Nếu không quản lý nghiêm sẽ tạo ra nhiều 'lò ấp' và lạm phát tiến sĩ

17/05/2022 06:33
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không quản lý chặt chất lượng, sẽ tạo ra nhiều “lò ấp” bằng tiến sĩ và hiện tượng lạm phát tiến sĩ, vì còn ngầm định “có bằng tiến sĩ có năng lực cao hơn”.

Nhiều “tiến sĩ rởm” do “thăng quan tiến chức” gắn với học hàm, học vị?

Thời gian gần đây, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề đào tạo tiến sĩ kém chất lượng ở một số cơ sở đào tạo. Có ý kiến cho rằng, phải chăng, do tồn tại chuyện bổ nhiệm cán bộ “ưu tiên” học hàm, học vị, nên mới dẫn đến những tiêu cực như vậy.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương (Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; nguyên Chuyên viên cao cấp, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) nhìn nhận: “Đúng là ở một số ngành hiện nay có biểu hiện, khi muốn “thăng quan tiến chức” đối với cán bộ cấp cao là phải gắn với học hàm, học vị. Nhưng đó không phải là nguyên nhân cơ bản hay chủ yếu của câu chuyện bằng tiến sĩ kém chất lượng bị dư luận xã hội coi thường, phê phán.

Người Việt vốn có truyền thống hiếu học và văn hóa trọng học vấn. Cái này không xấu, song, có mặt trái, dễ dẫn đến tình trạng tự phát đua đòi nhau làm tiến sĩ, tạo ra phong trào chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng. Đào tạo tiến sĩ có bản chất là giáo dục cấp cao và chất lượng cao, đào tạo chuyên gia khoa học và công nghệ, đào tạo nhân tài... Đối với nước ta, điều kiện và nguồn lực và điều kiện có hạn, công việc này vẫn phải theo quy luật chất lượng tỷ lệ nghịch với số lượng. Nếu không quản lý chặt chất lượng thì sẽ tạo ra nhiều “lò ấp” công nghiệp bằng tiến sĩ và hiện tượng lạm phát tiến sĩ.

Tôi có thể khẳng định rằng nguyên nhân đầu tiên của thực trạng số người có học vị tiến sĩ tăng mạnh trong khi nhiều luận án kém chất lượng hiện nay là do công tác quản lý nhà nước về đào tạo chưa đạt yêu cầu”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương(Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương(Ảnh: NVCC).

Phó giáo sư Đỗ Minh Cương dẫn chứng: “Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử để chứng minh: Thời kỳ xã hội phong kiến, việc thi cử được tổ chức bài bản, nghiêm túc để chọn tiến sĩ, dù có bị hạn chế về đề tài và lĩnh vực nghiên cứu, song, vẫn đạt được mục tiêu chọn nhân tài cho đất nước. Thời Pháp thuộc, chế độ đào tạo tiến sĩ cũng theo triết lý đào tạo bộ phận/tầng lớp tinh hoa, tạo ra các trí thức, chuyên gia....Chuyện chất lượng, uy tín bằng cấp sụt giảm nhiều và trở thành vấn đề tiêu cực xã hội mới xảy ra cách đây hơn 20 năm, đáng tiếc là trong thời kỳ “đổi mới giáo dục - đào tạo”.

Trách nhiệm đầu tiên của thực trạng này thuộc về công tác quản lý nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quản lý nhiều dự án đào tạo hàng chục ngàn tiến sĩ ở trong và ngoài nước, có mục tiêu hội nhập quốc tế, quốc tế hóa… với kinh phí đầu tư đáng kể, song, chất lượng, hiệu quả dường như chưa đạt được mục tiêu đề ra”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương cũng phân tích thêm một số nguyên nhân khác: "Theo tôi, nguyên nhân cơ bản xuất phát từ thể chế, khuôn khổ quản lý và cách thức tổ chức đào tạo, công nhận bằng tiến sĩ hiện nay đang có rất nhiều vấn đề, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo tính khách quan và hiệu quả.

Chẳng hạn, yêu cầu của luận án tiến sĩ gần đây bị hạ chuẩn, không còn yêu cầu về bài báo quốc tế, hay số lượng bài báo uy tín trong nước cũng thấp, khiến tính khoa học của đào tạo thấp hơn."

Theo thầy Cương, nguyên nhân thứ hai thuộc về trách nhiệm và năng lực quản trị đại học của các cơ sở đào tạo, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, của các chủ tịch hội đồng đánh giá và của giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh… Mặc dù quy định đào tạo tiến sĩ thì giống nhau, nhưng chất lượng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo hiện nay lại rất khác nhau. Ví dụ như các đại học, trường đại học lớn và có uy tín thì chất lượng đào tạo cao hơn nhiều so với một số cơ sở bị thanh tra, báo chí khui ra: có những luận án của nghiên cứu sinh với đề tài chưa đủ tầm, chỉ giống như một báo cáo tổng kết, luận án mang tính mô tả chứ không phải công trình nghiên cứu.

Để xảy ra như vậy là do sự không nghiêm túc ở những cơ sở đào tạo ấy, khi mải chạy theo số lượng mà không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo tiêu chuẩn khoa học và chất lượng. Thế mới có chuyện số luận án tiến sĩ được “sản xuất” với tốc độ nhanh “chóng mặt”.

Điều đó cho thấy, nhiều lãnh đạo cơ sở đào tạo không gương mẫu, không thực thi nghiêm túc công tác quản trị chất lượng sản phẩm của mình; mục tiêu đào tạo chuyên gia cao cấp và nhân tài bị biến tướng thành mục tiêu kinh doanh, lợi ích kinh tế và chạy theo số lượng.

Nguyên nhân thứ ba thuộc về phía chủ thể sử dụng nhân sự có bằng tiến sĩ hiện nay.

Trong chuyện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thường bị ảnh hưởng, tác động từ hai yếu tố: Một là, dựa vào những tiêu chí chính thức, mang tính quy định của Đảng, Nhà nước. Và thứ hai là vẫn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố không chính thức có tính tâm lý, tình cảm, văn hóa tồn tại một cách ngầm định dù không được định nghĩa, không được tiêu chuẩn hóa rõ ràng.

Đó là các ngầm định về ưu tiên, các thiện cảm, ưu ái như về nơi sinh, thành phần, con em cán bộ lãnh đạo...Có sự ngầm định người có bằng tiến sĩ có năng lực cao hơn so với người không có bằng cấp cao, trong công tác tổ chức - cán bộ cũng như vậy.

Nếu quy định rõ, với vị trí công việc đó đòi hỏi tiêu chuẩn, tiêu chí về năng lực cụ thể như thế là đủ rồi, không nhất thiết phải đòi hỏi học hàm, học vị để ưu tiên bầu cử, bổ nhiệm…, thì người ta sẽ không còn chuyện so sánh với nhau rồi đổ xô đi học.

Đào tạo tiến sĩ để có nhân lực chất lượng cao và nhân tài cho đất nước mà nhân tài chỉ phát huy được trong môi trường và vị trí công việc phù hợp.

Nhìn vào các nước phát triển, chúng ta thấy các lãnh đạo, chính khách, công chức cấp cao của họ có tỉ lệ học vấn tiến sĩ không cao; bằng tiến sĩ chỉ được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực làm khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế… song phải đúng chuyên môn thì mới phát huy có hiệu quả. Nếu hệ thống chính trị có những công việc thực sự cần tuyển chọn tiến sĩ giỏi thì rất tốt; việc bổ nhiệm ưu tiên những người có học vị cũng không phải hoàn toàn xấu, mà xấu khi nó không thể lọc được những người “bằng thật - học giả”, lấy cả những người năng lực thực tế yếu kém có học vị, học hàm cao vào bộ máy lãnh đạo và quản trị quốc gia.

"Tôi muốn nhấn mạnh, trong công tác cán bộ, công tác quản trị nhân sự hiện nay cần có sự phân loại, phân hạng về bằng tiến sĩ để tuyển chọn, bố trí sử dụng một cách phù hợp, hiệu quả. Không nên tư duy đơn giản là bằng tiến sĩ cơ bản là đồng hạng, như nhau. Cần phải biết rõ đối tượng được đào tạo ở trường nào, ai là giảng viên hướng dẫn, học ở đâu, thời gian nào, chuyên ngành gì, đã có cống hiến gì cho khoa học và thực tiễn trong nước, quốc tế?", Phó giáo sư Đỗ Minh Cương nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ tư - nguyên nhân chủ quan và quan trọng nhất là người học chương trình đào tạo tiến sĩ phải nhận thức được sứ mệnh, mục tiêu sự nghiệp của mình và có đủ tiêu chuẩn đạo đức, trách nhiệm xã hội đối với chương trình đào tạo và bằng cấp. Cần xác định lựa chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ là một khoản đầu tư lớn, lâu dài và học tập vất vả mới thành công. Nếu như bản thân không có tố chất, năng lực nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, không muốn trở thành chuyên gia thì không nên chọn và không nên a dua chạy theo phong trào.

Hoàn thiện thể chế quản lý, bỏ tính “khép kín”, tăng tính khoa học, công khai, minh bạch

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương cũng cho biết, ông cảm thấy buồn và bất bình trong chuyện dư luận vì những trường hợp nổi cộm kia mà đánh đồng, “vơ đũa cả nắm”, cho là tiến sĩ đào tạo tại Việt Nam là chất lượng kém.

“Cần đòi hỏi phải đánh giá khách quan, khoa học và công bằng việc này. Chẳng hạn, tiến sĩ này làm luận án về ngành gì, đề tài như thế nào, ai hướng dẫn, ở đâu, phải làm cho rõ ràng. Người nào hướng dẫn thì người đó phải chịu trách nhiệm cao về chất lượng và năng lực, đạo đức khoa học của học trò.

Đồng thời, trong công tác cán bộ, cũng phải nêu rõ người này là tiến sĩ ngành gì, tốt nghiệp ở đâu? Những trường hàng đầu thì không dễ đánh đổi, tự hạ thấp tiêu chuẩn để chạy theo số lượng. Đào tạo một cách bát nháo như vậy, sẽ bị hạ uy tín và thương hiệu của họ” - ông bày tỏ.

Đề cập đến một số giải pháp để siết chất lượng đào tạo tiến sĩ, vị Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh cho rằng: “Trước hết, về thể chế, quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học, nhất là với đào tạo bậc tiến sĩ phải nâng cao tính khoa học, công bằng, minh bạch và quản trị các cơ sở đào tạo chặt chẽ hơn.

Thứ hai, về đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cần có cái nhìn khách quan, khoa học và cụ thể hơn, không thể xếp ngang, xem tất cả tiến sĩ là như nhau; cũng không chạy theo hình thức, coi cứ tiến sĩ là hơn hẳn người không phải là tiến sĩ. Bởi vì, có những người không học lên tiến sĩ, nhưng lại có nhiều cống hiến hơn, làm việc hiệu quả cao hơn.

Ví như, tỷ phú Elon Musk đã từng có ước mơ trở thành nhà vật lý được giải Nobel. Ông đã học chương trình tiến sĩ ở Đại học Stanford danh giá của Mỹ năm 1995, khi ông mới 24 tuổi. Nhưng chỉ sau hai ngày, ông đã bỏ học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh về công nghệ thông tin. Nếu như ông trở thành một nhà vật lý với ước mơ đoạt giải Nobel thì nước Mỹ đã không có một nhà sáng tạo công nghệ giàu nhất thế giới ở tuổi 50.

Theo tôi, làm cán bộ, công chức cho khu vực công, nếu tốt nghiệp học đại học thực chất mà có thái độ, năng lực học hỏi tốt và dám làm việc khó thì có thể trở thành cán bộ lãnh đạo và công chức xuất sắc rồi.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nâng cao hiệu quả của công tác quản lý kiểm tra, đánh giá, loại bỏ những hiện tượng tiêu cực đang có ở những cơ sở “đẻ” ra luận án quá nhanh, quá dễ… Nhiệm vụ này đòi hỏi các cán bộ, công chức và nhân viên làm công việc quản lý và quản trị đại học ở cấp vĩ mô và vi mô đều cần có tinh thần thượng tôn pháp luật, liêm chính và trọng khoa học. Nếu họ có thái độ nể nang, xuê xoa và vì lợi ích cá nhân, cục bộ, thì sự suy thoái về đạo đức và trình độ trong giáo dục là không thể tránh khỏi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nâng cao hiệu quả của công tác quản lý kiểm tra, đánh giá, loại bỏ những hiện tượng tiêu cực đang có ở những cơ sở “đẻ” ra luận án quá nhanh, quá dễ… (Ảnh minh họa: Ngọc Diệp).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nâng cao hiệu quả của công tác quản lý kiểm tra, đánh giá, loại bỏ những hiện tượng tiêu cực đang có ở những cơ sở “đẻ” ra luận án quá nhanh, quá dễ… (Ảnh minh họa: Ngọc Diệp).

Cần có các quy định nâng cao tính khoa học, sáng tạo và đạo đức của luận án tiến sĩ trong điều kiện chuyển đổi số. Cơ sở nào mà cố tình cho “lọt” những luận án không đạt chuẩn thì cơ quan quản lý đào tạo có thể chấm điểm tín nhiệm đối với Chủ tịch và các thành viên hội đồng. Với những người thường xuyên dễ dãi, cho điểm như thế cần có dữ liệu số theo dõi và cho điểm tín nhiệm thấp để loại khỏi danh sách hội đồng vì không đủ tín nhiệm. Phải quản lý và quản trị đào tạo đại học khoa học hiện đại, công bằng, và minh bạch hơn”.

“Bên cạnh đó, theo tôi, muốn loại bỏ các hiện tượng đào tạo kém chất lượng thì cần xóa bỏ tình trạng tổ chức công việc mang tính “đóng kín”, tính phản biện thấp, thiếu công khai, minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình. Các cơ sở đó có tính chất ưu tiên “tạo công ăn việc làm cho nhau”, nên việc mời chuyên gia bên ngoài cũng chỉ chọn toàn mời những người quen biết, những người dễ dãi, để họ có thể điều hướng được toàn bộ” - ông Cương thông tin thêm.

Thứ tư, quan trọng nhất chính là bản thân những người làm nghiên cứu trình độ tiến sĩ phải có nền tảng đạo đức, văn hóa và hiểu biết pháp luật; phải có lòng tự trọng và thái độ học tập - làm việc nghiêm túc, tập trung. Không nên nghĩ làm tiến sĩ cho oai và dễ thăng nhanh trên con đường quan lộ mà phải chấp nhận khi có danh tiến sĩ là phải làm việc bằng tư duy khoa học, luôn coi trọng các tiêu chuẩn của khoa học, đạo đức và văn hóa đổi mới sáng tạo trong công việc và sự nghiệp của mình” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương nhấn mạnh.

Ngân Chi