Năm 2021, giáo dục Hà Tĩnh đã thích ứng, vượt qua đại dịch ra sao?

30/01/2022 06:42
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành giáo dục Hà Tĩnh quyết tâm vừa hoàn thành chương trình, nội dung dạy học theo kế hoạch, vừa kiên trì giữ vững mục tiêu, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến ngành giáo dục. Đặc biệt, thời điểm bước vào năm học 2021 - 2022, nhiều địa phương đã đối mặt với khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết, bước vào trạng thái “bình thường mới”, ngành giáo dục địa phương đã chủ động, linh hoạt, nỗ lực đảm bảo mục tiêu kép: vừa tích cực chống dịch, vừa triển khai các hoạt động dạy học có hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC

PV: Thưa ông, thời gian qua, dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng ra sao đến hoạt động giáo dục của địa phương? Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã có những giải pháp ra sao để ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh gây ra?

Ông Nguyễn Quốc Anh: Không thể phủ nhận những khó khăn mà ngành giáo dục phải đối mặt trước tác động của đại dịch Covid-19. Trước hết là yêu cầu thực hiện các phương án dạy học trong điều kiện học sinh không đến trường, khi điều kiện học tập của mỗi em không giống nhau, nhưng đòi hỏi em nào cũng phải được học tập. Đây là một yêu cầu quan trọng của ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh nhưng cũng chính là thách thức với mỗi địa phương.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua ngành giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều trường học được các địa phương trưng dụng làm khu cách ly; giáo viên phải tập huấn trực tuyến để chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 2, lớp 6; cung ứng sách giáo khoa, thiết bị dạy học cho học sinh trong điều kiện nhiều khu vực đang giãn cách xã hội; nhiều học sinh Hà Tĩnh đến các vùng dịch chưa kịp trở về, và cả việc tiếp nhận học sinh các tỉnh mắc kẹt tại Hà Tĩnh,…

Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh còn thiếu về thiết bị dạy học; hạ tầng công nghệ thông tin ở một số nơi còn khó khăn, hạn chế.

Các cơ sở giáo dục tại Hà Tĩnh xây dựng các phương án dạy học linh hoạt, chủ động, kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh

Các cơ sở giáo dục tại Hà Tĩnh xây dựng các phương án dạy học linh hoạt, chủ động, kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh

Trước những khó khăn đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các địa phương xây dựng các phương án dạy học linh hoạt, chủ động, kịp thời; tham mưu tỉnh và chính quyền địa phương các cấp ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ giáo viên, nhân viên và hiện nay đang tiến hành tiêm vắc xin cho đối tượng học sinh trên toàn tỉnh.

Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường học chủ động kêu gọi các tổ chức và cá nhân giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị để học trực tuyến (máy tính, điện thoại, sim điện thoại,…), ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng và hơn 500 triệu đồng tiền mặt, cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ học tập khác. Nhờ đó, đã đảm bảo 100% học sinh đều được tham gia học tập;

Lãnh đạo Sở cũng tích cực tham mưu, xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ phương tiện học tập cho các em thuộc đối tượng con hộ nghèo, hộ cận nghèo và các em có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động và theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ngành đã thống kê đề xuất hỗ trợ cho 12.664 học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, con mồ côi cả cha lẫn mẹ chưa có thiết bị học trực tuyến; chỉ đạo các trường học tạo điều kiện cho học sinh các tỉnh mắc kẹt tại Hà Tĩnh do dịch Covid-19 được học tập tại nơi cư trú; có văn bản đề nghị sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố hỗ trợ học sinh Hà Tĩnh mắc kẹt được tham gia học tập tại địa phương.

Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lãnh đạo sở đã chỉ đạo và tổ chức các hội nghị giao ban, xây dựng các tiết dạy lớp 2, lớp 6 để đúc rút kinh nghiệm, chia sẻ những cách làm hay cho các cơ sở giáo dục.

PV: Để đảm bảo cho học sinh “tạm dừng đến trường không dừng việc học”, thời gian qua, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã triển khai kết hợp những phương án dạy học nào để mang lại hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Anh: Để đảm bảo cho các em học sinh “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong xây dựng kế hoạch, phương án dạy học phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Cụ thể: kết hợp linh hoạt hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức khác (giao nhiệm vụ học tập, hỗ trợ trực tiếp tại nhà...); chia đối tượng học sinh thành 3 nhóm để tổ chức dạy học trực tuyến hoặc các hình thức khác khi học sinh không thể đến trường.

Việc xây dựng đa dạng các phương án dạy học đã giúp các cơ sở chủ động, linh hoạt để ứng phó với từng tình hình cụ thể. Các hình thức dạy học phối hợp, hỗ trợ cho nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong tổ chức dạy - học.

Bước vào năm học mới, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các trường học ở Hà Tĩnh kết hợp linh hoạt hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức khác. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh

Bước vào năm học mới, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các trường học ở Hà Tĩnh kết hợp linh hoạt hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức khác. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh

Đối với dạy học trực tiếp, phải tận dụng thời gian “vàng” để dạy học những nội dung trọng tâm, cốt lõi các môn học; để kiểm tra, đánh giá học sinh; giúp học sinh được giao tiếp, được tương tác trực tiếp với bạn bè, thầy cô.

Đối với dạy học trực tuyến, nhằm dạy những môn học, những nội dung mà dạy học trực tiếp không đủ thời gian để thực hiện, giúp học sinh tránh sự quá tải trong học tập, gồm những nội dung lý thuyết, những nội dung bổ trợ, thầy cô đã sử dụng các học liệu, các video, các sản phẩm bài học để giúp học sinh khai thác nội dung bài học hiệu quả.

Nhờ kết hợp tốt các hình thức dạy học trên, năm học 2020-2021, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã hoàn thành tốt chương trình năm học, chất lượng giáo dục được giữ vững và có chuyển biến tích cực, đặc biệt là kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng cao so với năm học trước; việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

Thời gian qua, địa phương cũng triển khai có hiệu quả phương án dạy học qua truyền hình. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh tổ chức dạy học trên truyền hình, với những bài dạy học vừa củng cố kiến thức ở những lớp dưới, vừa song hành với những bài dạy học mới, để bổ sung thêm những nội dung mà dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến giáo viên chưa có thời gian để tổ chức. Số lượng học sinh tham gia học trên truyền hình đông hơn vì đa số người dân đều có tivi cho con em học tập.

Kênh dạy học này được đánh giá có ưu thế về diện phủ sóng rộng khắp trên địa bàn tỉnh, được phát sóng trên 20 hạ tầng khác nhau, đảm bảo chất lượng ổn định, với các thiết bị thông dụng như tivi, máy tính và điện thoại thông minh; cho phép xem lại chương trình, đảm bảo tương tác trong quá trình dạy học, đồng thời xây dựng và lưu trữ kho tư liệu kiến thức phong phú.

Dạy học trên truyền hình kết hợp với tương tác trực tuyến là một hình thức giảng dạy hiện đại, có hiệu quả và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Các khối sẽ học mỗi tuần 3 tiết, mỗi tiết 45 phút, phát sóng vào lúc 14h30. Trong đó, lớp 9 sẽ học vào các ngày thứ 2, 4, 6; lớp 12 sẽ học vào thứ 3, 5, 7 hằng tuần.

Nội dung dạy học được lãnh đạo Sở Giáo dục, cán bộ chuyên viên Phòng Giáo dục phổ thông, giáo viên cốt cán cấp tỉnh chỉ đạo và thẩm định. Giáo viên giảng dạy là những người có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn tốt. Chương trình “Đến lớp cùng HTTV” đã được thực hiện từ ngày 20 tháng 9 năm 2021.

Các giờ dạy đã bổ trợ thêm kiến thức cho học sinh; giúp đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong quá trình tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến (khâu chuẩn bị, quá trình lên lớp; hệ thống các câu hỏi tương tác…) được giáo viên, học sinh và phụ huynh đánh giá cao.

PV: Khi cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới”, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã có phương án, kế hoạch như thế nào để đảm bảo việc dạy và học trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Quốc Anh: Để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong phòng chống dịch Covid-19, đồng thời không chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trường học thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trường học thực hiện tốt các nội dung sau:

Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các trường học nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: Tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên; thông báo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh không đi đến trường và không được đưa học sinh đến trường nếu bản thân hoặc học sinh đang trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế.

Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các trường học nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh

Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các trường học nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh

Căn cứ cấp độ dịch bệnh trên địa bàn, các cơ sở giáo dục chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương và cấp có thẩm quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Chủ động phối hợp với cơ sở y tế địa phương để lên các phương án phòng dịch và xử lý các tình huống phát sinh một cách kịp thời và hiệu quả, để khi tình huống nếu có học sinh F0, F1 theo xét nghiệm, truy vết của cơ quan y tế và cơ quan chức năng ở lớp nào, trường nào thì chỉ khoanh vùng lớp đó trường đó. Còn các lớp khác, trường khác trên địa bàn vẫn tổ chức hoạt động dạy học trong tình hình mới, theo phương châm “chỉ cách ly ca nhiễm, không đóng cửa trường học”.

Kết hợp linh hoạt giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến và các hình thức dạy học khác để vừa hoàn thành chương trình, nội dung giáo dục, dạy học theo kế hoạch, vừa kiên trì giữ vững mục tiêu, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Cùng với đó, ngành giáo dục cũng đang thực hiện đẩy nhanh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dạy và học. Trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã kết hợp với Viettel Hà Tĩnh, VNPT Hà Tĩnh thực hiện Chương trình hợp tác theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 1 diễn ra trong khoảng thời gian 2011 - 2015; giai đoạn 2 diễn ra trong khoảng thời gian 2016 - 2020. Kế thừa thành công chương trình hợp tác của các giai đoạn trước, đến năm 2020 Viettel Hà Tĩnh đã hỗ trợ ngành Giáo dục Hà Tĩnh 1.367 đường truyền internet miễn phí đến trường học và cơ sở giáo dục với kinh phí gần 7 tỷ đồng/năm; hỗ trợ miễn phí phần mềm quản lý nhà trường SMAS cho 100% các cơ sở giáo dục; ứng dụng có hiệu quả phần mềm dạy học và thi trên K12 Online của Viettel; Hệ sinh thái vnEdu của VNPT; nền tảng giáo dục trực tuyến MobiEdu của MobiFone; … để các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh nghiên cứu, khai thác và sử dụng góp phần nâng cao chất lượng dạy học phù hợp với thực tiễn, điều kiện của địa phương, đơn vị; thực hiện tốt xây dựng bài giảng điện tử (bài giảng e-Learning); khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn học liệu điện tử,…

Sở Giáo dục Hà Tĩnh cũng đã phối hợp, triển khai phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến…

Cùng với việc phối hợp có hiệu quả, ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 15/5/2021 về việc quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên tại tỉnh Hà Tĩnh; tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cơ sở xây dựng các phòng họp trực tuyến (mỗi nhà trường là một điểm cầu để thực hiện việc tiếp thu các nội dung qua các hội nghị trực tuyến).

Thời gian qua các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; hồ sơ quản lý điện tử được ứng dụng có hiệu quả (sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, phiếu báo giảng, giáo án điện tử,…); ứng dụng các phần mềm, thí nghiệm ảo trong hoạt động dạy học. Chính vì vậy, quá trình chuyển đổi số của giáo dục Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và góp phần mang lại hiệu quả trong công tác quản lý và dạy học.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Minh