Nếu học sinh không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu sẽ phải học lại chương trình

17/05/2022 06:18
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cũng tán đồng với kiến nghị của cử tri Bạc Liêu, nếu học sinh không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu sẽ phải học lại chương trình.

Năm học 2021-2022 là một năm học thật đặc biệt đối với học sinh và với ngành giáo dục. Đó là, lần đầu tiên trong suốt một học kỳ ở nhiều tỉnh thành, học sinh không thể đến trường do tác động của dịch bệnh Covid.

Mặc dù ngành giáo dục đã phát động nhiều hình thức dạy học như dạy trực tuyến, dạy học qua Zalo, tin nhắn, gửi email, đưa bài đến tận nhà…Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ, học sinh không thể theo kịp chương trình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng ý cho học sinh học lại nếu không đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Phương Linh)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng ý cho học sinh học lại nếu không đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Phương Linh)

Về nguyên tắc, học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng sẽ phải lưu ban, sẽ phải học lại. Nhưng trong thực tế, việc học sinh ở lại lớp là vô cùng khó. Không bằng cách này thì cách khác, nhiều trường học vẫn tìm mọi cách để “lùa” các em phải lên lớp.

Với những năm học bình thường như trước đây, một lớp cũng chỉ có một vài em không theo kịp chương trình mà còn khó cho ở lại. Năm học này, số học sinh chưa thể đạt chuẩn có thể sẽ gấp đôi, gấp ba lần những năm học trước. Vậy cơ hội nào dành cho các em?

Những học sinh này, nếu bị lùa lên lớp hết sẽ thế nào? Không chỉ góp phần kéo lùi chất lượng giáo dục của ngành mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai học tập các em. Đây chính là nỗi lo ngại lớn nhất của nhiều thầy cô giáo.

Mạnh dạn quyết định cho các em học lại chương trình

Cử tri tỉnh Bạc Liêu lo lắng chất lượng học tập của học sinh bị ảnh hưởng do học trực tuyến kéo dài, đã gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Trong trường hợp cần thiết, mạnh dạn quyết định cho các em học lại chương trình của năm học 2021 - 2022 đối với các đối tượng xét thấy không đảm bảo chất lượng do yếu tố khách quan”.

Trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận, quá trình dạy học trực tuyến tại một số cơ sở giáo dục hiệu quả chưa cao do nhiều học sinh chưa tập trung, kỹ năng quản lý của giáo viên và sự phối hợp của phụ huynh trong quá trình tổ chức dạy học còn nhiều hạn chế.

Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng việc tổ chức dạy học trực tuyến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết khi học sinh trở lại trường, Bộ tiếp tục yêu cầu không gây áp lực, quá tải đối với học sinh, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng tránh dịch bệnh.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Việc đánh giá học sinh được thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu học sinh không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu sẽ phải học lại chương trình”.{1}

Giáo viên đã nỗ lực rất nhiều

Sau cả học kỳ dạy và học online, ngày trở lại trường dạy trực tiếp, các thầy cô giáo bắt đầu tăng tốc ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh. Những em không có điều kiện học online trước đây luôn được giáo viên chú ý đặc biệt.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều không phải cứ giáo viên nỗ lực là học sinh đều có kết quả tốt. Bên cạnh một số học sinh đã cải thiện nhanh chóng về chất lượng học tập thì có không ít em vẫn không thể theo kịp chương trình.

Bản thân người viết cùng những đồng nghiệp của mình luôn kết hợp đa kỹ năng như vừa dạy kiến thức mới, vừa tổ chức ôn tập lại kiến thức cũ, vừa bổ trợ kiến thức học sinh còn thiếu, còn hổng… thế nhưng có những học sinh vẫn không thể tiến bộ.

Chương trình bước qua đọc trơn, giáo viên còn dạy đọc âm, ghép vần. Có thầy cô dạy lớp 2, lớp 3 mượn cả sách lớp 1 để bên cạnh, để dạy kèm học sinh giờ ra chơi, giờ học các môn nghệ thuật…

Thế nhưng, những nỗ lực ấy cũng không thể giúp một số học sinh theo kịp chương trình. Có giáo viên chia sẻ với người viết: “Lớp em có 5 em không biết gì, em đã bất lực rồi!”.

Ngay tại thời điểm này, khi thời gian kết thúc năm học chỉ còn khoảng gần 1 tháng mà nhiều đồng nghiệp cho biết, lớp có 3 em, 5 em rồi 7 em… không thể đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng.

Làm một phép tính nhẩm, nếu bình quân mỗi lớp chỉ khoảng 4 em không theo kịp chương trình. Một khối khoảng 5 lớp, một trường có sĩ số gần một ngàn học sinh, sẽ gần trăm em (khoảng 10%) ở lại lớp.

Trong khi ngoài thực tế, tỉ lệ học sinh ở lại lớp của các trường chưa tới, hoặc tối đa chỉ 1%. Vì thế, người viết sẽ chắc chắn rằng, sẽ không có một hiệu trưởng nào đủ can đảm duyệt cho gần trăm học sinh phải học lại chương trình nếu không có những chỉ đạo kịp thời từ Bộ Giáo dục.

Mà cũng có hiệu trưởng đủ can đảm cho học sinh ở lại lớp nhiều như thế thực đấy nhưng sẽ gặp phải chỉ trích từ cấp phòng, cấp sở. Họ cũng không thể chịu đựng nổi khi bị quy chụp chỉ đạo chuyên môn không tốt, là yếu chuyên môn là lơ là nên để giáo viên không biết dạy...

Bộ cần có chỉ đạo cụ thể về các trường

Trả lời kiến nghị trong trường hợp cần thiết, cần mạnh dạn cho học sinh học lại chương trình của cử tri Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng đã nhấn mạnh: “Việc đánh giá học sinh được thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu học sinh không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu sẽ phải học lại chương trình”.{1}

Nghĩa là, Bộ Giáo dục cũng tán đồng với kiến nghị của cử tri Bạc Liêu, nếu học sinh không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu sẽ phải học lại chương trình.

Tuy nhiên, đây mới là trả lời của Bộ Giáo dục cho cử tri Bạc Liêu mà không phải thông điệp gửi rộng rãi cho toàn ngành.

Để quan điểm của Bộ được thực thi, người viết cho rằng, Bộ Giáo dục cần có công văn chỉ đạo mạnh mẽ gửi về các cơ sở giáo dục. Cần mở thêm địa chỉ tiếp nhận đơn thư phản ánh nếu trường học nào cố tình thực hiện sai.

Điều này, không chỉ giúp cho chất lượng giáo dục được nâng lên mà còn giúp những học sinh có thêm cơ hội được học tập sau này.

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/co-de-xuat-hoc-lai-chuong-trinh-nam-hoc-2021-2022-bo-gd-dt-noi-gi-post1457871.html{1}

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết