Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và xin ý kiến các sở Giáo dục và Đào tạo để báo cáo Thủ tướng về phương án tổ chức kỳ thi giai đoạn 2021 - 2025.
Trước thông tin này, một số người cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp lên đến 98-99% thì không nên thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà chỉ cần xét học lực qua các kỳ kiểm tra đánh giá thường xuyên trong quá trình học ở trung học phổ thông là đủ.
Xung quanh câu chuyện này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia và phát triển nhân lực đặt ra 8 giả thiết.
Thứ nhất, giả thiết là mọi đánh giá trong lớp học được thực hiện chuẩn xác, dân chủ, bởi các nhà sư phạm chuyên nghiệp...
Thứ hai, giả sử các phụ huynh Việt Nam không quá ham hố về thành tích của con em mình...cháu học được bao nhiêu, đến đâu là của tự thân các cháu...và không bao giờ dùng tiền bạc, quyền thế ép nhà trường và giáo viên phải cho điểm chiều lòng phụ huynh...
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, với cách dạy và học như hiện nay mà bỏ thi tốt nghiệp thì giáo dục sẽ thụt lùi. (ảnh: NVCC). |
Thứ ba, giả sử rằng nhà trường có cách quản lý tốt, hiệu trưởng không tham nhũng biển thủ, độc lập không chịu ảnh hưởng của quan chức địa phương về thành tích hoặc về sự ưu ái con ông nọ bà kia...và giáo viên làm đúng chức trách...
Thứ tư, giả sử là chính sách giáo dục được ban hành dựa trên những nghiên cứu hệ thống và chịu các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội...ngăn chặn bằng hết hiện tượng khi nhà nước có chính sách thì người dân có đối sách...
Thứ năm, giả sử nhà trường được đặt trong một xã hội văn minh, trung thực và thượng tôn pháp luật khiến cho người ta không dám làm sai trái với qui định...
Thứ sáu, giả sử những thầy cô và các nhà quản lý giáo dục được đào tạo chuyên nghiệp...
Thứ bảy, giả sử các trường đại học có đủ năng lực tài chính và các trường nghề có chất lượng...sẽ sẵn sàng loại bỏ không thương tiếc những người học không đủ năng lực học vấn và trường nghề săn sàng đón nhận họ vui vẻ...
Thứ tám, giả sử Việt Nam xây dựng được nền giáo dục phi rào cản còn gọi là giáo dục mở...thì không việc gì phải thi mỗi năm một lần mà cho người học thi vài bận miễn là vượt qua được barrier, khi đó cấp cho học sinh giấy chứng nhận tốt nghiệp. Không học được lúc này, không thi qua được lúc này thì cho người ta thi lúc khác cũng như thi IELTS hay TOEFL...thế mới là mở.
Từ những giả thiết trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: "Những điều giả sử trên là hiện thực thì khi ấy việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
Còn nếu không thoả mãn các điều kiện đó, với cách dạy và học như hiện nay mà bỏ thi thì tôi nghĩ giáo dục sẽ kéo xã hội thụt lùi. Tiêu cực gian lận thi cử không có lỗi của việc thi mà lỗi từ chính con người và xã hội".