Nếu ta mở tư duy, nhân loại sẽ đến ta mà học, tôi chắc chắn thế

09/07/2019 06:17
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Trong lúc giáo dục đại học đang đi tìm con đường “chất lượng quốc tế”, cá nhân tôi mong họ hãy cho phép “mở” về tư duy, quan điểm, thể hiện và sáng tạo cá nhân

Nhân dịp tổng kết lịch sử ngoại giao Việt – Mỹ sau Chiến Tranh Việt Nam [1], tôi tự nhắc lại câu hỏi mà chính tôi đặt ra và chưa tìm ra câu trả lời là “giáo dục và giáo dục quốc tế” (chuyên ngành nghiên cứu chuyên sâu của tôi hơn 5 năm qua), sẽ đóng vai trò như thế nào để kiến thiết một xã hội và thế giới “biết sống chung hòa bình” với nhau? 

Có nghĩa là, chúng ta sẽ đối xử những “kẻ thù” một thời ra sao, dẫu cho những vết thương họ gây ra vẫn có thể còn nguyên nỗi đau trên từng cá nhân, từng tấc đất? 

Bởi, khi UN-UNESCO và thế giới đang kêu gọi về một thế kỷ hướng tới hòa bình – thịnh vượng chung, hướng đến con người làm trung tâm và xóa bỏ đói nghèo, bất bình đẳng và giáo dục chất lượng cho tất cả, chúng ta nên tư duy như thế nào về quá khứ, để đạt đến “chất lượng quốc tế” mà tất cả đều được tôn trọng – thành ý – chia sẻ mang ý nghĩa giá trị thực sự cho tất cả?

Bài viết này, tôi muốn tiếp cận nó dưới góc độ giáo dục lịch sử trong chiến tranh Việt Nam như một ví dụ để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm, bởi nói tới lịch sử, nói tới quan hệ quốc tế và bang giao, không dễ để chỉ có một vài góc tiếp cận, dù tất cả chúng ta, dân tộc và người Việt nam đều chỉ mong được sống hòa bình và thịnh vượng cùng với tất cả các dân tộc khác. 

Câu hỏi nằm ở chúng ta sẽ dạy dỗ thế hệ trẻ hành xử như thế nào?

Tháng 5/2014, khi bước chân lần đầu đến hiệu sách giảm giá ở Corpus, Half Price, cuốn sách lịch sử về chiến tranh Việt Nam với tên gọi Chiến Thắng bằng Mọi Giá – Vị Tướng Huyền Thoại Võ Nguyên Giáp [2] được đặt trịnh trọng trên quầy "Best Seller" và cuốn này không giảm giá.

Cuốn Chiến Thắng bằng Mọi Giá – Vị Tướng Huyền Thoại Võ Nguyên Giáp (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cuốn Chiến Thắng bằng Mọi Giá – Vị Tướng Huyền Thoại Võ Nguyên Giáp (Ảnh: tác giả cung cấp).

Tôi, vì tự hào là người Việt, là bạn bè của nhiều gia đình tướng lĩnh quân đội Việt Nam (những thế hệ cháu của các gia đình bác này học cùng suốt các năm học cấp phổ thông), đành bỏ tiền mua để đọc và giữ kỷ niệm. Bởi chả lẽ, họ trân trọng những con người Việt Nam mình như vậy, mình lại không mua để đọc?  

Cuốn sách này đi theo tôi suốt 3 năm hơn ở thời đại học A&M Corpus Christi, dù khi tôi đọc, có rất nhiều điểm tôi không đồng ý lắm với tác giả, bởi tôi đã đọc về Võ Nguyên Giáp nhiều khi ở Việt Nam tổng kết lịch sử ngoại giao Việt – Mỹ sau Chiến Tranh Việt Nam. 

Nhưng không sao, bởi đó là cách tiếp cận lịch sử và quan điểm về sự việc, con người, của mỗi cá nhân.

Nếu chúng ta tra cứu tên sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta ngạc nhiên với số lượng sách được viết và xuất bản bởi các quốc gia nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia đã từng là “địch thủ” với tướng Giáp thời trước. 

Hầu hết, họ đều khâm phục con người và nhân cách của ông, dù có nhận xét gì đi nữa, ví dụ, với tên gọi “Bằng mọi giá” để nói đến tính sẵn sàng hy sinh số lượng sinh mạng của rất nhiều thế hệ Việt Nam, nhưng ở một khía cạnh rất khác, Việt Nam không có con đường nào khác và thật ra, hầu hết các tướng lĩnh quân đội nước ngoài phải thừa nhận sự thông minh và bản lĩnh về cách chiến đấu của Việt Nam với những lực lượng quân đội và chính quyền hơn hẳn họ về tất cả mọi mặt.

Cá nhân tôi không thích tên gọi “Bằng mọi giá”, bởi nó làm giảm đi nhận định bên trong mà tác giả viết về bản lĩnh và mưu lược của một con người, đã từng là thầy giáo và chưa bao giờ học để làm quân sự hay chính trị.

Tương tự như vậy, về một cá nhân xuất chúng của Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn.

Điều kỳ lạ là Việt Nam rất ít viết về bác này.

Hầu hết là “địch” viết về “ta” và dựa trên những mối quan hệ cá nhân sau chiến tranh 1975, giữa những quan hệ công việc và bạn bè cá nhân.

Khi nhìn đến những hiện tượng trên và nghĩ về chất lượng quốc tế cho giáo dục Việt Nam, có hai câu hỏi cần đặt ra:

Khi đại học công và cấu trúc đại học là “phản” dân chủ
Khi đại học công và cấu trúc đại học là “phản” dân chủ

(1)  Chúng ta, Việt Nam, muốn có “chất lượng quốc tế” nào, khi chúng ta mở rất lớn về kinh tế và hội nhập vào quốc tế [3], nhưng tư tưởng, phương thức tự do tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau về quan điểm chính trị ở Việt Nam, chúng ta còn “ngần ngại” [4]. 

Điều mà ở kinh tế Mỹ dạy về học thuyết tư bản của Karl Max như một trong những gì sinh viên cần học cùng với vô số các học thuyết khác, thì với chúng ta, khi nào trong lịch sử và chính trị, chúng ta có thể giảng dạy với những thông tin đa chiều, đa nguồn và coi đó là một phương thức giáo dục tư duy “phản biện” (critical thinking) với phương thức, học thế nào không chỉ dừng ở đó, mà phải hướng đến học để nghĩ thế nào?

(2) Với độ kết nối toàn cầu về giáo dục, đặc biệt là trong giáo dục đại học theo chủ trương UN-GUNi, mà Việt Nam là thành viên tích cực, cùng với UNESCO để hướng đến xã hội học tập, tôi không rõ, chúng ta sẽ tư duy về “chất lượng quốc tế” là gì, khi những vấn đề cơ bản trong phương pháp giáo dục của Việt Nam khác với Mỹ và thế giới phát triển, về cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề [5], dù cho chúng ta kết nối internet toàn cầu?  

Khi nào giáo viên và giáo sư giảng dạy ở đại học của Việt Nam có thể thẳng thắn nói rõ: “Này, vấn đề này cần có nghiên cứu thêm ở nhiều phía, nhiều góc độ đấy nhé”, hay như trong kinh tế là môn học có vẻ chúng ta đi theo với quốc tế sâu sát nhất, liệu có ai dạy kinh tế quốc tế ở Việt Nam có thể nói rõ với học sinh rằng “Hầu hết các phương pháp đo lường kinh tế và toàn cầu hóa hiện tại là do Phương Tây, do Mỹ thiết lập và phải nói là nó phục vụ cho những lợi ích của họ [6].  

Bây giờ là thời kỳ chúng ta phải nghĩ lại, bởi có nhiều học thuyết và phương pháp đo lường kinh tế và phát triển bền vững đã không còn phù hợp nữa rồi.”. 

Hay chúng ta đang chỉ dừng ở chỗ, thấy người ta đi xếp hạng, mình cũng xếp hạng [7]; thấy người ta lao vào làm nghiên cứu, nhưng năng lực nghiên cứu của mình thì thấp, ngoại ngữ kém, nguồn dữ liệu tiếp cận thì chỗ thừa chỗ quá thiếu, và nghiên cứu những vấn đề không có hiệu quả hay chả hữu ích gì cho Việt Nam, dẫn đến quá nhiều về số lượng giáo sư tiến sỹ (nhất Châu Á) [8], nhưng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thì không rõ, xếp hạng 1000 của hai đại học quốc gia [9] có là sự ưu ái quá cho Việt Nam hay không?

Muốn nói đến chất lượng quốc tế trong giáo dục, điều đầu tiên và tiên quyết ở mọi cá nhân tham gia vào giáo dục, đó là sự tư do tư duy và phát biểu hay trình bày. Ấy nhưng làm sao chúng ta làm thế được?

Nước Mỹ chả có gì quá đẹp hay quá tệ. Bởi, với Thomas Jeffeson, người viết lên Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ (1776), người nhắc đến mọi con người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền được tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc, thì hay thay, lại có Hofstadter, với nghiên cứu của mình, chỉ rõ việc, Jeffeson vấn tiếp tục chính sách sử dụng nô lệ của mình sau thời kỳ viết Tuyên Ngôn Độc lập và có những chính sách “chống lại chủ nghĩa tri thức” [10].

Khi đại học công và cấu trúc đại học là “phản” dân chủ (2)
Khi đại học công và cấu trúc đại học là “phản” dân chủ (2)

Tương tự như vậy, với một người nổi tiếng của Boston, Horace Mann, cha đẻ của vấn nạn “thi chuẩn hóa” của nước Mỹ từ những năm 1845 [11] và kéo dài cho đến giờ này.

Nó cũng tương tự như, có ai đó ca ngợi về "Tinh thần Mỹ" [12] thì có vô số các sách khác phân tích về “Mỹ không là lý tưởng”, đặc biệt khi áp dụng chính sách minh bạch hóa và quyền được có thông tin [13], để buộc tất cả phải sống và minh bạch về nguồn thông tin, dù đó là “mật” thì phải giải mật sau thời gian bao lâu đó, theo luật định. 

Thế thì thế giới mới biết nhiều về nước Mỹ và chỉ có nước Mỹ hiện nay, chính sách về minh bạch thông tin để kiểm soát quyền lực là rõ rệt nhất, mặc dù, nói vậy cũng chưa hẳn vậy, có vô số sai lầm của nước Mỹ, khi dân Mỹ và thế giới biết được, giá phải trả cứ lên đến hàng nghìn tỷ đô la [14], thì cũng công toi.

Điều mà chúng ta muốn hướng đến là giáo dục có chất lượng, nó khác với chất lượng quốc tế, và nó càng khác với chất lượng quốc tế nào.

Làm sao có chất lượng thật khi chúng ta giới hạn khả năng tự do tư duy và thể hiện quan điểm, dù rằng đó có thể là chưa đúng, nhưng cách nào để khích lệ sáng tạo, khi chưa nói đã được “tự kiểm duyệt” [15] trong trí não rằng, “ồ, không được đâu, dễ vi phạm pháp luật”, hoặc “chả có ai nói, tại sao mình đi nói làm gì?”.

Người ta đề cập đến, “Dân trí ở đâu, dân chủ đến đó” và với đại học, nơi đào tạo năng lực lao động tiên phong và lãnh đạo xã hội Việt Nam, nếu chúng ta không “mở” về tư duy và năng lực tự do phát triển cá nhân, việc chúng ta kết nối toàn cầu, dù với nguồn dữ liệu mở, dù với tri thức hàng nghìn năm của nhân loại đang ở trên mạng, học sinh sinh viên của chúng ta vẫn chỉ là “1/2” con người, khi chưa được thực sự tự do học tập và nghiên cứu, theo đúng nghĩa.  

Điều nhận định về 1/2 con người này, không chỉ ở giáo dục Việt Nam, nó được ghi chép ở giáo dục Mỹ kể từ 1963 tới nay. [10]

Trong lúc giáo dục đại học đang đi tìm con đường “chất lượng quốc tế”, cá nhân tôi chỉ mong, họ hãy cho phép “mở” về tư duy, quan điểm, thể hiện và sáng tạo cá nhân, trong môi trường giáo dục đại học, kể từ quản lý lãnh đạo đại học (dưới tên gọi là tự chủ), cho tới giáo viên dạy và học, và phát triển năng lực cá nhân của mỗi sinh viên.  

Nếu chúng ta “mở” được về tư duy tự do và tự học như vậy, tôi nghĩ, chả cần đến xếp hạng quốc tế nào hết, thế giới sẽ đến học Việt Nam!

Tài liệu tham khảo:

[1] http://soha.vn/chuyen-bo-truong-ngoai-giao-nguyen-co-thach-o-lien-hop-quoc-20190704165638703.htm;

[2] https://www.amazon.com/Victory-Any-Cost-Genius-Warriors/dp/1574887424

[3] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/do-mo-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-viet-nam-nen-cung-co-noi-luc-de-tang-truong-ben-vung-20190130101017746.htm

[4]https://vi.wikipedia.org/wiki/Di%E1%BB%85n_bi%E1%BA%BFn_h%C3%B2a_b%C3%ACnh

[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tranh-luan-tu-do--Doi-thoai-giua-me-va-con-My-post174264.gd; https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/con-nguoi-tu-do-la-dich-den-cua-giao-duc-138575.html;

[6] Why the West Rules—For Now: The Patterns of History, and What They Reveal About the Future, https://en.wikipedia.org/wiki/Why_the_West_Rules%E2%80%94For_Now;

[7] https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20170105122700949; https://thanhnien.vn/giao-duc/tai-sao-hau-het-cac-dai-hoc-nen-tu-bo-tro-choi-xep-hang-782223.html;

[8] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nhung-con-so-bat-ngo-ve-gs-pgs-viet-nam-338215.html; https://thanhnien.vn/giao-duc/nhung-nghich-ly-ve-giao-su-pho-giao-su-o-viet-nam-822822.html;

[9] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/viet-nam-tiep-tuc-co-hai-truong-dai-hoc-lot-top-1000-the-gioi-542924.html

[10] Anti-intellectualsim in American Life, R. Hofstadter, 1963, https://en.wikipedia.org/wiki/Anti-intellectualism_in_American_Life

[11] The Forgotten Disaster of America's First Standardized Test 

https://gadflyonthewallblog.com/2019/04/23/the-forgotten-disaster-of-americas-first-standardized-test/

[12] The American Spirit: Who We Are and What We Stand For, David McCullough;

[13] https://en.wikipedia.org/wiki/Freedom_of_Information_Act;

[14] https://www.voatiengviet.com/a/cuu-bo-truong-quoc-phong-my-chuck-hagel-chung-ta-da-bi-lua-doi-ve-chien-tranh-viet-nam-/4424386.html; https://en.wikipedia.org/wiki/The_Restless_Wave_(book);

[15] https://en.wikipedia.org/wiki/Self-censorship

Nguyễn Thị Lan Hương