xấu” đối với 3 khối còn lại ( A, B, D ), đặc biệt “rất xấu” ở khối A là khối chiếm số đông thí sinh. Ở khối này đỉnh phổ chỉ ở vị trí 6-7/30 nên nếu lấy điểm sàn ở vị trí gần giữa phổ ( 15/30 ) sẽ loại ra phần lớn thí sinh.

“Bộ GD&ĐT không nên chọn “điểm sàn” cho các khối thi chỉ dao động quanh vị trí giữa phổ như các năm vừa qua mà phải căn cứ vào phổ điểm cụ thể của từng khối thi. Tốt hơn hết là chọn “điểm sàn” trùng với vị trí đỉnh phổ ( chứ không phải là điểm trung bình như Bộ dự kiến ). Trường hợp phổ “đẹp”, có phân bổ đối xứng thì đỉnh phổ đương nhiên sẽ trung với vị trí giữa phổ” TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Phổ điểm thi các môn từ năm 2008- 2012 ít đạt chuẩn

Phổ điểm của từng môn thi: Nhìn chung rất ít môn thi có phổ điểm đạt “chuẩn”. Môn thi có phổ điểm ”đẹp” nhất là môn Văn ( cho cả 2 khối thi C và D ) và tiếp đó là môn Địa ( Khối C ) - Phổ điểm của từng môn này có phân bố khá đối xứng. Tất cả các môn thi còn lại ( Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Ngoại ngữ ) thường có phổ điểm rất “xấu”, đỉnh phổ thường lệch mạnh về phía trái. Có xu hướng phổ điểm bị mất đối xứng nhiều hơn đối với các môn thi có đề dạng trắc nghiệm.

Phổ của tổng điểm 3 môn cho từng khối thi: Khối C có phổ “đẹp” nhất, phân bố gần đối xứng. Do đó nếu xác định điểm sàn cho khối này ở gần điểm giữa phổ là hợp lý. Phổ khá ”xấu” đối với 3 khối còn lại ( A, B, D ), đặc biệt “rất xấu” ở khối A là khối chiếm số đông thí sinh. Ở khối này đỉnh phổ chỉ ở vị trí 6-7/30 nên nếu lấy điểm sàn ở vị trí gần giữa phổ ( 15/30 ) sẽ loại ra phần lớn thí sinh.
Xuân Trung