Nên thành lập trường năng khiếu thay vì tỉnh nào cũng mở trường chuyên

16/05/2022 06:30
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, nên thành lập các trường năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng các tài năng, nhân tài cho đất nước.

Cuối tháng 4/2022, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt hàng 6 vấn đề của ngành giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cần được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm.

Theo đó, Bộ trưởng đã đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, phải đặt yêu cầu lớn hơn các tỉnh thành khác, bồi dưỡng từ bậc phổ thông đến bồi dưỡng nhân lực mang tính chiến lược của thành phố. Trong đó có thể tính tới mô hình trường năng khiếu, trường đặc biệt.

Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: website trường)

Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: website trường)

Bàn luận về vấn đề này, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn ủng hộ việc thành lập mô hình trường năng khiếu.

Thầy Huỳnh Thanh Phú khẳng định: Đây là điều rất tốt, là nơi mà các tài năng, học sinh năng khiếu sẽ có nơi để phát triển. Trường năng khiếu sẽ là nơi đào tạo, phát triển, giáo dục các cá thể đặc biệt, tài năng đặc biệt.

Cũng theo thầy Phú, chắc chắn nếu có thành lập thì số lượng trường năng khiếu cũng sẽ không nhiều, nhưng không biết ngân sách có gánh nổi không? Trường năng khiếu sẽ là trường công lập hay tư thục, mà công lập chắc chắn sẽ ít, còn nếu tư thục thì sẽ thực hiện theo mô hình đa ngành nghề.

“Cần phải làm rõ được việc bao nhiêu học sinh thì mở được một lớp học. Phụ huynh sẽ phải đóng học phí ra sao? “ – thầy Huỳnh Thanh Phú nói tiếp.

Nên tập trung nguồn lực học sinh giỏi về một nơi để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, đầu tư đúng chất, không làm manh mún để thực hiện việc đặc thù đặc ân cho một ngôi trường nào đó, để sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chi cho giáo dục một cách đúng đắn.

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 nhấn mạnh: Việc mở lớp chuyên trong trường trung học phổ thông công lập là hoàn toàn sai quy định.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay, nên gộp tất cả các trường chuyên lại là một, thành lập trường năng khiếu, chỉ sử dụng một tên gọi duy nhất, để sử dụng ngân sách cho việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài hợp lý.

Theo thầy Phú giải thích, trong năng khiếu đương nhiên sẽ có chuyên. Trong năng khiếu có thể sẽ có các môn văn hóa, năng khiếu thể dục thể thao, văn thể mỹ như âm nhạc, mỹ thuật…

Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: “Bản thân tôi vẫn thích chữ năng khiếu hơn là chữ chuyên. Chuyên chắc chắn là là không hay, ý nghĩa hơn là năng khiếu”.

Tiến sĩ Trần Nam Dũng đề xuất, hiện nay nên quy hoạch lại hệ thống trường chuyên văn hóa của các địa phương. Do trước đây, trường chuyên thì không lan ra từng tỉnh, thành phố như bây giờ, còn hiện thì địa phương nào cũng có trường chuyên, thậm chí vài trường.

“Học sinh năng khiếu ở đâu ra nhiều thế. Hiện chỉ chủ yếu đua nhau tham dự các cuộc thi học sinh giỏi cũng không phải là định hướng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trường tư cũng có thể tham gia việc đào tạo năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài” – thầy Trần Nam Dũng cho biết.

Trường chuyên phải là nơi thu hút được những học sinh giỏi nhất, chứ còn hiện nay trường chuyên chỉ chủ yếu đào tạo học sinh đi thi các cuộc thi học sinh giỏi như học sinh giỏi cấp quốc gia, các em thi tuyển vào đại học đạt điểm cao.

Theo Tiến sĩ Trần Nam Dũng, đây chỉ là các định hướng và mục tiêu trong thời gian ngắn hạn, hoàn toàn không đúng nghĩa của việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu là phải thực hiện trong dài hạn.

Trong một lần trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, không nên phân thành trường chuyên và trường không chuyên như hiện nay.

Đã gọi là phổ (phổ thông) thì nên chú ý tính đồng đều trong hệ công lập. Đó cũng là sự bình đẳng trong hệ thống. Có chuyên tức là không phổ. Còn việc bồi dưỡng nhân tài thì thực hiện theo câu lạc bộ năng khiếu trong các trường trung học phổ thông và có thể vài ba trường năng khiếu ở các vùng gắn với đại học nghiên cứu (chứ hiện nay các trường chuyên này cũng đâu có giải quyết được vấn đề nhân tài, mà chủ yếu mới là giúp cho việc vào đại học dễ hơn).

Đồng thời, khuyến khích mạnh các nhà đầu tư phát triển các trường phổ thông ngoài công lập chất lượng cao.

Việt Dũng