Nếu Lịch sử thành môn bắt buộc sẽ kéo theo những thay đổi gì?

24/05/2022 06:32
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Lịch sử thành môn bắt buộc thì phải sửa lại chương trình từ lớp 6 đến lớp 12, không đơn giản chỉ sửa ở bậc trung học phổ thông là xong.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối với lớp 10 vào năm học 2022-2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.

Học sinh học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc và được chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ và Nghệ thuật.

Riêng nhóm môn Khoa học xã hội, Lịch sử là môn lựa chọn khiến dư luận tranh cãi trái chiều chưa có hồi kết.

Ngày 22/5/2022, phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã báo cáo về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với môn Lịch sử bậc trung học phổ thông.

Tại cuộc họp, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục nêu quan điểm cho rằng: "Đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn".

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp Nhân dân theo hướng quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Là giáo viên đang dạy bậc trung học phổ thông, tôi đã đọc kĩ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Lịch sử thì thấy rằng, phải sửa lại chương trình, sách giáo khoa mới nếu môn Lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc vì một số lí do sau đây.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ Ba của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục diễn ra ngày 22/5/2022 (ảnh: quochoi.vn)

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ Ba của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục diễn ra ngày 22/5/2022 (ảnh: quochoi.vn)

Thứ nhất, việc thay đổi Lịch sử từ môn học lựa chọn thành môn bắt buộc không phải cứ muốn là được mà phải tuân thủ theo Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Thông tư ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tiếp đến, ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).

Tiếp theo, ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông - được coi là “pháp lệnh” trong tổ chức dạy học.

Thứ hai, cho đến thời điểm này các các trường trung học phổ thông trên cả nước đều xây dựng xong một số tổ hợp nhằm giúp học sinh, phụ huynh học sinh chọn lựa sau khi thi (xét) tuyển sinh 9 lên 10.

Nếu quyết định đưa Lịch sử thành môn bắt buộc, thì các tổ hợp môn đều có môn Lịch sử, các nhà trường phải tính toán lại để thiết kế các tổ hợp phù hợp với nhân sự và điều kiện của từng đơn vị.

Việc xây dựng các tổ hợp môn (đều có môn Lịch sử) không phải dễ dàng thực hiện một một sớm một chiều vì liên quan đến việc học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học sau này.

Nhà trường cần biết việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học thay đổi thế nào vào thời gian tới thì mới có cơ sở tư vấn chính xác cho học sinh, phụ huynh học sinh - nhưng hiện những thông tin này vẫn chưa có.

Thứ ba, mục Quan điểm xây dựng chương trình (2018) môn Lịch sử nêu rõ, "chương trình bảo đảm nguyên tắc tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, giữa các lớp học trong từng cấp học và liên thông với chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học". [1]

Như thế, nếu Lịch sử là môn học bắt buộc, dạy đại trà thì làm sao có thể "sao chép" chương trình của môn học lựa chọn theo hướng phân hóa sâu sang dạy cho tất cả học sinh?

Bởi, môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông được thiết kế thành các chủ đề chuyên sâu, khó hơn, mang tính định hướng nghề nghiệp cho những học sinh lựa chọn. Nếu ép tất cả học sinh phải học chương trình khó hơn thì lợi bất cập hại, thậm chí có thể khiến nhiều em chán học môn Lịch sử hơn.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, ở cấp trung học phổ thông, chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. [2]

Thứ tư, nếu Lịch sử thành môn bắt buộc thì phải sửa lại chương trình từ lớp 6 đến lớp 12 chứ không chỉ sửa ở bậc trung học phổ thông là xong - phải biên soạn lại theo mạch liên thông của hai bậc học này.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp trung học cơ sở, môn Lịch sử và Địa lí gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,...

Còn lớp 10, Lịch sử giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử trong đời sống, củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử, tạo cơ sở vững chắc để học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp.

Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hoá, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,…

Cá nhân tôi thấy rằng, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những ưu điểm và khuyết điểm nhất định.

Ưu điểm thì cần phát huy, còn khuyết điểm phải có những phân tích, đánh giá mang tính toàn diện và đưa ra được những giải pháp rõ ràng.

Tài liệu tham khảo:

[1] //data.moet.gov.vn/index.php/s/Pjk1JJIcg7CxsnP#pdfviewer

[2] //vtc.vn/tong-chu-bien-chuong-trinh-giao-duc-moi-neu-ly-do-lich-su-la-mon-tu-chon-ar671894.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài